Trang fibre2fashion.com (Ấn Độ) đánh giá kinh tế Việt Nam đang phát triển với những tín hiệu tích cực. Cuộc khảo sát của Hiệp hội Công nghiệp thời trang Mỹ cho thấy, Việt Nam ghi điểm cao hơn một số nước châu Á về sản xuất các sản phẩm có giá trị cao.
Việt Nam có lợi thế cạnh tranh tốt hơn vì đang dẫn đầu về khả năng sản xuất nhanh nhiều loại sản phẩm nhờ đầu tư vào máy móc và có lực lượng lao động lành nghề. Xuất khẩu hàng dệt may và hàng may mặc của Việt Nam tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Bài viết nhận định những lý do thúc đẩy tăng trưởng gồm nhu cầu toàn cầu tăng, đầu tư chiến lược vào công nghệ và đổi mới, các hiệp định thương mại và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Nhu cầu toàn cầu tại các thị trường trọng điểm là Mỹ, châu Âu và châu Á tăng, sau khi phục hồi từ đại dịch Covid-19.
Theo trang fibre2fashion.com, các nhà sản xuất dệt may của Việt Nam đang đầu tư vào máy móc tự động, số hóa và các hoạt động bền vững để nâng cao hiệu quả, năng suất và chất lượng trong quy trình sản xuất. Đồng thời, Việt Nam tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu ngoài Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) thông qua khai thác các thị trường mới ở châu Á, châu Phi và Trung Đông. Các hiệp định thương mại chiến lược cũng đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng xuất khẩu.
Tương tự, trang financemiddleeast.com (Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất) đánh giá Việt Nam tiếp tục là một “mắt xích” quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Các nền kinh tế Đông Nam Á, nhất là Việt Nam, được hưởng lợi từ việc chuyển dịch chuỗi cung ứng. Dữ liệu từ cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings cho thấy sản lượng sản xuất của Việt Nam tăng 8,1% trong năm 2024. Đây là minh chứng cho thấy Việt Nam đang trở thành một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong khi đó, truyền thông Singapore khẳng định có cơ sở để lạc quan về lĩnh vực năng lượng tái tạo của Việt Nam. Trang eco-business.com ngày 26/12 có bài viết nhận định Luật Điện lực sửa đổi, có hiệu lực từ năm 2024, đã thúc đẩy tâm lý lạc quan trong lĩnh vực năng lượng tái tạo của Việt Nam, Việt Nam đang áp dụng cách tiếp cận thận trọng hơn trong việc quản lý lĩnh vực năng lượng. Báo nêu trên dẫn lời ông Mark Hutchinson, Giám đốc khu vực Đông Nam Á tại Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC), dự báo năm 2025 sẽ là năm hoàn thiện các quy định và biểu phí của thỏa thuận mua bán điện trực tiếp, xây dựng tất cả các nghị định và thông tư theo Luật Điện lực.