Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”, huyện Đầm Hà đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác giảm nghèo bền vững.
Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một nhiệm vụ, tiêu chí quan trọng, chủ yếu trong xây dựng NTM, những năm qua, cùng với các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương và tỉnh, huyện Đầm Hà đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững.
Huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách về giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM, đô thị văn minh tới người dân trên địa bàn; phân công các thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia phối hợp với các tổ chức thành viên của các hội, đoàn thể từ huyện đến cơ sở giúp đỡ hộ nghèo có địa chỉ trên cơ sở phát huy đặc thù, thế mạnh của từng tổ chức với phương châm “không để hộ nghèo, hộ khó khăn nào không có tổ chức hỗ trợ”.
Đặc biệt, huyện đã đổi mới phương thức hỗ trợ người nghèo theo hướng giảm dần chính sách hỗ trợ cho không, tăng chính sách hỗ trợ có hoàn trả, có điều kiện; tập trung triển khai các giải pháp tạo sinh kế để hỗ trợ người nghèo thoát nghèo bền vững; đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo.
Nhờ đó, trong 3 năm qua, huyện đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho 28 hộ nghèo, cận nghèo, hộ khuyết tật, người cao tuổi, neo đơn với số tiền gần 3 tỷ đồng; giải quyết cho 8.216 lượt hộ nghèo, cận nghèo và trên 2.500 lao động vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập với tổng dư nợ đạt trên 537 tỷ đồng.
Ông Lục Văn Cẩu (thôn Tân Tiến, xã Tân Bình) cho biết: Nhờ được vay 100 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo theo Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, gia đình tôi có vốn để đầu tư vào chăn nuôi trâu, gà, ngan, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập. Với sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, gia đình tôi phấn đấu đến cuối năm 2024 sẽ thoát khỏi diện cận nghèo.
Theo Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đầm Hà Vũ Trung Kiên, Phòng Giao dịch đã thực hiện công khai các chính sách tín dụng đối với mọi người dân trên địa bàn, giúp người dân nắm bắt được mục đích của chương trình vay vốn, từ đó chủ động đề xuất, đăng ký vay vốn theo nhu cầu. Đối với các dự án xét thấy có hiệu quả, phòng sẽ thực hiện giải ngân ngay. Ngoài ra, phòng còn phối hợp với các tổ chức hội hướng dẫn hộ nghèo, cận nghèo thực hiện các dự án vay phù hợp hơn với điều kiện thực tế của gia đình.
Ngoài ra, từ năm 2021 đến nay, huyện Đầm Hà đã tổ chức được 16 lớp sơ cấp nghề cho 456 lao động nông thôn; giải quyết việc làm cho trên 3.000 lao động, đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch, trong đó, tạo việc làm mới cho gần 1.500 người.
Từ một huyện có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao, hết năm 2023 Đầm Hà không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định của Chính phủ. Theo Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, toàn huyện còn 14 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,12%; 165 hộ hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 1,47%.
Với mục tiêu không còn hộ nghèo và giảm 91/165 hộ cận nghèo theo Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh vào cuối năm 2024, huyện Đầm Hà sẽ tiếp tục rà soát, xác định lại nguyên nhân và các chỉ số thiếu hụt đối với 14 hộ nghèo và 164 hộ cận nghèo để có phương án hỗ trợ ngay từ đầu năm, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, vận động hộ nghèo, cận nghèo có sức lao động vào làm việc tại các doanh nghiệp, KCN, KKT, tích cực phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập. Mặt khác, huyện sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội để nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, như xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo, hỗ trợ mô hình phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.