Trong thời đại công nghệ số, tự động hóa là xu hướng tất yếu để thúc đẩy nền kinh tế thị trường. Việc ứng dụng tự động hóa không chỉ giúp doanh nghiệp cải tiến quy trình làm việc, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh cho sản phẩm mà còn tránh được những rủi ro trong quá trình làm việc cho người lao động. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực cải tiến công nghệ, hệ thống máy móc của mình để tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt nhất, giá cả cạnh tranh nhất.
Thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt là ứng dụng công nghệ 4.0, thời gian qua, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã tăng cường chỉ đạo các đơn vị tập trung đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa vào sản xuất và quản lý nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đến nay, TKV đã áp dụng 3 hoá (cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa) trong hầu hết các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và quản lý để cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, tăng năng suất lao động, đảm bảo công tác an toàn, tiết kiệm tài nguyên và góp phần bảo vệ môi trường… Đặc biệt, TKV đã xây dựng được nhiều dự án, đề tài, đưa ra các giải pháp nâng cao mức độ cơ giới hóa, hiện đại hóa công nghệ các mỏ trong 5 lĩnh vực, gồm: Khai thác hầm lò, khai thác lộ thiên, tuyển than, quản lý an toàn mỏ, bảo vệ môi trường.
Đáng chú ý, một số mỏ trong Tập đoàn, như: Mạo Khê, Nam Mẫu, Vàng Danh, Khe Chàm II-IV… đang áp dụng hiệu quả nâng cao mức độ cơ giới hoá và hiện đại hoá khai thác than hầm lò. Trong cùng một điều kiện, ở lò chợ khoan nổ mìn, số lao động trung bình 120-180 người/phân xưởng, sản lượng đạt 120.000-180.000 tấn/năm, còn với lò cơ giới hóa là 90 người/phân xưởng và sản lượng đạt 230.000-400.000 tấn/năm, năng suất lao động tăng 1,5-2,5 lần, giảm số lượng công nhân làm việc trực tiếp tại lò chợ 1,5-2 lần. Riêng các doanh nghiệp sàng tuyển, chế biến than, TKV tự động hóa tối đa công đoạn giám sát thông số công nghệ chính; tự động điều khiển chế độ làm việc của các thiết bị cơ điện trong dây chuyền. Trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, TKV cũng chuyển từ sửa chữa thiết bị đơn thuần sang tập trung vào lĩnh vực cơ khí chế tạo phục vụ sản xuất như chế tạo cột, giàn thủy lực, tổ chức cán thép vì lò, chế tạo các máy xúc, thiết bị phòng nổ, các chi tiết máy với những robot hiện đại, tự hành hoàn toàn.
Tổ hợp Công ty CP Gốm Đất Việt cũng là điểm sáng về hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào sản xuất. Doanh nghiệp này đã nghiên cứu, cải tiến dây chuyền máy móc thiết bị sản xuất gạch ngói tráng men phun men từ sản phẩm mộc nung một lần trong lò nung tuynel; sản xuất gạch ngói đất sét nung bằng công nghệ nghiền khô nung trong lò nung tuynel… Những nghiên cứu, cải tiến này đã giúp doanh nghiệp giành được nhiều kỷ lục Việt Nam trong lĩnh vực KHCN.
Là doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, nhờ mạnh dạn đầu tư, sáng tạo và đổi mới công nghệ, Công ty CP Lê Hoàng Long (TP Uông Bí) đã tạo dựng được vị thế nổi bật trong ngành bởi những sản phẩm cơ khí tinh vi, có độ chính xác cao. Từ cuối năm 2020 đến nay, Công ty đã vận hành hơn 20 đầu máy hiện đại bậc nhất hiện nay, như: Robot hàn tự động Panasonic; Trung tâm gia công Mori Seiki MT-25; SL25MC, SL65MC; máy cắt CNC plasma, máy xung điện từ… Chất lượng các đầu máy đảm bảo khi được nhập từ những nước phát triển như Mỹ, Nhật. Sau đầu tư, Công ty đã giảm được 10% giá thành so với sản phẩm nhập khẩu cùng loại; giảm 20% so với doanh nghiệp nhà nước, mà vẫn đảm bảo chất lượng. Đây là điều kiện tiên quyết giúp Công ty nâng cao chất lượng và uy tín với bạn hàng.
Có thể nói, việc ứng dụng tự động hóa trong sản xuất, kinh doanh chính là tư duy linh hoạt và mới mẻ giúp doanh nghiệp chủ động ứng phó với nhiều tác động khác nhau, mang lại một chiến lược đầu tư dài hạn, bền vững và tạo ra sự thay đổi, đưa hoạt động sản xuất của doanh nghiệp đạt hiệu quả cả về doanh thu lẫn nhân sự. Nói một cách ngắn gọn, giải pháp này chính là giải pháp thông minh trong thời điểm hiện nay giúp doanh nghiệp bứt phá thành công, vượt qua những yếu tố khách quan khó kiểm soát.
Để tiếp tục phát huy vai trò của tự động hóa trong sản xuất, thời gian tới, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục đẩy nhanh hơn tốc độ chuyển đổi số để nhận thức rõ ràng hơn, cụ thể hơn về tầm quan trọng của tự động hóa trong sản xuất, kinh doanh. Đây được xem là động lực thôi thúc các doanh nghiệp không ngừng nghiên cứu và phát triển công nghệ cao để cung cấp cho đối tác và nền kinh tế nước nhà nói chung những giải pháp mang tính gia tăng bền vững. Ngoài ra, cần lưu ý những yêu cầu cốt lõi về mặt mô hình, bao gồm tự động hóa dựa trên phần mềm hướng dữ liệu; thiết kế và xây dựng một hệ thống thực sự mở; phát triển hệ sinh thái đối tác lớn mạnh. Những yếu tố này cho phép doanh nghiệp thu thập được dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau, hỗ trợ cho việc phân tích và ra quyết định, tiết kiệm điện năng, chi phí vận hành và đặc biệt là linh hoạt cập nhật, tích hợp những công nghệ mới từ các đối tác.