Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2023 dự báo sẽ có từ 12-14 cơn bão mạnh và áp thấp nhiệt đới diễn ra từ cuối tháng 6 đến tháng 9/2023. Để giảm thiểu các sự cố về điện có thể xảy ra, Công ty Điện lực Quảng Ninh đã chủ động các giải pháp ứng phó, phòng ngừa hiệu quả để vận hành lưới điện an toàn.
Điện lực TP Hạ Long hiện quản lý, vận hành trên 644km đường dây trung thế, 2.645km đường dây hạ thế, gần 1.700 trạm biến áp công cộng và chuyên dùng. Trong đó, nhiều đường dây, trạm biến áp nằm trong vùng chịu tác động mạnh của mưa bão, giông lốc.
Xác định TP Hạ Long vừa là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của tỉnh vừa có số lượng khách hàng lớn nhất nên việc đảm bảo lưới điện vận hành ổn định, nhất là trong mùa mưa bão luôn là nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị. Do đó, ngay trước mùa mưa bão năm nay, Điện lực TP Hạ Long đã tổ chức họp và ra văn bản phân công nhiệm vụ cho các phòng, tổ, đội với tinh thần cao nhất để đối phó với thời tiết cực đoan khi xảy ra. Đồng thời chỉ đạo các phòng, tổ, đội tiến hành kiểm tra, xử lý các điểm xung yếu, nắm bắt tình hình vận hành lưới điện, phân đoạn cô lập sự cố, đóng mạch vòng; lập phương án giải quyết khu vực hệ thống lưới điện có nguy cơ ngập lụt, sạt lở. Cùng với đó phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân chặt tỉa cây cối trong hành lang tuyến điện; đầu tư nâng cấp hệ thống lưới điện, lắp đặt các thiết bị như máy cắt, dao cách ly phân đoạn; vận động các khách hàng sử dụng điện củng cố đường dây sau công tơ để đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng điện năng và tạo mỹ quan chung; kiểm tra, bảo dưỡng thay thế hệ thống cột, xà, sứ phụ kiện tại các vị trí xung yếu, nguy cơ sạt lở của đường dây để đảm bảo vận hành trong mùa mưa bão.
Tại Điện lực Đông Triều, hiện đơn vị đang quản lý vận hành gần 400km đường dây trung thế và gần 1.300km đường dây hạ áp. Các đường dây này chủ yếu đi qua khu vực đồi, núi thuộc các xã vùng sâu có địa hình tương đối phức tạp, dẫn đến việc đi lại phục vụ cho công tác kiểm tra định kỳ, sửa chữa đường dây và thiết bị gặp nhiều khó khăn. Trong đó một số xã có địa phận giáp với tỉnh Bắc Giang, Hải Dương như: An Sinh, Bình Khê, Tràng Lương… luôn là những xã phải chịu nhiều thiệt hại do thiên tai, bão lũ. Nhận diện trước những nguy cơ có thể xảy ra, Điện lực Đông Triều đã tập trung kiểm tra định kỳ đường dây và trạm biến áp, trong đó đặc biệt chú trọng vào việc kiểm tra các điểm tiếp xúc, thông số vận hành và hệ số làm việc của thiết bị, nhất là các đường dây trung thế 22, 35kV và đường dây hạ áp…
Qua công tác kiểm tra đã phát hiện một số vị trí đường dây có tiếp địa không đạt trị số theo quy định, phải lắp đặt bổ sung thêm để đảm bảo an toàn khi có giông, sét đánh vào đường dây và thiết bị không gây sự cố. Theo đó, Điện lực Đông Triều đã lắp đặt bổ sung 60 bộ tiếp địa vào các vị trí xung yếu trên đường dây trung thế và đường dây hạ thế; lắp đặt bổ sung 4 máy cắt 35, 22kV; gia cố và bọc ống nhựa gần 800 vị trí tiếp địa để đảm bảo vận hành an toàn cho đường dây hạ áp sau các trạm biến áp phân phối.
Với phương châm phòng là chính, các đơn vị điện của các địa phương còn lại trên địa bàn tỉnh cũng đã chủ động triển khai hàng loạt các biện pháp ứng phó với mưa bão như: Gia cố các công trình kiến trúc, nhà xưởng, kho tàng; gia cố các vị trí xung yếu trên lưới điện; khai thông dòng chảy các vị trí móng cột điện xung yếu tránh nước xối thẳng vào móng cột; gia cố dây néo cột điện, xử lý các điểm tiếp xúc và các điểm cố định tại thiết bị, đường dây dẫn điện có nguy cơ bị gió bão làm hỏng gây sự cố; phát quang hành lang lưới điện để hạn chế cây gãy đổ vào đường dây điện; chuẩn bị sẵn sàng các vật tư phục vụ sửa chữa lưới điện khi có hư hỏng; chuẩn bị máy phát tại các trụ sở chính cũng như nhân lực theo phương châm “bốn tại chỗ” và xây dựng kế hoạch ứng trực 24/24h đến khi bão tan để phục vụ công tác chỉ huy xử lý khắc phục thiệt hại do bão gây ra; tăng cường kiểm tra, rà soát lưới điện để khắc phục kịp thời các khiếm khuyết phát sinh trong vận hành nhằm cung cấp điện an toàn, ổn định cho phụ tải. Đặc biệt các vị trí có nguy cơ bị ảnh hưởng nhiều nhất (các xã đảo Cô Tô, huyện đảo Vân Đồn, TP Móng Cái…).
Thống kê của Công ty Điện lực Quảng Ninh cho thấy, trong gần 8 tháng năm 2023, Công ty đã thực hiện kiểm tra trên 5.500 lượt đối với các đường dây, đo nhiệt độ tiếp xúc trên 14.000 vị trí, kiểm tra gần 12.599 trạm biến áp; phát cây, đảm bảo hành lang tuyến cho 503 vị trí cột/128 đường dây. Sau kiểm tra Công ty đã yêu cầu các đơn vị khắc phục ngay những tồn tại, khiếm khuyết trên lưới điện.
Ông Phạm Đình Chấn, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Ninh cho biết: Ngay trước mùa mưa bão, Công ty đã xây dựng phương án, kịch bản khi bão đổ bộ có thể ảnh hưởng đến vận hành lưới điện để đưa ra các biện pháp ứng phó phù hợp đảm bảo duy trì lưới điện vận hành an toàn và liên tục nhất có thể trong các điều kiện thời tiết bất lợi. Công ty cũng đã tăng cường đầu tư, lắp đặt lên lưới điện các thiết bị thông minh thế hệ mới, như chống sét thông minh trên đường dây, máy cắt phân đoạn, ứng dụng công nghệ rửa sứ hotline, sử dụng camera nhiệt trong công tác kiểm tra lưới điện, dùng thiết bị bay không người lái (FlyCam) để kiểm tra hành lang lưới điện ở các vị trí đi lại khó khăn như đỉnh cột, vách núi… Từ đó rút ngắn được thời gian phát hiện sự cố cũng như thời gian xử lý sự cố.