Ngày 12/10, đồng chí Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chủ trì hội nghị giao ban Thường trực Tỉnh ủy để nghe và cho ý kiến về tình hình, kết quả hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khắc phục thiệt hại cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão cùng nhiều nội dung quan trọng khác.
Sau 1 tháng từ khi xảy ra cơn bão số 3, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai thực hiện khối lượng công việc rất lớn để khắc phục thiệt hại sau bão; đặc biệt là thống kê, kiểm đếm, lập hồ sơ thiệt hại theo quy định; dọn dẹp, tận thu tài sản; sửa chữa công trình, thiết bị.
UBND tỉnh đã cấp bổ sung có mục tiêu giai đoạn 1 số tiền 180 tỷ đồng cho các địa phương thực hiện hỗ trợ khắc phục thiệt hại mưa bão trên địa bàn tỉnh, tập trung vào huy động lực lượng, phương tiện thiết bị tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn; hỗ trợ lương thực cho các đối tượng chính sách; hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp; sửa chữa, khôi phục tài sản, công trình bị ảnh hưởng do bão để đảm bảo các hoạt động bình thường. Đến nay, các địa phương đã và đang phân bổ, giải ngân một phần kinh phí được tỉnh hỗ trợ.
Đối với việc sử dụng nguồn kinh phí 1.000 tỷ đồng thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả bão số 3, mưa lũ sau bão và thực hiện an sinh xã hội, UBND tỉnh đã cấp trên 72 tỷ đồng cho ngành giáo dục và các địa phương hỗ trợ học phí kỳ 1 năm học 2024-2025; cấp 38,5 tỷ đồng kinh phí dự toán năm 2024 để thực hiện chính sách nâng mức trợ giúp cho đối tượng bảo trợ xã hội và đối tượng khó khăn khác. Hiện UBND tỉnh giao các sở, ngành, địa phương tích cực rà soát, đề xuất phân bổ chi tiết đối với nguồn kinh phí còn lại đảm bảo đúng tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục.
Ngoài nguồn ngân sách nhà nước, từ nguồn tiếp nhận ủng hộ trên 133 tỷ đồng của các tập thể, cá nhân, Ban vận động cứu trợ tỉnh và các địa phương đã kịp thời phân bổ 17,3 tỷ đồng hỗ trợ khẩn cấp (đợt 1) cho các hộ dân tại 13 địa phương bị thiệt hại do cơn bão số 3. Dự kiến trong đợt 2 sẽ tiếp tục chi hỗ trợ khoảng 78 tỷ đồng để hỗ trợ thêm cho các các hộ gia đình, cá nhân bị thiệt hại do bão.
Theo báo cáo của các địa phương, đến nay, công tác khắc phục thiệt hại sau bão đã sơ bộ ổn định tình hình. Bước đầu một số lĩnh vực bị thiệt hại nặng nề đã tái sản xuất, nhất là nuôi trồng thủy sản; trồng rừng; du lịch; tháo gỡ khó khăn về vật tư; tích cực rà soát, thống kê để hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn, đặc biệt các hộ bị mất chỗ ở… Tuy nhiên, trong quá trình triển khai hỗ trợ người dân, doanh nghiệp cũng gặp nhiều vướng mắc, nhất là liên quan đến thống kê thiệt hại về rừng; đánh giá mức độ thiệt hại trên động vật thủy sản; xác minh, thống kê lập hồ sơ các hộ gia đình đủ điều kiện hỗ trợ về nhà ở…
Thường trực Tỉnh ủy đánh giá cao sự cố gắng nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện hỗ trợ cho các hộ dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do bão thời gian qua.
Thường trực Tỉnh uỷ cũng thẳng thắn nhìn nhận trong quá trình triển khai các cơ chế, chính sách của tỉnh ở các địa phương còn chậm, nhất là việc cấp phát kinh phí đến người dân đạt tỷ lệ chưa cao.
