79 năm qua, kể từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên (ngày 6/1/1946) – sự kiện lịch sử trọng đại, mở đầu cho quá trình xây dựng chế độ dân chủ mới, Quốc hội Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, khẳng định vai trò, vị trí là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, đại biểu cao nhất của nhân dân, trụ cột trong Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh là tổ chức của Quốc hội tại địa phương, đã thực sự phát huy vai trò đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với cử tri, nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Quốc hội Việt Nam 79 năm đổi mới, phát triển và khẳng định vai trò, vị thế
Ngày 2/9/1945, Chính phủ lâm thời long trọng tuyên bố với thế giới: Việt Nam đã thành một nước Độc lập và Tự do. Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã ra đời, song chưa được một quốc gia nào trên thế giới công nhận. Trái lại, các thế lực đế quốc và tay sai đang ráo riết chống lại Đảng Cộng sản và Việt Minh, hòng lật đổ chính quyền cách mạng và thiết lập một chính quyền phản động tay sai cho đế quốc.
Chính vì vậy, ngày 3/9/1945, chỉ một ngày sau khi tuyên bố độc lập, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị một trong 6 nhiệm vụ cấp bách cần phải thực hiện ngay là “Tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu” để bầu ra Quốc hội. Chính phủ lâm thời đã ban hành một loạt sắc lệnh để xúc tiến các công việc chuẩn bị cho Tổng tuyển cử, gồm: Sắc lệnh số 39-SL; Sắc lệnh số 51-SL; Sắc lệnh số 71-SL; Sắc lệnh số 72-SL và Sắc lệnh số 76-SL về việc ấn định ngày Tổng tuyển cử và hạn nộp đơn ứng cử.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó. Vì lẽ đó cho nên Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết.
Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên mang nhiều ý nghĩa. Với kết quả cả nước, 89% cử tri tham gia bỏ phiếu, trong khi đó theo quy định của Điều 56 Sắc lệnh số 51-SL về thể lệ Tổng tuyển cử, chỉ cần 1/4 số cử tri có quyền bầu cử đi bầu thì cuộc bầu cử đã có giá trị. Cuộc Tổng tuyển cử bầu được 333 đại biểu, trong đó 57% số đại biểu thuộc các đảng phái yêu nước và cách mạng khác nhau, 43% không đảng phái; có 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu các DTTS. Đó thực sự là một cuộc tuyển cử thần kỳ, mang nhiều ý nghĩa lịch sử, mở đầu cho quá trình xây dựng chế độ dân chủ mới; là sự khởi đầu và phát triển của Quốc hội, một thiết chế dân chủ, trụ cột trong Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Qua 79 năm, Quốc hội Việt Nam trong từng điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cách mạng khác nhau luôn khẳng định vai trò, vị trí cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội luôn đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc và xây dựng đất nước phát triển và hội nhập quốc tế.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội khóa XV (nhiệm kỳ 2021-2026) kế thừa những thành quả tiền nhiệm, tiếp tục đổi mới, cải tiến cách thức làm việc và đã đạt nhiều kết quả trong công tác lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng quốc gia. Trong đó, hoạt động lập pháp của Quốc hội đã đáp ứng linh hoạt, kịp thời các yêu cầu của cuộc sống. Số lượng các luật, nghị quyết được thông qua tại các kỳ họp Quốc hội được tăng lên; chất lượng các đạo luật được đánh giá cao. Tính chủ động trong công tác lập pháp được tăng cường.
Quốc hội khóa XV đã quyết sách nhiều chính sách, vấn đề quan trọng để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế chống chịu, ứng phó với khó khăn, thách thức, phục hồi và phát triển… Công tác dân nguyện của Quốc hội cũng từng bước được cải tiến, đổi mới để phù hợp với tình hình chung của đất nước và nguyện vọng chính đáng của người dân. Các ĐBQH đã tích cực, đi sâu, đi sát, gần gũi với nhân dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri để chuyển đến cơ quan có thẩm quyền yêu cầu xem xét, giải quyết, trả lời.
Xứng đáng với niềm tin, kỳ vọng của cử tri
Cùng với sự lớn mạnh, hiệu quả của Quốc hội, hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đã để lại nhiều tin yêu, kỳ vọng trong lòng cử tri, Nhân dân. Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh từ 8 đại biểu đầu nhiệm kỳ, đến nay đã được tăng cường số lượng lên 10 đại biểu. Các ĐBQH trong đoàn giữ các vị trí quan trọng, là những người có kinh nghiệm phong phú trên nhiều lĩnh vực công tác Đảng, quản lý nhà nước, nghiên cứu khoa học, điều hành sản xuất, phát triển kinh tế, lĩnh vực xã hội… ĐBQH đã phát huy tích cực năng lực, sở trường công tác ở các lĩnh vực chuyên môn khác nhau và vai trò của người đại biểu nhân dân, tham gia rất trách nhiệm vào các hoạt động của Quốc hội và của địa phương một cách chủ động, tích cực, khoa học, có trọng tâm, trọng điểm với nhiều sự đổi mới, sáng tạo, hiệu quả.
Đoàn ĐBQH Quảng Ninh đã tham gia với trách nhiệm cao vào các nội dung của các kỳ họp Quốc hội và tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Đặc biệt, trong các phiên thảo luận về KT-XH, NSNN, các cơ chế, chính sách đặc thù quan trọng cho phát triển một số địa phương… luôn có những ý kiến tham góp quan trọng của các ĐBQH trong đoàn. Với các nội dung về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội như bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội; phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương, Đoàn ĐBQH Quảng Ninh đã tập trung thảo luận dân chủ, khách quan, thực hiện đúng trình tự, thủ tục.
