Với quan điểm “Văn hóa, con người là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là nguồn lực, sức mạnh nội sinh cho sự phát triển”, huyện Đầm Hà đã và đang chú trọng kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, góp sức xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh.
Thời gian qua trên địa bàn huyện Đầm Hà, môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú được củng cố từ cơ sở đã trở thành điều kiện quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân về mọi mặt.
Đầm Hà đã đẩy mạnh triển khai đồng bộ, chặt chẽ từ các khâu tuyên truyền, quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch hành động, đến kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện sát sao, qua đó nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Đầm Hà đã đạt một số kết quả tích cực. Tiêu biểu như công tác giáo dục lịch sử, văn hóa truyền thống đã và đang được chú trọng tại 100% trường học, với các hình thức giáo dục, ngoại khóa, hội thi… diễn ra sôi nổi, đa dạng, hấp dẫn học sinh, thanh thiếu nhi tham gia.
Cùng với đó, huyện tập trung đẩy mạnh phong trào xây dựng xã hội học tập, rèn luyện thể dục thể thao để nâng cao dân trí, sức khỏe của nhân dân, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Các CLB sinh hoạt nghệ thuật truyền thống (hát nhà tơ, sán cố, soóng cọ…) và hiện đại (yoga, dân vũ, khiêu vũ, zumba…) đều được tạo điều kiện hoạt động sôi nổi.
Trong 5 năm qua, huyện đã đầu tư nguồn lực, nâng cấp một số hạng mục tại các di tích, như: Di tích Đồn Đen (gần 8,3 tỷ đồng), hoàn thành giai đoạn 1 xây mới Chùa Sâu (khoảng 30 tỷ đồng), xây dựng không gian trưng bày lịch sử Đảng bộ huyện ở di tích Núi Hứa; nâng cấp chùa Khánh Vân (trên 13 tỷ đồng)… Các hoạt động hợp tác giao lưu văn hóa được tăng cường tổ chức trên địa bàn, tiêu biểu như lễ hội đình Đầm Hà, lễ hội đình Tràng Y, lễ hội kiêng gió, lễ cấp sắc, lễ đại phan, chợ phiên Ba Nhất (xã Quảng An), Tuần Văn hóa – Thể thao cấp huyện, chương trình “Chào hè miền Sán cố”, “Ngày hội văn hóa, thể thao của đồng bào dân tộc Dao”, duy trì phố ẩm thực đêm tại thị trấn Đầm Hà vào tối thứ 7 hằng tuần…
Tại những dịp này, các giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện được quảng bá và tôn vinh; cảnh đẹp thiên nhiên, cuộc sống, con người của Đầm Hà được giới thiệu rộng rãi qua các nền tảng mạng xã hội. Toàn huyện hiện có 12 CLB văn nghệ thu hút gần 200 lượt người tham gia, đã tạo điều kiện cho các hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật trên địa bàn phát triển sôi động. Trong đó có 1 CLB hát sán cố, 2 đội hát nhà tơ – múa cửa đình, 2 CLB hát nhà tơ, 1 CLB hát soóng cọ, 1 CLB may thêu trang phục thổ cẩm truyền thống… đáp ứng nhu cầu giao lưu của đông đảo nhân dân.
Từ năm 2019 đến nay, huyện đã dành kinh phí (5 tỷ đồng) để nâng cấp, mở rộng SVĐ huyện; xây dựng hạ tầng tuyến phố đi bộ gắn với văn hóa ẩm thực tại phố Minh Khai (thị trấn Đầm Hà); hoàn thiện quy hoạch và xây dựng quảng trường huyện (dự kiến 145 tỷ đồng); xây mới 6 nhà văn hóa tại các xã Quảng Tân, Tân Bình, Đầm Hà, Tân Lập, Đại Bình và 20 nhà văn hóa thôn, bản (76 tỷ đồng)… Cùng với đó là xây dựng mới 5 bể bơi, 1 sân bóng đá cỏ nhân tạo, 1 khu vui chơi hiện đại cho thanh thiếu nhi, nâng cấp nhiều thiết chế văn hóa trên địa bàn, giúp nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho nhân dân.
Phát triển văn hóa cũng tác động, tạo chuyển biến tích cực tới nhiệm vụ cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC của Đầm Hà. Cụ thể, 100% chi, đảng bộ, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị đã rà soát, bổ sung quy định chuẩn mực đạo đức, tác phong, lề lối làm việc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, chỉ đạo thực hiện nghiêm kỷ luật kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, văn hóa công sở. Công tác đào tạo bồi dưỡng lý luận chính trị, hành chính cho CBCC được tăng cường. Hiện nay, 100% CBCC cấp huyện được chuẩn hóa về trình độ chuyên môn, tin học; 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp được trang bị kiến thức chính trị, hành chính theo tiêu chuẩn; 100% đội ngũ cán bộ mới được tuyển dụng đều có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên…
Thực hiện nội dung chủ đề công tác năm 2024 về phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh, huyện Đầm Hà đang tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể là siết chặt công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, thông tin, nhất là ngăn chặn các tệ nạn xã hội, văn hóa phẩm độc hại và thông tin sai sự thật trên Internet. Các ngành, các cấp đã tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý những vi phạm trong lĩnh vực văn hoá, góp phần xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh.
Yếu tố văn hóa đã tạo nền tảng quan trọng và sẽ là động lực để huyện tiếp tục gặt hái nhiều thành tựu phát triển mới, phát huy hài hoà các giá trị đặc trưng đã được xác định của Quảng Ninh là: “Thiên nhiên tươi đẹp – Văn hóa đặc sắc – Xã hội văn minh – Hành chính minh bạch – Kinh tế phát triển – Nhân dân hạnh phúc”.
Bám sát quan điểm chỉ đạo của Đảng, Quảng Ninh xác định “phát triển công nghiệp dịch vụ, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí dựa trên nền tảng công nghiệp sáng tạo được tổ chức sản xuất ở trình độ cao” là 1 trong 3 khâu đột phá trong Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”. Về định hướng, mục tiêu, Quảng Ninh xác định phát triển công nghiệp văn hoá trên địa bàn tỉnh sẽ đưa văn hoá vùng miền, văn hoá biển cùng các giá trị lịch sử, truyền thống đến gần hơn với người dân và khách du lịch; đặc biệt hỗ trợ mạnh cho phát triển, giáo dục thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, tỉnh xây dựng Đề án phát triển các làng nghề truyền thống trở thành sản phẩm văn hóa du lịch; phát triển văn hóa ẩm thực Quảng Ninh, nâng tầm thành nghệ thuật từ khâu sản xuất đến thưởng thức, kết nối thành điểm đến của khách du lịch, hướng tới xuất khẩu ẩm thực truyền thống… |