Xanh biển, xanh rừng với cảnh quan hoang sơ, tươi đẹp và các giá trị đa dạng sinh học cao khiến cho bất cứ ai có cơ hội đặt chân tới Ba Mùn, đảo đất lớn nhất trong quần thể Vườn quốc gia Bái Tử Long – Công viên di sản ASEAN, đều có ấn tượng khó quên.
Đảo Ba Mùn nằm cách cảng tàu du lịch Ao Tiên khoảng 15km. Với diện tích hơn 2.100ha, Ba Mùn (còn có tên gọi khác là đảo Cao Lồ) thuộc hệ thống đảo núi đất của Vườn quốc gia Bái Tử Long, có chiều dài theo đường chim bay gần 18,5km, chỗ hẹp nhất rơi vào khoảng 500m.
Nhìn trên bản đồ của vùng vịnh Bái Tử Long, đảo Ba Mùn và đảo Quan Lạn kéo dài tựa như bức tường thành khổng lồ của tự nhiên bảo vệ vùng biển đảo và đất liền phía trong của Vân Đồn trước sóng gió biển Đông. Nếu có dịp đến với đảo và ngắm toàn cảnh, bạn sẽ thấy rất rõ điều này khi chứng kiến hai khung cảnh khác biệt nhau: Phía Đông đảo cũng là mặt ngoài hướng ra vịnh Bắc Bộ thì sóng lớn, tung bọt trắng xóa, bụi nước cao hàng chục mét, còn phía Tây đảo là mặt trong hướng vào đất liền thì khung cảnh rất thanh bình, mặt nước phẳng lặng, mạn thuyền chỉ lăn tăn sóng vỗ.
Theo đánh giá của các nhà khoa học, nhờ địa hình biển đảo, độ ẩm của biển cả đã tạo điều kiện cho sự sinh trưởng của muôn loài, dòng nước biển đưa đến nhiều giống loài mới, vì vậy, trên đảo Ba Mùn có nhiều loài thực vật và các loài côn trùng đua nhau sinh trưởng, phát triển quanh năm. Từ đó làm phong phú thêm mắt xích trong chuỗi thức ăn cho các loài động vật, chim thú lớn nhỏ, tạo nên một quần hệ động thực vật rừng vô cùng phong phú trên đảo Ba Mùn.
Qua thống kê cho thấy, danh lục thực vật của Vườn quốc gia Bái Tử Long cho đến nay là 780 loài thực vật bậc cao có mạch, thì đa số là các loài có phân bố tại Ba Mùn. Hiện nay, đảo Ba Mùn vẫn là khu rừng có mật độ thú lớn nhất khu vực Đông Bắc Việt Nam.
Nhiều loài động, thực vật có tên trong Sách đỏ Việt Nam đã được ghi nhận xuất hiện tại đảo Ba Mùn. Về thực vật có thể kể tới như: Bổ béo đen, Đẳng sâm, Kim ngân, Đỗ trọng, Ba khía, Sao Hải nam, Sao mặt quỷ, Cát sâm, Re hương, Lá khôi, Sến mật, Sâm cau, Cói túi Ba Mùn. Về động vật có các loài như: Khỉ đuôi dài, Khỉ mặt đỏ, Rái cá thường, Cầy mực, Mèo gấm, Nai, Tê tê vàng, Cò trắng Trung Quốc, Tắc kè, Trăn đất, Rắn sọc dưa, Rắn ráo, Rắn hổ mang, Rùa hộp ba vạch.
Dạo trên những con đường mòn dài, đi mãi không hết trên đảo Ba Mùn, bạn sẽ cảm nhận rõ hơn sự đa dạng và vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên nơi đây. Giữa mùa hè nắng đổ lửa nhưng với rừng ken dày xanh mướt xung quanh, toả bóng phía trên thì dù đi giữa đường mòn vẫn râm mát, dễ chịu. Hiếm hoi lắm chúng tôi mới bắt gặp một không gian trống để ánh nắng có thể chiếu thẳng xuống mặt đất. Các loại cây to, suối nước róc rách ven đường, tiếng chim ríu rít hay những rừng nứa ken dày bên lối đi có thể khiến bạn choáng ngợp với sự hoang sơ của tự nhiên.
Mặc dù là khu bảo tồn động vật hoang dã tự nhiên lớn nhất ở vùng Đông Bắc, tuy nhiên các loại động vật thì khó thấy hơn vì chúng đa phần nghe bước chân người đã bỏ đi từ xa. Qua trò chuyện với cán bộ, nhân viên kiểm lâm nơi đây, các anh cho hay khi họ đi tuần tra rừng thì vẫn có thể bắt gặp một số loại thú nhỏ như sóc, rắn hay đàn lợn rừng đang kiếm ăn…
Các anh còn chia sẻ với chúng tôi hình ảnh một chú nai rừng trưởng thành rất to đang bơi trên biển khi tìm cách rời sang đảo lân cận, đã được họ quay lại. Chẳng thế mà Ba Mùn còn được dân địa phương gọi là “đảo thú” vì có mật độ thú móng guốc cao. Khu vực trước Trạm kiểm lâm Ba Mùn cũng là một trong những khu vực mà cá heo thường xuất hiện kiếm ăn hoặc tránh sóng lớn, khi có giông, gió…
Cùng với các hệ sinh thái đa dạng, các giống loài động thực vật phong phú, cảnh quan tươi đẹp, không khí trong lành, bãi biển trong xanh với những ghềnh đá độc đáo của đảo Ba Mùn là tiềm năng to lớn cho phát triển du lịch sinh thái vùng vịnh Bái Tử Long nói riêng, Vân Đồn và Quảng Ninh nói chung.