Với nhiều cách làm hay, sáng tạo, phù hợp, thời gian qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh được triển khai tích cực, tạo sự lan tỏa trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhờ đó, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình, điển hình hiệu quả, góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo môi trường ổn định để phát triển KT-XH, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Xác định công tác dân vận là nhiệm vụ quan trọng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn quan tâm chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQ các cấp và các tổ chức chính trị – xã hội, các hội quần chúng tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện phong trào “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó, đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) “Về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, gắn với tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Đặc biệt, chỉ đạo đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, nhất là thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh “Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024”, chủ đề công tác năm “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”…
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 1.900 mô hình dân vận khéo được triển khai xây dựng trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Riêng trong năm 2024, các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã đăng ký xây dựng 61 mô hình “Dân vận khéo” cấp tỉnh, trong đó có 49 mô hình tập thể, 12 mô hình cá nhân. Việc xây dựng các mô hình tập trung vào các lĩnh vực khó, như: GPMB thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm của tỉnh, bảo vệ môi trường, xây dựng NTM, đô thị văn minh, giải quyết các “điểm nóng” phức tạp, bức xúc nổi cộm phát sinh ở cơ sở… Từ những mô hình này, đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác dân vận của các cấp ủy đảng, nhất là việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Điển hình, như tại TX Đông Triều, công tác dân vận được thực hiện với phương châm: Tuyên truyền rộng, vận động sâu, cán bộ đi đầu, nhân dân hưởng ứng, từ cách làm đó công tác vận động quần chúng đã có nhiều đổi mới cả về nội dung và phương thức, tạo ra những động lực mới trong phong trào thi đua, huy động được cả hệ thống chính trị làm công tác dân vận, các doanh nghiệp, người dân tham gia làm công tác dân vận, tạo sự thống nhất trong đảng và hệ thống chính trị, sự đồng thuận xã hội, góp phần huy động được sức mạnh, nguồn lực cho thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, hướng tới mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc tỉnh.Thị xã đã đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực, tiêu biểu như: Mô hình “Vận động nông dân tham gia vào sản xuất chuỗi hữu cơ và thương mại điện tử”, “Vận động phụ nữ Đông Triều tham gia 3 T (Tiết giảm – Tái chế – Tái sử dụng)”, “Vận động thanh niên tham gia hội nhập và hỗ trợ việc làm”, “Đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường”, “Vận động công nhân lao động tham gia thực hiện 5 an toàn trong doanh nghiệp”, “Xây dựng tổ dân cư đoàn kết”…
Theo ông Nguyễn Văn Kỳ, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ TX Đông Triều, cả hệ thống chính trị của thị xã luôn chú trọng đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”, qua đó đã đạt được nhiều kết quả tích cực, diện mạo đô thị, nông thôn đẹp giàu hơn, văn minh hơn, đời sống nhân dân ngày càng đổi thay. Trong năm nay, thị xã chú trọng xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” trong giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người Quảng Ninh và đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại…
Tại Hải Hà, toàn huyện đã đăng ký thực hiện trên 100 mô hình dân vận khéo. Các mô hình tập trung vào việc khéo vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, xây dựng đô thị văn minh; GPMB các dự án; xây dựng, bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp; xây dựng các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, hội quần chúng trong sạch, vững mạnh… Điển hình như trong công tác bảo vệ môi trường nông thôn, các xã trên địa bàn huyện đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của huyện tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về tầm quan trọng của vệ sinh môi trường với sức khỏe và đời sống. Đẩy mạnh triển khai phong trào “Ngày nghỉ cùng nhân dân” để vệ sinh môi trường, trồng và chăm sóc cây xanh, gắn với xây dựng, chỉnh trang các tuyến đường thôn… Qua đó, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, khơi dậy sự đoàn kết, nhất trí của các tầng lớp nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương ngày càng đổi thay, phát triển.
Có thể thấy, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, cơ sở luôn quan tâm, chú trọng công tác dân vận, gắn với việc thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp, coi đó là nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; ban hành văn bản chỉ đạo các chi, đảng bộ trực thuộc cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng về công tác dân vận, theo kịp sự phát triển nhanh chóng của thực tiễn… Ban dân vận các cấp đã ban hành 1.033 văn bản các loại để hướng dẫn, đôn đốc thực hiện công tác dân vận; hằng năm xây dựng kế hoạch triển khai công tác dân vận, lồng ghép vào chương trình, kế hoạch công tác của địa phương, đơn vị, nhằm tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò công tác dân vận trong tình hình mới.
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” nói riêng và những đổi mới trong công tác dân vận của tỉnh nói chung đã và đang góp phần tích cực đưa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, tạo sự đồng thuận, nhân lên sức mạnh đoàn kết toàn dân, tạo động lực quan trọng để xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp.