Tiếp tục nội dung chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày 24/10, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi); dự án Luật Dữ liệu.
Cho ý kiến đối với dự án Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị tại khoản 9 về sửa đổi, bổ sung Điều 12 về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế cần rà soát, thể chế hoá việc tham gia BHYT của các nhóm đối tượng theo tinh thần chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Thông báo kết luận số 4303/TB-TTKQH15 ngày 28/9/2024. Trong đó, xem xét bổ sung vào dự thảo Luật đối với các đối tượng tham gia BHYT gồm: Người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ được ngân sách nhà nước đóng BHYT; người dân tộc thiểu số thoát khỏi vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn được NSNN hỗ trợ 70% mức đóng BHYT, thời gian hỗ trợ 3 năm; đưa một số đối tượng tham gia BHYT được NSNN hỗ trợ, mức đóng và giao Chính phủ quy định mức hỗ trợ và thời gian hỗ trợ vào Luật BHYT, gồm: Đối tượng là nạn nhân bom mìn vật nổ sau chiến tranh; đối tượng người thuộc hộ gia đình thoát nghèo; đối tượng là người cao tuổi từ đủ 65 tuổi trở lên đến dưới 75 được NSNN hỗ trợ đóng BHYT.
Tại khoản 10, sửa đổi, bổ sung Điều 13 về Mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế, đại biểu đề nghị bỏ quy định tại điểm d khoản 6 Điều 13 đối với trường hợp đối tượng tham gia BHYT quy định tại khoản 4 Điều 12 đồng thời thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 5 Điều 12 của Luật này thì được tự lựa chọn theo đối tượng đóng phù hợp. Đồng thời nghiên cứu phương án tăng mức hỗ trợ của NSNN đối với đối tượng tham gia BHYT tại khoản 4 Điều 12 Luật BHYT từ 30% lên 50%
Đại biểu cũng đề nghị đưa Khoản 8, Điều 23 của Luật BHYT số 25/2008/QH12 về “Sử dụng vật tư y tế thay thế bao gồm chân tay giả, phương tiện trợ giúp vận động trong khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng” ra khỏi danh mục các trường hợp không được hưởng bảo hiểm y tế, để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, người khuyết tật có thẻ BHYT. Đây là những vật tư y tế thực sự có hiệu quả trong điều trị, phục hồi chức năng người bệnh, người khuyết tật, là những đối tượng yếu thế trong xã hội.
Mặt khác, bổ sung quy định trách nhiệm của Giám đốc cơ sở khám chữa bệnh trong Điều 43. Bổ sung vào Điều 31 Luật BHYT quy định các trường hợp thiếu thuốc, vật tư y tế do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng và không thể chuyển người bệnh đến cơ sở khám chữa bệnh khác, người bệnh phải tự mua theo chỉ định của thầy thuốc thì cơ sở có trách nhiệm hoàn trả cho người bệnh đã mua thuốc trước khi người bệnh ra viện, tổng hợp thanh toán với cơ quan BHXH và chịu trách nhiệm về hồ sơ đề nghị thanh toán.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề xuất quy định về Người có thẻ BHYT có quyền đi khám chữa bệnh BHYT (không cần giấy chuyển tuyến) tại tất cả các cơ sở thuộc cấp chuyên môn kỹ thuật ban đầu và cơ bản (toàn bộ các bệnh viện tuyến huyện và hầu hết các bệnh viện tuyến tỉnh hiện nay) và được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT (100% theo mức hưởng BHYT quy định trên thẻ BHYT); người bệnh được chẩn đoán xác định đối với một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần sử dụng kỹ thuật can thiệp, phẫu thuật theo danh mục của Bộ Y tế được đến thẳng các cơ sở thuộc cấp chuyên môn kỹ thuật chuyên sâu (các bệnh viện tuyến trung ương hiện nay) để KCB, không cần giấy chuyển viện, vẫn được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT (100% theo mức hưởng BHYT quy định trên thẻ BHYT)…
Tham gia vào dự án Luật Dữ liệu, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị tại Điểm b, Khoản 2, Điều 7 dự thảo quy định: “Chịu trách nhiệm đối với các dữ liệu được tạo lập, thu thập theo các quy định pháp luật có liên quan” đề nghị sửa thành “Chịu trách nhiệm đối với các dữ liệu cung cấp cho cơ quạn Nhà nước để tạo lập, thu thập dữ liệu theo các quy định của pháp luật có liên quan”.
Tại điểm a, Khoản 2, Điều 8 dự thảo quy định: “Hướng dẫn, triển khai tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình bảo đảm chất lượng dữ liệu để áp dụng đối với cơ sở dữ liệu do cơ quan, tổ chức, quản lý” đề nghị sửa thành “Hướng dẫn, triển khai, áp dụng đồng bộ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình trong quá trình thu thập, xử lý, tạo lập và cập nhật dữ liệu để đảm bảo chất lượng dữ liệu”.
Điểm b, Khoản 2, Điều 30 về thu thập, cập nhật, đồng bộ dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia, dự thảo quy định: “Dữ liệu được chia sẻ, đồng bộ từ các cơ sở dữ liệu theo quy định tại khoản 1 Điều 9 của Luật này” đề nghị sửa thành “Dữ liệu được chia sẻ, cập nhật, đồng bộ từ các cơ sở dữ liệu theo quy định tại khoản 1 Điều 9 của Luật này”…
Tham gia góp ý vào dự án Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Kim Nhung, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đề nghị cần có quy định cụ thể về ngăn chặn, kiểm soát tình trạng độc quyền, lũng đoạn vật tư y tế khi khám chữa bệnh BHYT. Bên cạnh đó, làm rõ quy định về điều chuyển trong chỉ định đấu thầu trang thiết bị y tế.
Đối với dự án Luật Dữ liệu, cần quy định chi tiết về sàn giao dịch dữ liệu; Cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, căn cứ với các luật liên quan để tránh chồng chéo trong quy định của pháp luật… Ngoài ra đại biểu cũng đề nghị một số nội dung khác nhằm hoàn thiện quy định của luật.