Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày 4/11, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2025 và nhiều nội dung quan trọng khác.
Cho ý kiến vào nội dung đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2025, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, nhấn mạnh, trong 2 tháng vừa qua, 2 cơn bão Yagi và Trà Mi đi vào nước ta với những diễn biến đường đi, sức mạnh của bão rất bất thường, phức tạp, khó lường và để lại hậu quả vô cùng nặng nề. Sau các cơn bão, thực tế đã xuất hiện nhiều bất cập trong cơ chế, chính sách mà Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm, chỉ đạo rốt ráo hơn nữa, để khắc phục, hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp.
Trong đó, đại biểu cho rằng, các quy định, cơ chế chính sách hỗ trợ khắc phục thiên tai được ban hành nhiều năm, từ giai đoạn trước, chưa được cập nhật đầy đủ các đối tượng chịu ảnh hưởng cần hỗ trợ, nội dung hỗ trợ và mức hỗ trợ còn thấp so với thiệt hại to lớn do bão số 3 gây ra. Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cần chủ động đề xuất, ban hành các cơ chế, chính sách đủ mạnh, hỗ trợ các ngành, lĩnh vực đang bị ảnh hưởng nặng nề; xây dựng đề án tái thiết nền kinh tế sau bão; thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, thuê mặt nước… cho các doanh nghiệp, tổ chức, người dân bị ảnh hưởng, thiệt hại; ưu tiên bố trí nguồn lực để sớm khắc phục các sự cố, hư hỏng về hệ thống giao thông, đê điều, hồ chứa thủy lợi.
Bên cạnh đó, bão đã gây thiệt hại rất lớn đối với tất cả các ngành, lĩnh vực, tuy nhiên, hiện nay chỉ có chính sách khoanh nợ đối với lĩnh vực phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và xử lý nợ vay của các đối tượng chính sách, chưa có chính sách khoanh nợ cho khách hàng vay vốn bị thiệt hại tại các ngành, lĩnh vực khác. Chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ chưa bao gồm các đối tượng khách hàng bị thiệt hại do bão số 3 gây ra do thông tư còn thời hạn thực hiện nhưng đã hết thời hiệu áp dụng; nhiều khách hàng bị thiệt hại do bão có nhu cầu vay thêm vốn để tái đầu tư, phục hồi SXKD nhưng không còn tài sản bảo đảm cho khoản vay.
Đại biểu đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước quan tâm các vấn đề: Cơ cấu lại thời hạn, giữ nguyên nhóm nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại; bổ sung nguồn lực thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi cho Ngân hàng Chính sách xã hội; hướng dẫn cách thức xác định mức độ thiệt hại xảy ra trên phạm vi rộng, do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng trong đó có tài sản hình thành từ vốn vay để làm cơ sở thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ; có cơ chế cho vay không có tài sản đảm bảo, cơ chế riêng về phân loại nợ, trích lập dự phòng và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro đối với các khoản nợ của khách hàng gặp khó khăn, thiệt hại do ảnh hưởng của thiên tai.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các cơ chế, chính sách: Hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp để khôi phục sản xuất; cơ chế trục vớt tàu thuyền bị đắm do thiên tai gây ra đảm bảo an toàn giao thông đường thủy; nghiên cứu các quy chuẩn kỹ thuật, định mức xây dựng đối với các công trình cơ sở hạ tầng công trình đê chắn sóng, khu vực neo đậu tránh trú bão, các công trình ven biển… đáp ứng với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay. Đồng thời, có cơ chế bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, kịp thời giữa các cấp chính quyền, lực lượng chức năng trong điều kiện giông bão, mưa lũ, mất điện, mất sóng thông tin. Mặt khác, bố trí nguồn vốn để thực hiện công tác đầu tư xây dựng, cải tạo lưới điện nhằm nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, đảm bảo an toàn trước những ảnh hưởng của thiên tai.
Tham gia làm rõ thêm dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2025, đại biểu Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ và tài khóa nhằm ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, đồng thời giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Mặt khác, đẩy mạnh hơn nữa việc rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức thực hiện; tập trung nguồn lực, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia. Bên cạnh đó, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai; tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính.