Mùa xuân là mùa của rất nhiều lễ hội, trải dài từ Bắc đến Nam. Với vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi của Quảng Ninh, các lễ hội đầu xuân cũng vô cùng phong phú, đa dạng. Những lễ hội của đồng bào không chỉ là dịp để mọi người cùng nhau được nghỉ ngơi, chia sẻ niềm vui sau một năm làm việc vất vả, mà còn là cách để bà con thể hiện lòng biết ơn, cảm tạ đối với thần linh và tự nhiên đã ban tặng cho họ một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Đa sắc màu văn hóa
Tại Quảng Ninh nơi có 42 thành phần DTTS cùng sinh sống, các lễ hội truyền thống của đồng bào DTTS được tổ chức quanh năm nhằm thể hiện khát vọng trở về cội nguồn, nét sinh hoạt tín ngưỡng, cân bằng đời sống tâm linh và hưởng thụ, sáng tạo văn hoá của nhân dân. Trong đó, phần lớn lễ hội truyền thống được tổ chức vào tháng Giêng, tháng hai của mùa xuân, góp phần mang đến khí thế rộn ràng, vui tươi, cổ vũ người dân bước vào một năm mới hứa hẹn gặt hái nhiều thành quả, gửi gắm những mong ước bình an, hạnh phúc.
Đến hẹn lại lên, vào ngày 16-17 tháng Giêng vừa qua, bà con các dân tộc huyện Bình Liêu lại tưng bừng, rộn ràng hòa mình vào Lễ hội đình Lục Nà. Được phục dựng từ năm 2006, đến nay lễ hội đã trở thành điểm hẹn văn hóa đầu xuân với nhiều hoạt động văn hóa dân gian truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện Bình Liêu. Từ sớm, không khí lễ hội đã rộn ràng từ ngoài đường vào đến sân đình. Mùi khói nhang nồng ấm bay tỏa khắp ngôi đình. Người dân từ các thôn, bản, khách thập phương về với lễ hội trong niềm vui hân hoan. Ai cũng chuẩn bị cho mình những mâm lễ đầy ắp xôi, gà, hoa quả, thành kính dâng lên Thành hoàng và các vị thần núi, thần sông, thổ công, thổ địa để cầu mong cho một năm mới bình an, sung túc.
Năm nay, Lễ hội đình Lục Nà được tổ chức theo nghi thức lễ hội truyền thống gồm phần lễ và phần hội. Trong đó, phần lễ gồm các nghi lễ rước sắc phong, lễ tế thần, lễ giã đình. Phần hội gồm nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao đặc sắc diễn ra tại sân đình Lục Nà như: Liên hoan hát Then – đàn tính huyện Bình Liêu; giải võ thuật cổ truyền huyện Bình Liêu mở rộng; giải bóng đá cúp đình Lục Nà; thi chọi chim họa mi, chào mào hót đấu… Cùng với đó, các hoạt động thi đấu thể thao dân tộc (đẩy gậy, tung còn, kéo co, bắn nỏ) và trò chơi dân gian (nhảy bao bố, sáy mả, đi cà kheo…).
Ngược về Tiên Yên, ngày 12 tháng Giêng vừa qua, tại nhà văn hóa dân tộc Tày, thôn Đồng Đình, xã Phong Dụ, đã diễn ra Lễ hội đình Đồng Đình và Ngày hội Văn hóa thể thao dân tộc Tày huyện Tiên Yên năm 2025. Phần lễ gồm có lễ cúng thần; lễ rước cỗ, dâng hương tại đình Đồng Đình; tái hiện nghi thức “lễ Lồng tồng” và trích đoạn “Lẩu Then” – một trong những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Tày thôn Đồng Đình, xã Phong Dụ. Phần hội bao gồm nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao đặc sắc như: Thi đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ, thi đấu bóng chuyền hơi nam nữ, đua mảng trên sông và trình diễn trang phục dân tộc Tày; thi ẩm thực (thi gói bánh gio, thi trưng bày mâm cỗ ẩm thực của người Tày).
