Đạo diễn Long Vân – cha đẻ phim “Biệt động Sài Gòn” – qua đời ở tuổi 87 sau thời gian bị bệnh nặng.
Vợ ông – nghệ sĩ Kim Cương – cho biết chồng mất khoảng hơn 8h ngày 24/12, sau thời gian điều trị ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô. Những năm cuối đời, sức khỏe ông kém do bị tai nạn ở chân, phải ngồi xe lăn. Mọi sinh hoạt của ông chủ yếu loanh quanh trong căn gác nhỏ ở Nguyễn Thái Học.
Biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho biết xót xa khi nghe tin. Bà nói: “Vậy là cặp bài trùng trong ngành điện ảnh Long Vân – Lê Phương đã cùng khuất bóng. Trống vắng quá”. Hai năm trước, biên kịch Lê Phương của phim Biệt động Sài Gòn, bạn thân Long Vân, mất ở tuổi 89. Biên kịch Thanh Nhã cũng tiếc nuối vì đạo diễn có nhiều cống hiến nhưng chưa được phong danh hiệu.
Ông sinh năm 1936 ở Hà Nội, sau đó cùng gia đình theo kháng chiến lên Thái Nguyên. 14 tuổi, ông được gửi sang học tại Khu học xá Trung ương ở Trung Quốc, bắt đầu hứng thú với phim ảnh. Sau năm 1954, ông tốt nghiệp Trường Sư phạm và làm việc tại Bộ Giáo dục. Tuy nhiên, khi biết tin Trường Điện ảnh Việt Nam tổ chức tuyển sinh khóa đầu, Long Vân lập tức dự thi và trúng tuyển. Do sĩ số lớp đạo diễn đông, nhà trường gợi ý ông chuyển sang lớp diễn viên và học thêm ngành đạo diễn.
Ông mất gần 20 năm làm trợ lý đạo diễn, phó đạo diễn, trước khi được chú ý với phim Tiếng gọi phía trước, đoạt giải đặc biệt tại Liên hoan phim quốc tế tại Moskva, năm 1979. Một năm sau, ông làm phim Nơi gặp gỡ của tình yêu, Cho cả ngày mai.
Phim nổi bật nhất sự nghiệp ông là Biệt động Sài Gòn, dài bốn tập, phát sóng năm 1986, tái hiện những sự kiện nổi bật của biệt động Sài Gòn trong chiến tranh Việt Nam. Đó là khung cảnh chiến trường đầy bom đạn, chết chóc và cuộc đấu trí căng thẳng của những chiến sĩ hoạt động bí mật trong lòng địch.
Phim đưa dàn diễn viên như Thương Tín (vai Sáu Tâm), Thanh Loan (vai ni cô Huyền Trang), Bùi Quang Thái (Tư Chung), Hà Xuyên (Ngọc Mai), Hai Nhất (Ba Cẩn) lên đỉnh cao, trở thành gương mặt quen thuộc với khán giả.
Con gái đạo diễn Long Vân – Vân Dung, khi ấy 15 tuổi – đóng vai em bé bán báo trong Biệt động Sài Gòn.
Quá trình làm phim của đạo diễn Long Vân tốn nhiều tâm huyết từ khâu chọn diễn viên, sửa kịch bản. Sinh thời, ông từng cho biết nhiều chi tiết được điều chỉnh, thay đổi trong suốt ba năm làm phim. Khâu tuyển chọn diễn viên cũng gian nan. Ban đầu, Chánh Tín “trượt” vai Tư Chung, Thương Tín cũng suýt “trượt” vai Sáu Tâm còn “Đệ nhất mỹ nữ” Mộng Tuyền mất vai Ngọc Mai.
Sau Biệt động Sài Gòn, đạo diễn Long Vân còn làm thêm phim Hẹn gặp lại Sài Gòn, Giải phóng Sài Gòn. Ông từng nói mình có nhiều duyên nợ với thành phố.