Trong những năm qua, Quảng Ninh đã đầu tư bài bản về mọi mặt, nhất là về cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để đón làn sóng đầu tư mới. Vì vậy, tỉnh đã trở thành “vùng đất vàng” cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc quan tâm và triển khai đầu tư tại tỉnh.
Vừa qua, Công ty Sun Travel đã đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch Phố đi bộ Hàn Quốc tại phố đi bộ Bãi Cháy, phường Bãi Cháy (TP Hạ Long). Để hình thành khu phố, Công ty Sun Travel đã thuê nguyên một dãy phố với 56 căn shophouse của Tập đoàn Sun Group, dự kiến tháng 6/2024, khu phố này sẽ chính thức được đưa vào hoạt động. Đây hứa hẹn sẽ là điểm đến độc đáo, đem lại cho du khách những trải nghiệm ấn tượng về phong cách, văn hóa Hàn Quốc khi tham quan, du lịch tại TP Hạ Long. Hiện, đã có hơn 10 gian hàng được đầu tư, công ty Sun Travel đang tiếp tục cải tạo lại các hạng mục về công năng của các căn shophouse, thiết kế mang đậm phong cách Hàn Quốc và phù hợp với từng thương hiệu.
Ông Kim Heon Joong, Giám đốc điều hành Sun Travel, chia sẻ: Chúng tôi nhận thấy, Quảng Ninh có lợi thế về hạ tầng giao thông thuận lợi, kết nối khu vực miền Bắc Việt Nam và các nước lân cận, nhất là Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn cùng cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp để phát triển du lịch mạnh mẽ và thu hút lượng lớn du khách thời gian tới. Đây là động lực chính để chúng tôi đầu tư vào dự án này. Bên cạnh đó, chính sách đầu tư hấp dẫn, chủ động của TP Hạ Long nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung đã giúp doanh nghiệp chúng tôi dễ dàng tiếp cận thị trường và các đối tác để mang đến những dự án quy mô, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Quảng Ninh thời gian tới.
Trong định hướng thu hút đầu tư, Hàn Quốc là một trong những thị trường chiến lược của tỉnh Quảng Ninh. Thời gian qua, tỉnh đã thiết lập quan hệ hữu nghị với tỉnh Gangwon, hợp tác phát triển du lịch với tỉnh Jeju… Trong lĩnh vực đầu tư, trên địa bàn tỉnh có 12 dự án với tổng vốn đăng ký đạt trên 123,6 triệu USD từ Hàn Quốc, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ điện tử, bán dẫn hay có khả năng kéo theo nhiều doanh nghiệp sản xuất vệ tinh tạo thành chuỗi giá trị toàn cầu; có tiềm lực tài chính và kinh nghiệm quản lý; có khả năng liên kết và tác động tích cực đến các doanh nghiệp của địa phương… Bên cạnh đó, các nhà đầu tư Hàn Quốc cũng quan tâm, đầu tư bất động sản, giáo dục đào tạo, dịch vụ văn hóa, kinh doanh thực phẩm…
Cuối tháng 9 vừa qua, UBND tỉnh cũng đã tiếp và làm việc với các doanh nghiệp Hàn Quốc do ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) làm trưởng đoàn. Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam và các doanh nghiệp Hàn Quốc cho biết: Chúng tôi đã có chuyến tìm hiểu chung về môi trường đầu tư, các chính sách đầu tư, các dự án đầu tư tại tỉnh Quảng Ninh và tham quan thực tế tại KCN Đông Mai, KCN Sông Khoai, KCN Bắc Tiền Phong (TX Quảng Yên). Với lợi thế về vị trí địa kinh tế đảm bảo đều kết nối giao thông cao tốc – sân bay – cảng tàu, đây sẽ là địa điểm hấp dẫn với các nhà đầu tư Hàn Quốc trong tương lai. Thông qua chuyến thăm lần này, đoàn cũng mong muốn tìm hiểu và được hỗ trợ về: Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, những lĩnh vực thu hút đầu tư, nguồn nhân lực chất lượng cao… của tỉnh để chủ động cho các kế hoạch và dự án của các doanh nghiệp Hàn Quốc thời gian tới.
Ngay từ đầu năm, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (IPA Quảng Ninh) có nhiều buổi làm việc và giới thiệu môi trường đầu tư Quảng Ninh đến các nhà đầu tư Hàn Quốc. Đặc biệt, trong tháng 2/2023, Ban đã tham dự buổi làm việc giữa Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Seoul (Seoul CCI) cùng 20 doanh nghiệp Hàn Quốc. Các doanh nghiệp Hàn Quốc tham dự chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực như: Dệt may, kinh doanh dược phẩm và thiết bị y tế, thương mại và xuất nhập khẩu, bất động sản, dịch vụ tài chính…
Để hỗ trợ các doanh nghiệp tối đa và thu hút các nhà đầu tư Hàn Quốc nói riêng, các nhà đầu tư nước ngoài nói chung, Quảng Ninh đã thành lập và đưa vào hoạt động Bộ phận Hỗ trợ đầu tư Hàn Quốc tỉnh Quảng Ninh (Korea Desk Quảng Ninh). Bộ phận này đã thực hiện một số nhiệm vụ đẩy mạnh công tác xúc tiến, thu hút đầu tư Hàn Quốc, đặc biệt ưu tiên các doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động, sản xuất, kinh doanh tại tỉnh. Từ đó kịp thời chỉ đạo, hỗ trợ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư trong quá trình giải quyết TTHC và triển khai thực hiện dự án.
Theo Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (IPA Quảng Ninh), để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư Hàn Quốc nói riêng và quốc tế nói chung, tỉnh đã đề nghị Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Hàn Quốc, các cơ quan, hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc hỗ trợ, giới thiệu các mặt hàng sản phẩm nông lâm thủy sản của Việt Nam nói chung, tỉnh Quảng Ninh có ưu thế nói riêng (nhuyễn thể, mực, cá các loại, tôm đông lạnh, rau quả, chè, thịt bò…); hỗ trợ kỹ thuật, việc ứng dụng khoa học công nghệ cho các doanh nghiệp, HTX sản xuất kinh doanh theo chuỗi liên kết; những yêu cầu cụ thể đối với cơ sở sản xuất, chế biến, bảo quản phải thực hiện theo các quy định của Hàn Quốc. Bên cạnh đó, hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ Hàn Quốc, đặc biệt là các tập đoàn lớn nghiên cứu hợp tác đầu tư các lĩnh vực mà nhà đầu tư Hàn Quốc có thế mạnh và tỉnh Quảng Ninh có lợi thế cạnh tranh vượt trội và có nhu cầu phát triển. Điển hình như: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (linh kiện điện tử, màn hình tivi, sản xuất chíp điện tử); năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; phát triển hạ tầng cảng biển và logistics; tài chính, ngân hàng… trong bối cảnh Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã có hiệu lực, thực thi.