Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, ngày 29/5, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; và nhiều nội dung quan trọng khác.
Phát biểu thảo luận, đại biểu Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội khoá XV, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh nhận định, năm 2023 và đầu năm 2024 thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội gặp nhiều khó khăn thách thức, song dưới sự lãnh đạo của Trung ương, sự chủ động, đồng hành của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã nỗ lực, quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp, đạt kết quả trên các lĩnh vực, trong đó tiêu biểu như: Tăng trưởng kinh tế đạt mức cao, thu ngân sách vượt dự toán; tập trung thực hiện tái cơ cấu các ngành kinh tế; tái cấu trúc, nâng cao hiệu quả hoạt động các tập đoàn kinh tế nhà nước; xử lý 8/12 dự án chậm tiến độ, yếu kém, đi vào hoạt động ổn định, có hiệu quả; kim ngạch xuất khẩu, xuất siêu tiếp tục tăng; lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Bên cạnh đó, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được chú trọng, tháo gỡ nhiều điểm nghẽn, hạn chế, bất cập, đặc biệt đã sửa đổi Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng và nhiều luật khác đáp ứng yêu cầu phát triển; Thực hiện đột phá chiến lược về đầu tư hạ tầng, đặc biệt là đầu tư hạ tầng giao thông, kết nối Bắc -Nam – miền Trung, Tây nguyên, tạo điều kiện khai thác tiềm năng lợi thế và động lực quan trọng phát triển kinh tế vùng, liên vùng và quốc gia….
Đại biểu Đỗ Thị Lan cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, Chính phủ cũng đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập và đưa ra 12 nhóm giải pháp. Đại biểu Đỗ Thị Lan bày tỏ sự thống nhất với giải pháp đưa ra trong báo cáo đề nghị của Chính phủ và đề nghị thêm một số giải pháp. Trong đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân còn nhiều khó khăn, thách thức. Đại biểu đưa ra dẫn chứng, năm 2023 khả năng hấp thụ vốn thấp, doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 20,5% so với năm 2022. Đầu tư khu vực ngoài nhà nước chỉ tăng 2,7%, năm 2024 sản xuất có tốt hơn, đơn hàng từ hợp đồng nước ngoài đã tăng, các chỉ số mua hàng PMI của doanh nghiệp tăng, đạt trên 50 điểm. Tuy nhiên, đầu tư khu vực tư nhân 4 tháng năm 2024 chỉ tăng 4,2%, có gần 86,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 12,2% so với cùng kỳ, số doanh nghiệp tham gia vào thị trường thấp hơn so với số doanh nghiệp rút khỏi thị trường; đầu tư tư nhân còn thấp, doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất chỉ đạt 27%, thấp nhất so với nhiều năm trước và mục tiêu phát triển 1.500.000 doanh nghiệp đến năm 2025 khó đạt.
Doanh nghiệp tư nhân có vai trò quan trọng, là xương sống của nền kinh tế; chất lượng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp ảnh hưởng lớn đến huy động nguồn lực xã hội, tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm và giải quyết an sinh xã hội. Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu đề nghị Quốc hội có chính sách tài khoá phù hợp, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, kích cầu sản xuất trong nước, hỗ trợ lĩnh vực ưu tiên đầu tư phát triển. Có cơ chế, chính sách phù hợp bảo vệ cán bộ, khuyến khích để cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm; đồng thời kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện chính sách pháp luật liên quan cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; có giải pháp khắc phục tình trạng kéo dài thời gian thực hiện quy trình, thủ tục hành chính, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần sớm tháo gỡ vướng mắc bất cập về chính sách phát triển kinh tế tư nhân, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thông thoáng, minh bạch, lành mạnh; giảm thời gian chi phí tuân thủ pháp luật và chi phí không chính thức trong thực hiện các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp; cung cấp thông tin, hỗ trợ pháp lý, kỹ năng quản trị, tiếp cận vốn tín dụng, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hoá, sản phẩm cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Đối với lĩnh vực an sinh xã hội, Ban Chấp hành Trung ương có Nghị quyết số 27-NQ/TW năm 2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; Nghị quyết số 104/2023/QH15 của Quốc hội về ngân sách nhà nước năm 2024, có quy định thực hiện chính sách cải cách tiền lương từ 1/7/2024, trong đó, việc thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương liên quan đến toàn bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động, người hưởng lương hưu, người hưởng các chế độ trợ cấp, trợ giúp theo mức lương cơ sở, các chính sách BHXH… Do đó, cần tổ chức khảo sát, đánh giá tác động, thẩm định, thẩm tra kỹ lưỡng trước khi ban hành, thực hiện đồng thời làm cơ sở sửa đổi kịp thời các quy định pháp luật về chế độ chính sách có liên quan. Đại biểu đề nghị Chính phủ sớm có Đề án cải cách tiền lương và rà soát đề nghị sửa đổi pháp luật liên quan đồng thời với thực hiện cải cách tiền lương bảo đảm đồng bộ, phù hợp.
Tại phiên thảo luận các đại biểu Quốc hội cũng nêu những bất cập, hạn chế và đề nghị nhận diện rõ hơn những thách thức để có những chỉ đạo, điều hành phù hợp, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng và các mục tiêu kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024… Các đại biểu đề nghị bám sát diễn biến tình hình kinh tế, chính trị trong nước và trên thế giới, nâng cao năng lực phân tích, dự báo, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả, tăng cường năng lực nội sinh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, không để ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, cho biết, ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã được ghi chép đầy đủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan của Chính phủ, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến phát biểu tại hội trường, các ý kiến thảo luận tại tổ để đưa các nội dung quan trọng vào Nghị quyết chung của Kỳ họp.