Những năm qua, bên cạnh việc chăm lo, phát triển đời sống vật chất cho nhân dân, huyện Đầm Hà cũng luôn chú trọng quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa địa phương, góp phần phát triển KT-XH bền vững.
Huyện Đầm Hà có 13 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm 31% dân số. Nhân dân các dân tộc trong huyện luôn đoàn kết, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Toàn huyện hiện có 4 di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh, có 3 nghệ nhân dân gian (trong đó nghệ nhân Đặng Thị Tự được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân), 17 loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, 5 loại hình tập quán xã hội đã được kiểm kê…
Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn huyện luôn quan tâm chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa, nhất là đối với các di sản văn hóa đặc trưng, mang dấu ấn riêng của địa phương; gắn công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển KT-XH. 100% xã, thị trấn đã thành lập Ban Quản lý di tích, xây dựng quy chế hoạt động của Ban Quản lý di tích, phân định rõ trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích trước những tác động xấu của môi trường tự nhiên và con người, qua đó bảo vệ và phát huy được giá trị của các di tích trên địa bàn.
Đầm Hà cũng luôn quan tâm tới công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, đặc biệt là các di sản văn hóa của đồng bào DTTS, như: Thành lập, duy trì các CLB hát nhà tơ (xã Đầm Hà), hát sán cố và may thêu trang phục truyền thống dân tộc Dao (xã Quảng An), phục dựng các lễ hội truyền thống đình Tràng Y (xã Đại Bình), lễ hội Đại Phan của dân tộc Sán Dìu (xã Quảng An)…
Tháng 3/2024, xã Đầm Hà đã tổ chức ra mắt CLB Hát nhà tơ trong trường học (tiểu học, THCS), CLB tổ chức học tập vào thứ năm hằng tuần với sự hướng dẫn trực tiếp Nghệ nhân nhân dân Đặng Thị Tự và các thành viên CLB của xã. Cuối tháng 9/2024, thị trấn Đầm Hà thành lập và ra mắt CLB Hát nhà tơ – hát, múa cửa đình. Đây là loại hình nghệ thuật đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và hiện nay vẫn được bảo tồn với những nét độc đáo, đặc sắc riêng có tại các lễ hội đình trên địa bàn huyện Đầm Hà…
Công tác quản lý, bảo vệ, trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích được thực hiện đúng theo Luật Di sản văn hóa. Từ năm 2018 đến nay, huyện có 3/4 di tích cấp tỉnh được tu bổ, phục hồi. Các di tích đã được kiểm kê cũng được quan tâm tôn tạo.
Hằng năm, huyện tổ chức Ngày hội Văn hóa – Thể thao các dân tộc, thu hút đông đảo người dân tham gia; khôi phục các nét văn hóa đặc trưng của Lễ hội đình Đầm Hà, đình Tràng Y; tăng cường sưu tầm, biên soạn những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc trên địa bàn; tạo môi trường văn hoá thuận lợi để các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp được phát huy trong đời sống cộng đồng.
Huyện đã thành lập Đội kiểm tra liên ngành, hằng năm đều xây dựng kế hoạch kiểm tra các hoạt động vệ sinh ATTP, môi trường, những hoạt động diễn ra trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội, hoạt động du lịch diễn ra tại khu di tích. Qua đó đã giải quyết kịp thời những phản ánh của nhân dân và du khách, không gây bức xúc trong dư luận, đồng thời kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những tiêu cực trong công tác quản lý tại các di tích theo quy định của Luật Di sản.
Cùng với đó, Đầm Hà luôn quan tâm đến công tác giáo dục truyền thống văn hoá cho thế hệ trẻ; khuyến khích mở các lớp dạy tiếng dân tộc, truyền dạy kỹ năng hát các làn điệu của từng dân tộc trong nhân dân. Qua đó, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn một cách hiệu quả, bền vững.