Những cuốn sách có giá trị đích thực có thể giúp người đọc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách, từ đó tạo nên sự thay đổi lành mạnh trong cộng đồng.
Sức hút từ nhãn dán “bán chạy”
Theo thông tin từ Cục Xuất bản, In và Phát hành, trong năm 2023, số lượng các đầu sách có lượng phát hành lớn tăng lên. Một số đầu sách thu hút được nhiều bạn đọc có thể kể đến “Hạt giống tâm hồn”, “Đắc nhân tâm”, “Quẳng gánh lo đi và vui sống”, “Nhà giả kim”, “Cây cam ngọt của tôi”, “Nghĩ giàu và làm giàu”…
Trong đó, “Cây cam ngọt của tôi” đứng đầu danh sách top 10 tác phẩm văn học bán chạy của Nhã Nam. Tác phẩm kể về tuổi thơ cậu bé Zezé trong khu xóm nghèo ở Thủ đô Rio de Janeiro, Brazil từng là đầu sách được nhiều bạn trẻ săn tìm. Hay “Đại dương đen”, “Xứ cát”, “21 bài học cho thế kỷ XXI”… cũng là những cuốn sách bán chạy.
Dạo qua những nhà sách, không khó để bắt gặp những tác phẩm được gắn nhãn “best seller” (bán chạy). Trong bối cảnh các nhà xuất bản chuyển đổi số, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, các phương tiện truyền thông đại chúng là yếu tố có khả năng tác động đến số lượt mua của một cuốn sách. Việc gắn nhãn “best seller” (bán chạy) ở ngoài bìa cũng gây tò mò, thu hút sự chú ý của bạn đọc hơn so với các cuốn sách khác.
Tâm lý đám đông thể hiện khá rõ trong việc nhiều người hiếu kỳ tìm mua những cuốn sách bán chạy, dù có thể họ cũng không đọc hết tác phẩm đó. Không thể phủ nhận vai trò cũng như những đóng góp quan trọng của sách “best seller” trong việc góp phần dẫn dắt, định hình xu hướng đọc.
Việt Nam thiếu những cuốn sách ăn khách
Ở nước ngoài, “best seller” là bán được hàng triệu cuốn. Nhưng ở Việt Nam thì chưa chắc đã như vậy. Cũng tại hội nghị triển khai công tác xuất bản năm 2024, TS Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch Công ty Cổ phần sách Thái Hà – ước ao Việt Nam có những cuốn sách bán chạy cả triệu bản như thế giới.
Đa số những cuốn sách bán chạy ở Việt Nam dù ở thể loại nào đều là sách dịch. Vì vậy, không ít tác giả Việt bị các nhà xuất bản khước từ vì sách kén người đọc, tên tuổi chưa được nhiều độc giả biết đến. Thậm chí, những đầu sách vô bổ, ít giá trị nhưng đáp ứng nhu cầu dễ dãi của một bộ phận độc giả lại được xuất bản tràn lan do khả năng thu về lợi nhuận cao.
Nếu không tìm mua những cuốn sách ngoại văn đã có tiếng tăm, người đọc gần như bối rối trước những “rừng sách” mang tính thị trường, câu khách và nông cạn. Do đó, không ít độc giả tìm đến những cuốn sách cũ của các tác giả nổi tiếng của thế kỷ trước như: Hồ Xuân Hương, Trần Trọng Kim, Nam Cao, Ngô Tất Tố, Tản Đà, Vũ Trọng Phụng… giúp những tác phẩm văn học này có thể tái bản đến vài chục lần.
Thế nhưng, Việt Nam vẫn thiếu những cuốn sách đạt tầm kinh điển và thiếu quy định rõ ràng cho một cuốn sách “best seller” có tầm ảnh hưởng trong ngành xuất bản.
Tại Hội nghị Triển khai công tác xuất bản và phát hành xuất bản phẩm 2024, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã khẳng định, để ngành xuất bản Việt Nam phát triển hơn nữa, mỗi năm phải có được một vài cuốn sách mà hàng trăm nghìn, hàng triệu người đọc, tạo ra một nhận thức chung của toàn xã hội về một giá trị nào đó.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá: Xuất bản cũng là kinh doanh. Kinh doanh thì phải có thương hiệu. Thương hiệu được tạo nên bởi sự khác biệt. Chúng ta có nhiều nhà xuất bản, mỗi nhà xuất bản phải có thương hiệu của riêng mình để không lẫn với các nhà xuất bản khác. Nếu tất cả các nhà xuất bản giống nhau thì chắc chỉ cần một nhà xuất bản.