Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 23/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Thể chế hóa yêu cầu xử lý nhân văn hơn đối với người chưa thành niên phạm tội
Trình bày tóm tắt Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, nhiều ý kiến đồng tình với quy định của dự thảo về hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội.
Nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các quy định cụ thể trong 4 loại hình phạt nêu trong dự thảo để bảo đảm thể chế hóa được yêu cầu về xử lý nhân văn hơn đối với người chưa thành niên phạm tội.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngoài hình phạt tù có thời hạn, dự thảo Luật tiếp tục kế thừa quy định của Bộ luật Hình sự về 3 loại hình phạt khác gồm: cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ. Quy định này nhằm bảo đảm phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của từng hành vi phạm tội, đồng thời thể chế hóa Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị – giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ…
Tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định của dự thảo Luật về 4 loại hình phạt. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng nội dung quy định của từng loại hình phạt nêu trên để vừa bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa tội phạm, vừa đề cao tính nhân văn, hướng thiện trong xử lý người chưa thành niên phạm tội.
Cho ý kiến về việc thi hành án phạt tù của người chưa thành niên, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đề nghị bổ sung quy định “ưu tiên cho người chưa thành niên chấp hành án phạt tù tại cơ sở giam giữ gần gia đình, địa phương cư trú”. Điều này thể hiện tính nhân văn, tạo điều kiện cho gia đình thăm nom, gặp gỡ, động viên người chưa thành niên phạm tội, góp phần cải thiện tâm lý của người chưa thành niên theo hướng tích cực.
Điều 113 dự thảo Luật quy định về phạt tiền, tại khoản 3 quy định “Mức tiền phạt đối với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội không quá 1/3 mức tiền phạt mà điều luật quy định”.
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (đoàn Đắk Nông) đề nghị rà soát để bảo đảm phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự 2015 quy định về việc áp dụng loại hình phạt đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu người đó có thu nhập hoặc có tài sản riêng.
Theo đó, mức tiền phạt đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội không quá 1/2 mức tiền phạt mà điều luật quy định, không có quy định phạt tiền đối với nhóm từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. Trong khi, mục đích xây dựng Luật này là nhằm bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho đối tượng vị thành niên chứ không phải tăng nghĩa vụ cho đối tượng này.
Bảo đảm nguyên tắc giải quyết vụ việc có người chưa thành niên nhanh chóng, kịp thời
Về thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có ý kiến đề nghị quy định biện pháp xử lý chuyển hướng bồi thường thiệt hại chỉ giao thẩm quyền cho Tòa án quyết định áp dụng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, trường hợp vụ án có liên quan đến bồi thường thiệt hại và các bên đồng thuận việc giải quyết bồi thường thì việc giao cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng như dự thảo Luật (cũng là kế thừa quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành) sẽ bảo đảm nguyên tắc nhanh chóng, kịp thời, giúp người chưa thành niên có đủ điều kiện luật định sẽ sớm được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng thay vì quy định Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải lập hồ sơ đề nghị Tòa án áp dụng, vừa kéo dài thời hạn, vừa phát sinh thủ tục tố tụng.
Đồng thời, để giải quyết trường hợp có tranh chấp về bồi thường thiệt hại, tại khoản 1 Điều 57 dự thảo Luật đã bổ sung quy định trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng, bồi thường thiệt hại thì phải giải quyết theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
Tòa án nhân dân tối cao đề nghị quy định theo hướng: trường hợp vụ án phát sinh tranh chấp về bồi thường thiệt hại hoặc phát sinh vấn đề tịch thu tài sản thì giao cho Tòa án thẩm quyền quyết định cả việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng và bồi thường thiệt hại, tịch thu tài sản.
Phát biểu ý kiến, đại biểu Lương Văn Hùng (đoàn Quảng Ngãi) đề nghị cân nhắc quy định Viện kiểm sát cùng cấp có thẩm quyền hủy bỏ quyết định về việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng của cơ quan điều tra mà nên quy định Viện kiểm sát quyền kiến nghị khi có căn cứ cho rằng quyết định đó trái pháp luật để bảo đảm thống nhất về chính sách xem xét lại quyết định về việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng của Viện kiểm sát, Tòa án.
Quy định theo hướng quyết định về việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát bị khiếu nại, kiến nghị phải được Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp xem xét, giải quyết còn bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc giải quyết vụ việc có người chưa thành niên nhanh chóng, kịp thời.
Đồng thời, bảo đảm nguyên tắc “quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và kiểm soát hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước…” và “mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ…” được đề ra tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Một số đại biểu cho rằng, biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và giáo dục tại trường giáo dưỡng là các biện pháp xử lý hành chính được quy định tại các Điều 89, 90, 91 và 92 của Luật Xử lý vi phạm hành chính; tuy nhiên, đối tượng áp dụng tại Luật Xử lý vi phạm hành chính rất rộng, bao gồm cả đối tượng được quy định tại Điều 44 và Điều 52 của dự thảo Luật này.
Vì vậy, đề nghị rà soát, so sánh kỹ lưỡng các điều khoản quy định về việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và giáo dục tại trường giáo dưỡng để có quy định phù hợp, thống nhất; tránh chồng chéo hoặc mâu thuẫn dẫn tới khó áp dụng và hạn chế tính khả thi của Luật sau khi ban hành.