Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu thành lập mới 10.000 doanh nghiệp. Để đạt mục tiêu này, công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn đối với doanh nghiệp luôn được các cấp, ngành của tỉnh quan tâm, triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp cụ thể, phù hợp.
Cẩm Phả là một trong những địa phương có kết quả cao trong việc thành lập mới doanh nghiệp. Theo thống kê, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn thành phố đã thành lập mới được 151 doanh nghiệp, đạt 52,6% kế hoạch. Xác định phát triển doanh nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế, TP Cẩm Phả đã thực hiện nhiều nhóm giải pháp thúc đẩy phát triển doanh nghiệp. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khuyến khích thành lập các doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh mới…
Ông Phạm Lê Hưng, Chủ tịch UBND TP Cẩm Phả, cho biết: Trong năm 2024, để hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp trên địa bàn phát triển, thành phố đã và đang tập trung chỉ đạo hoàn thành các quy hoạch chi tiết sau khi quy hoạch các phân khu được phê duyệt; tập trung công tác cải cách hành chính từ thành phố đến cấp xã, đảm bảo giảm tối đa thời gian của người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính. Đồng thời, thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ, phát triển và vận động hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp; thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ và tăng cường vai trò hỗ trợ của Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố trong việc hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân phát triển hiệu quả.
Để hoạt động phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt được hiệu quả tích cực, các sở, ngành cũng đã triển khai nhiều hoạt động, giải pháp trọng tâm. Điển hình như, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 152/KH-UBND ngày 17/6/2024 về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2024-2026 với 12 lĩnh vực gồm: Tiếp cận tín dụng; hỗ trợ thuế, kế toán; mặt bằng sản xuất cho doanh nghiệp; hỗ trợ cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung; hỗ trợ mở rộng thị trường; hỗ trợ công nghệ; hỗ trợ thông tin; hỗ trợ tư vấn; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ chuyển đổi từ hộ kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và hỗ trợ tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.
Với mục tiêu phát triển 10.000 doanh nghiệp trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh xác định việc đồng hành, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn sẽ là yếu tố quan trọng nhất. Trong đó, tỉnh đang ưu tiên trước hết vào việc tập trung rà soát, đơn giản hóa, thực hiện tiếp nhận và giải quyết TTHC theo quy trình giải quyết “5 bước trên môi trường điện tử” để phục vụ tốt hơn nữa người dân, doanh nghiệp; ưu tiên thực hiện các giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua những thách thức về nguồn vốn, nhân lực và mở rộng thị trường thông qua các kênh xúc tiến đầu tư và xúc tiến thương mạị. Cùng với đó là đẩy mạnh công tác hỗ trợ về chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh với việc giao Sở Khoa học và Công nghệ triển khai nhiệm vụ “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp thúc đẩy và nâng cao năng lực chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”, dự kiến đến tháng 11/2024 đề tài được nghiệm thu, hoàn thành…
Đặc biệt để hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, ngày 30/5/2024, UBND tỉnh đã khai trương Trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và hỗ trợ chuyển đổi số với chức năng cung cấp không gian, tiện ích, phương tiện phục vụ cho các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng; tiếp nhận và phát triển các sáng kiến và các thử nghiệm thực tế, tổ chức các cuộc thi ý tưởng, sáng kiến phục vụ cộng đồng; nâng cao năng lực khoa học công nghệ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; tổ chức các hoạt động thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ phát triển các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, liên kết với các vườn ươm trong và ngoài tỉnh để thực hiện ươm tạo dự án khởi nghiệp.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 2021 đến hết tháng 6/2024, toàn tỉnh có 5.705 doanh nghiệp thành lập mới, bằng 50,7% so với việc thực hiện mục tiêu thành lập mới 10.000 doanh nghiệp trong giai đoạn 2021-2025. Nguyên nhân chính dẫn đến chưa đạt được mục tiêu trên là do ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch và suy thoái kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, nếu so với tổng thể chung toàn quốc và so với cùng kỳ, việc phát triển doanh nghiệp của tỉnh trong giai đoạn vừa qua cũng đã ghi nhận những dấu hiệu rất tích cực. Cụ thể, trung bình giai đoạn 2021-2023 có 1.574 doanh nghiệp mới được thành lập tăng 8% so với giai đoạn giai đoạn 2015-2020; riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, có 983 doanh nghiệp thành lập mới, lớn nhất từ trước tới nay, đạt 49,15% kế hoạch giao, tăng 12,09% cùng kỳ, gấp 2 lần so với trung bình cả nước (6,07%), xếp thứ 4 vùng Đồng bằng Sông Hồng; có 455 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại, tăng 5,1%. Tới nay, toàn tỉnh có 11.590 doanh nghiệp đang hoạt động.
Với sự quan tâm hỗ trợ, đồng hành và chủ động của tỉnh, thời gian tới sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được thành lập mới. Qua đó, góp phần hoàn thành mục tiêu thành lập mới 2.000 doanh nghiệp trong năm 2024 và 10.000 doanh nghiệp trong giai đoạn 2021-2025 theo kế hoạch đã đề ra.