Đoàn ĐBQH Quảng Ninh tổ chức lấy ý kiến tham gia qua văn bản của các cơ quan, đơn vị, địa phương đối với tất cả các dự án luật. Đồng thời, triển khai nhiều hình thức lấy ý kiến tham gia của các chuyên gia và các đối tượng trực tiếp chịu tác động của luật vào những nội dung cần thảo luận sâu, điển hình là, năm 2024 đoàn đã tổ chức 15 hội nghị tham vấn vào 27 lượt dự án luật quan trọng. Những thông tin xuất phát từ thực tiễn thi hành pháp luật tại địa phương đã cung cấp cho các ĐBQH cơ sở luận cứ xác đáng để tham góp ý kiến chất lượng trong công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội. Đã có 74 lượt ĐBQH của đoàn trực tiếp phát biểu tại các phiên thảo luận về luật của Quốc hội, trong đó có nhiều ý kiến đã được tiếp thu, sửa đổi, bổ sung trong các dự thảo luật.
Đoàn ĐBQH tỉnh đã chủ trì phối hợp với Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến về các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua bằng nhiều hình thức. Trong năm 2024 đoàn đã chủ trì, phối hợp với Hội đồng Phối hợp, phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh tổ chức 2 hội nghị phổ biến, tuyên truyền luật đã có hơn 21.200 lượt người tham dự ở các điểm cầu trên địa bàn toàn tỉnh. Qua đó, góp phần sớm đưa các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua đi vào cuộc sống.
Hoạt động giám sát, khảo sát tiếp tục phát huy hiệu quả, trung bình mỗi năm thực hiện 4-6 cuộc giám sát chuyên đề, khảo sát. Năm 2024, Đoàn ĐBQH tỉnh hoàn thành 3 cuộc giám sát do Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao; đồng thời căn cứ thực tiễn tình hình tại địa phương, chủ động tổ chức triển khai thêm 2 cuộc giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về hoạt động tham gia xét xử của hội thẩm nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện trên địa bàn tỉnh” và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh”; tổ chức khảo sát việc thực hiện Luật Địa chất và khoáng sản, Luật Di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.
Qua các cuộc giám sát, khảo sát, đoàn nắm bắt sâu những vấn đề từ thực tế để kiến nghị tới Quốc hội sửa đổi, bổ sung, góp phần hoàn thiện các quy định pháp luật. Chủ động nghiên cứu chuyên sâu, thâm vấn ý kiến các sở, ngành vào các lĩnh vực có tác động trực tiếp đến tỉnh, như Quy hoạch không gian biển quốc gia, Luật Di sản văn hoá, Luật Địa chất và khoáng sản…
Công tác tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri và công dân tiếp tục được chú trọng, quan tâm để lắng nghe, tiếp thu thấu đáo những tâm tư, nguyện vọng của cử tri, nhân dân. Đoàn thực hiện luân phiên ĐBQH tiếp xúc cử tri tại các địa phương khác nhau và duy trì việc mời lãnh đạo các sở, ngành, địa phương tham dự các cuộc tiếp xúc cử tri để trả lời, giải đáp ngay các kiến nghị có liên quan. Năm 2024, Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức 58 cuộc tiếp xúc cử tri của ĐBQH, trong đó có 3 cuộc tiếp xúc chuyên đề (tiếp xúc với công nhân ngành Than, tiếp xúc liên quan đến Luật Dược, Luật Công đoàn) với 8.890 lượt cử tri tham dự, 212 lượt cử tri phát biểu ý kiến, bằng 103 kiến nghị. Đến nay, đã có 66/103 kiến nghị được giải quyết, trả lời; các nội dung khác đang trong thời hạn được các cơ quan chức năng xem xét, trả lời, giải quyết.
Các hoạt động an sinh xã hội được Đoàn ĐBQH tỉnh quan tâm chu đáo, nhất là việc thăm hỏi, động viên, tặng quà cho gia đình chính sách, người có công, các hộ dân bị ảnh hưởng, thiệt hại do bão số 3, các tập thể, cá nhân tham gia phòng chống, khắc phục hậu quả của bão số 3, công nhân một số vụ tai nạn lao động… Tổng kinh phí xã hội hóa quà tặng năm 2024 lên tới 6,48 tỷ đồng.
Phát huy tinh thần quyết tâm của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đã nỗ lực tập trung các nhiệm vụ trọng tâm, tháo gỡ và khơi thông những “điểm nghẽn” lớn về thể chế, hạ tầng, nhân lực… góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH; đồng thời, củng cố niềm tin của cử tri và nhân dân, khẳng định vai trò cầu nối vững chắc giữa Quốc hội và nhân dân.
Bước sang năm 2025, với tinh thần trách nhiệm và sự khẩn trương, tin rằng các ĐBQH của tỉnh tiếp tục mang những quyết sách đến gần hơn với thực tiễn cuộc sống, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động trên nhiều lĩnh vực, góp phần tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn phát triển mới, đóng góp tích cực vào kết quả hoạt động chung của Quốc hội, tạo được dấu ấn ở địa phương và được cử tri, nhân dân tín nhiệm, tin yêu, đưa đất nước vững vàng tiến vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.