Để tiếp tục hỗ trợ kịp thời cho các hộ dân, doanh nghiệp, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu các địa phương thực hiện rà soát thống kê chính xác hộ dân, diện tích, công trình bị thiệt hại sau bão. Đối với những hộ dân, tổ chức đủ điều kiện hỗ trợ, khẩn trương xác minh, thẩm định và thực hiện hỗ trợ ngay, phấn đấu hoàn thành trong tháng 10/2024. Đối với những đối tượng không đủ điều kiện theo quy định về cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh như những văn bản hướng dẫn của các sở, ngành, các địa phương có văn bản kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh xem xét quyết định đối với những nội dung thuộc thẩm quyền. Những nội dung thuộc thẩm quyền HĐND tỉnh, đề nghị UBND tỉnh tổng hợp để tham mưu, đề xuất, nhất là cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà ở cho người dân, trình kỳ họp HĐND tỉnh tới đây. Mục tiêu cao nhất là phấn đấu hoàn thành việc xây mới, sửa chữa nhà ở bị thiệt hại do bão cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trong tháng 11/2024.
Các địa phương khẩn trương hoàn thành giao khu vực mặt biển; sớm giao nuôi trồng thủy sản theo đúng quy hoạch; xây dựng phương án về phòng cháy chữa cháy rừng và dọn vệ sinh môi trường biển; phối hợp chặt chẽ với các công ty lâm nghiệp và sở, ngành liên quan quản lý chặt chẽ diện tích rừng trồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu UBND tỉnh tiếp thu đầy đủ kiến nghị của các địa phương để chỉ đạo triển khai, nhất là cấp bổ sung kinh phí cho các địa phương có nhu cầu, đủ điều kiện hỗ trợ. Sớm triển khai quy trình, trình tự thủ tục để khắc phục các công trình đầu tư công thuộc trách nhiệm ngân sách tỉnh. Nghiên cứu rà soát và kiến nghị HĐND tỉnh ban hành thêm các cơ chế, chính sách trên cơ sở phát hiện bất cập từ thực tiễn địa phương. Giao Đảng đoàn HĐND tỉnh thực hiện khảo sát, nghiên cứu cùng với UBND tỉnh và các địa phương để tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại sau bão thuộc thẩm quyền. Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng chính sách tiếp tục triển khai các chính sách về tín dụng, trong đó phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc xác nhận, thẩm định hồ sơ đủ điều kiện.
Thường trực Tỉnh ủy cũng thống nhất với đề xuất, kiến nghị của Ủy ban MTTQ tỉnh trong việc chi hỗ trợ đợt 2 từ nguồn vận động, tiếp nhận ủng hộ của các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ thêm cho chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân sản xuất lâm nghiệp bị thiệt hại từ 30% trở lên do cơn bão số 3 để thực hiện công tác dọn vệ sinh rừng, phòng chống cháy rừng; hỗ trợ một phần chi phí cho các chủ tàu, thuyền phục vụ hoạt động thủy sản đang hoạt động bình thường bị chìm, đắm, hư hỏng do bão nhưng không đáp ứng đầy đủ điều kiện hỗ trợ theo Nghị quyết 42 của HĐND tỉnh. Đồng thời, đề nghị MTTQ tỉnh chỉ đạo phân bổ nguồn hỗ trợ này để các địa phương sớm triển khai, hoàn thành trong tháng 10/2024.
Thường trực Tỉnh ủy cũng thống nhất việc kiểm điểm và thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại sau bão sẽ được thực hiện hàng tháng.
Chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tuần tới, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung triển khai có hiệu quả kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2024 và cả nhiệm kỳ 2020-2025. Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan chuẩn bị chu đáo các nội dung trình tại Kỳ họp thứ 22 của HĐND tỉnh. Tiểu ban Văn kiện Đại hội XVI tập trung xây dựng, hoàn thiện đề cương chi tiết báo cáo chính trị của Đảng bộ tỉnh khóa XV trình Đại hội XVI của Đảng bộ tỉnh báo cáo Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh theo quy định…
Cùng ngày, Thường trực Tỉnh ủy cũng nghe và cho ý kiến về kế hoạch rà soát tiêu chuẩn chính trị phục vụ công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2025-2030; các nội dung chuẩn bị cho Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy cùng nhiều nội dung quan trọng khác.