Ông Bế Văn Lỵ, xã Phong Dụ (huyện Tiên Yên), cho biết: Lễ hội được tổ chức dịp đầu năm luôn thu hút đông nhân dân và du khách tham gia. Các thôn đều tất bật chuẩn bị, tập luyện từ văn nghệ đến thi đấu trò chơi dân gian khiến không khí năm mới lúc nào cũng rộn ràng. Qua đó, không chỉ giúp người dân trên địa bàn bước vào sản xuất và có một năm mới vui tươi, phấn khởi mà còn góp phần quảng bá, tuyên truyền để nhân dân và du khách hiểu sâu sắc thêm về dân tộc Tày trên địa bàn huyện Tiên Yên và thắt chặt tình đoàn kết giữa cộng đồng các dân tộc.
Hàng năm, trên địa bàn huyện Ba Chẽ diễn ra nhiều lễ hội với quy mô lớn, nhỏ khác nhau. Trong đó, Lễ hội đình Làng Dạ do xã Thanh Lâm chủ trì tổ chức, diễn ra vào mùng 9-10 tháng Giêng, Lễ hội đình Đồng Chức và Lễ hội Lồng tồng (xuống đồng) do xã Lương Mông chủ trì tổ chức, diễn ra vào các ngày từ 20-22 tháng Giêng đều có các nghi lễ truyền thống và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các trò chơi dân gian và các hoạt động ẩm thực mang đậm dấu ấn văn hóa của bà con nơi đây.
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa lễ hội
Lễ hội là sinh hoạt văn hóa tinh thần độc đáo, phản ánh truyền thống lịch sử và tâm thức, ước nguyện tốt đẹp của cộng đồng về tự nhiên, xã hội và cuộc sống con người, chính vì vậy, ngay cả khi điều kiện xã hội thay đổi, nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa hiện đại đang ngày càng phát triển, sinh hoạt lễ hội truyền thống của đồng bào các DTTS không vì thế mất đi.
Theo đó, ngay từ trước, trong và sau Tết Nguyên đán các địa phương đều quan tâm, tăng cường chỉ đạo việc tổ chức lễ hội bài bản, chu đáo, đảm bảo trang trọng, an toàn, văn minh, lành mạnh, tiết kiệm và mang đậm bản sắc của dân tộc. Đồng thời, tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc thực hiện nếp sống văn minh lễ hội, bài trừ hủ tục, mê tín dị đoan… Nhờ đó, phần lớn không gian các cơ sở thờ tự đến không gian tổ chức các lễ hội đều bảo đảm sạch đẹp, an toàn; công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ được tăng cường, tạo nên một không gian văn hóa tâm linh vừa trang trọng, linh thiêng vừa rộn ràng, náo nức cho nhân dân và du khách về du xuân, trẩy hội.
Từ nhiều năm nay, các địa phương cũng tập trung định hướng gắn việc tổ chức các lễ hội truyền thống, khai thác, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các DTTS với phát triển du lịch. Trên cơ sở đó, các lễ hội được tổ chức gắn với ngày hội văn hóa các dân tộc bao gồm chuỗi các hoạt động trải nghiệm văn hóa, văn nghệ, thể thao, ẩm thực độc đáo.
Công tác tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò chủ thể của người dân, các nghệ nhân dân gian trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng những người kế cận được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, tỉnh và các địa phương đều dành nguồn lực thỏa đáng đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao đồng bộ vùng đồng bào dân tộc miền núi; hằng năm hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các DTTS có nguy cơ mai một.
Qua đó, không chỉ tạo không gian sinh hoạt văn hóa truyền thống cho đồng bào dân tộc mà còn tạo ra những sản phẩm du lịch mới mẻ, độc đáo, thu hút du khách đến tham quan, khám phá, trải nghiệm. Đồng thời, tạo hướng đi để phát triển du lịch bền vững cho các địa phương, tạo thêm việc làm và thu nhập cho đồng bào các DTTS bản địa từ chính giá trị văn hóa của họ, giúp đồng bào các dân tộc nâng cao hơn ý thức gìn giữ, tôn vinh và phát huy các giá trị văn hóa trong cuộc sống hiện đại.