Đảm bảo tốt môi trường thu hút đầu tư luôn là một trong những nhiệm vụ mà Quảng Ninh quan tâm xuyên suốt nhiều năm nay. Điều này giúp tỉnh gặt hái nhiều thành công.
Là một trong 4 thành phố của tỉnh, những năm qua, Cẩm Phả luôn chú trọng công tác cải cách hành chính; đào tạo nguồn nhân lực; chú trọng tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; tạo điều kiện tối ưu để thu hút đầu tư trên địa bàn. Nhờ đó, năm 2023, thành phố đã triển khai được 4 dự án: Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh tại phường Cẩm Thịnh; Trung tâm thương mại Coopmart tại phường Cẩm Thạch; Khu du lịch và đô thị sinh thái phường Cửa Ông; Sản xuất tôm giống, tôm thương phẩm và thức ăn cho tôm sử dụng công nghệ cao tại xã Cộng Hòa.
Cẩm Phả cũng đề nghị xúc tiến đầu tư 5 dự án, tích cực kêu gọi thu hút đầu tư 13 dự án. Hiện có 2 dự án thuê đất tại Cụm công nghiệp Cẩm Thịnh đầu tư thuộc lĩnh vực chế biến, chế tạo với tổng mức đầu tư lên tới 13,5 triệu USD. Thành phố cũng đã làm việc với một số doanh nghiệp, tổ chức, tập đoàn trong và ngoài nước để trao đổi, mời gọi hợp tác đầu tư… Năm 2023, Cẩm Phả thành lập mới 332 doanh nghiệp, thành lập mới 8 HTX.
Không chỉ Cẩm Phả mà toàn tỉnh đều tạo điều kiện tốt nhất để thu hút đầu tư. Tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên cập nhật thủ tục hành chính (TTHC), đơn giản hóa quy trình, cắt giảm thời gian giải quyết TTHC từ 30-60%. Riêng năm 2023, tổng số hồ sơ TTHC đã tiếp nhận và giải quyết trong toàn tỉnh là 861.990 hồ sơ, trong đó 99,7% giải quyết đúng hạn và trước hạn. Tỷ lệ số hóa dữ liệu của tỉnh Quảng Ninh trên cổng dịch vụ công quốc gia đạt trên 70%, là tỉnh có tỷ lệ số hóa dữ liệu nằm trong nhóm cao nhất cả nước.
Cùng với đó, để xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Quảng Ninh tiếp tục các giải pháp duy trì, giữ vững các chỉ số trong giai đoạn 2021-2025. Các sở, ngành và địa phương thực hiện công khai các quy hoạch quan trọng của tỉnh; ứng dụng hiệu quả, đa dạng các kênh để cung cấp thông tin nhanh và cập nhật đến cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư; công khai, minh bạch trong đấu thầu, thông tin các chính sách pháp luật cho doanh nghiệp; các chủ trương, định hướng lớn của tỉnh trong phát triển kinh tế – xã hội…
Quảng Ninh còn đẩy nhanh tiến độ GPMB nhiều dự án trọng điểm của tỉnh và địa phương; ban hành Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của 13/13 địa phương thuộc tỉnh; tập trung hoàn thành Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) cấp tỉnh và rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất năm 2030 cấp huyện. Đồng thời tỉnh cũng đã triển khai quy hoạch các KCN, KKT để tạo quỹ đất sạch, hạ tầng đồng bộ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất. Quảng Ninh hiện là tỉnh có diện tích quy hoạch KCN-KTT lớn nhất cả nước. Đến nay, tổng diện tích đất đã được GPMB tại các KCN đạt 2.472,23ha; trong đó tính riêng diện tích cho các dự án cấp chứng nhận đầu tư được thuê đất năm 2023 là 250,76ha, diện tích đất công nghiệp hiện có tại các KCN sẵn sàng cho thuê là 520ha.
Song song với đó, Quảng Ninh đã kịp thời ban hành các chỉ đạo, hướng dẫn để tổ chức triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo duy trì sản xuất kinh doanh; hỗ trợ giải quyết các thủ tục về đầu tư, doanh nghiệp.
Để giải quyết vướng mắc, khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, từ 2021-2023, cấp tỉnh tổ chức 11 hội nghị gặp mặt doanh nghiệp; thống nhất chủ trương định kỳ thứ 7 hàng tuần, lãnh đạo UBND tỉnh sẽ chủ trì tổ chức các phiên Cafe doanh nhân. Các sở, ban, ngành và địa phương cũng thường xuyên triển khai các hoạt động như Cafe doanh nhân, hội thảo, hội nghị để gặp mặt, nắm bắt vướng mắc, khó khăn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp…
Đặc biệt, tỉnh chú trọng đào tạo lao động cung cấp nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn. Quảng Ninh hoàn thiện Đề án phát triển giáo dục, đào tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030… Đồng thời thực hiện kết nối nhu cầu đào tạo giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các doanh nghiệp; tăng cường công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp thành lập cơ sở hoặc đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp ngay trong doanh nghiệp… Năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh đạt 86,46%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ cả năm đạt 50%.
Với những nỗ lực đó, Quảng Ninh là địa phương duy nhất trong cả nước lần thứ hai giữ vị trí đứng đầu cả 4 chỉ số quan trọng: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR-Index), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), trong đó, 6 năm liên tiếp (từ 2017-2022) giữ vị trí quán quân chỉ số PCI và 10 năm liên tiếp (từ năm 2013-2022) nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước.
Năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 1.460 doanh nghiệp, 900 đơn vị phụ thuộc thành lập mới; nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lên 17.000 doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc đăng ký kinh doanh, vốn đăng ký đạt 350.000 tỷ đồng. Còn 2 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh cũng có 198 doanh nghiệp thành lập mới. Tổng vốn thu hút đầu tư năm 2023 của tỉnh đạt khoảng 5 tỷ USD, trong đó thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt trên 3,1 tỷ USD. Còn 2 tháng đầu năm 2024, tổng vốn thu hút đầu tư vào địa bàn là 478,3 triệu USD; thu hút vốn đầu trong nước ngoài ngân sách đạt 6.785,9 tỷ đồng.