Huyện Đầm Hà hội tụ nhiều yếu tố để phát triển trên các lĩnh vực nông nghiệp, cả về nông, lâm, thủy sản. Từ lợi thế này, những năm qua, huyện đã chủ động vận dụng các cơ chế, chính sách của Trung ương, tỉnh để đầu tư cho phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững.
Nhiệm vụ phát triển, tái cơ cấu ngành nông nghiệp được huyện Đầm Hà xác định xuyên suốt trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020-2025. Theo đó, trên tất cả các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, định hướng phát triển “xanh” luôn được thực hiện nhất quán. Huyện chủ trương kêu gọi, khuyến khích các hoạt động đầu tư, các mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô dây chuyền hiện đại.
Trên cơ sở này, huyện chỉ đạo Phòng NN&PTNT phối hợp với UBND các xã lập kế hoạch, tổ chức đào tạo cán bộ kỹ thuật, tập huấn cho các hộ tham gia mô hình; các cơ quan chuyên môn của huyện phối hợp với UBND các xã vận động người dân dồn điền đổi thửa, liên kết sản xuất, phát triển các hợp tác xã để thuận tiện áp dụng cơ giới hóa, kỹ thuật công nghệ cao, trao đổi thông tin thị trường. Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện nghiên cứu dự báo thị trường, tham mưu các chiến lược xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại phù hợp để nâng cao năng lực cạnh tranh và dần chiếm thị trường trong và ngoài tỉnh…
Điển hình rõ nét nhất cho hiệu quả chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp phải kể đến là lĩnh vực thủy sản. Trong đó, Công ty TNHH Việt Úc – Quảng Ninh đầu tư cơ sở hạ tầng tại xã Tân Lập đang là điển hình thành công của việc thu hút doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp của địa phương. Đơn vị này hiện đang duy trì sản xuất khoảng 2 tỷ con tôm giống chất lượng cao cho thị trường mỗi năm. Nguồn giống dồi dào tại chỗ đã giúp huyện Đầm Hà thuận tiện hình thành, phát triển các mô hình nuôi tôm hiệu quả cao (nuôi trong nhà, nuôi vụ đông, nuôi 3, 4 giai đoạn…). Ngoài ra, trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung thâm canh với các đối tượng nuôi chủ lực như tôm thẻ chân trắng, nhuyễn thể, cá biển các loại.
Các mô hình chăn nuôi cũng được định hướng chuyển đổi dần từ quy mô nông hộ sang chăn nuôi trang trại, gia trại tập trung, áp dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng giá trị, bảo vệ môi trường sinh thái… Hiện, trên địa bàn huyện có 43 HTX, gần 130 trang trại chăn nuôi, trồng trọt. Nhiều dự án chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao được triển khai trên địa bàn, như: Chăn nuôi lợn công nghệ cao của Tập đoàn MAVIN; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chăn nuôi bò sữa tập trung và liên kết với người dân tại huyện Đầm Hà của Tập đoàn TH…
Trong lĩnh vực trồng trọt, huyện khuyến khích, định hướng người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nhất là những vườn tạp, diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Hiện, tổng diện tích trồng cây ăn quả của huyện trên 160ha, sản lượng gần 650 tấn/năm. Nghề trồng cây ăn quả đang từng bước tạo ra giá trị kinh tế, giúp đời sống khu vực nông thôn của huyện được nâng cao. Đặc biệt, trong năm nay, huyện đã triển khai mô hình thí điểm chuyển đổi đưa vào sản xuất tập trung 4 loại cây trồng mới, gồm: Na, bưởi, chanh leo, mít, lần lượt tại các xã Tân Bình, Đại Bình, Đầm Hà, Quảng Lâm, tổng diện tích 3ha/xã.
Đặc biệt, một số doanh nghiệp trên địa bàn đã nghiên cứu, đầu tư, áp dụng tiến bộ công nghệ trong trồng cây ăn quả trên địa bàn. Điển hình như Công ty CP Thương mại và Xây dựng Đầm Hà, thuê hơn 5ha đất nông nghiệp tại xã Quảng Tân xây dựng trang trại trồng dưa lưới, cùng các loại rau, hoa theo hướng nông nghiệp sạch, công nghệ cao. Sau khi hệ thống nhà màng đầu tiên rộng 6.000m2 được lắp đặt xong, Công ty trồng thử dưa chuột, dưa lưới theo công nghệ VietGAP. Về lâu dài, huyện đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, diện tích cây ăn quả tập trung đạt trên 1.500ha, sản lượng 21.600 tấn/năm; trong đó khoảng 600ha sản xuất quả rải vụ, trái vụ.
Hiện cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn huyện Đầm Hà chiếm 42,3%, góp phần chủ yếu giúp kinh tế của huyện tiếp tục duy trì phát triển, tốc độ tăng bình quân hằng năm đạt 18,27%. Thu nhập bình quân đầu người của huyện hiện đã đạt 3.450 USD, tăng 1,32 lần so với năm 2020.
Có thể thấy, các giải pháp chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn đang từng bước phát huy hiệu quả, giúp người nông dân tiếp cận cách thức sản xuất, kinh doanh hiệu quả, gắn với thế mạnh địa phương. Qua đó, nâng cao đời sống, góp phần phát triển kinh tế – xã hội bền vững trên địa bàn huyện.