Đảm bảo nguồn vốn tín dụng, hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết số 43/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội được các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh triển khai hiệu quả với nhiều giải pháp được áp dụng, từ đó đã tạo động lực cho các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân yên tâm phát triển sản xuất kinh doanh, đóng góp tích cực cho ngân sách nhà nước.
Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh đã xây dựng, ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo, điều hành hoạt động tiền tệ, ngân hàng trên địa bàn. Trong đó, trọng tâm là mở rộng tín dụng hợp lý, có hiệu quả gắn với nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ và tỉnh Quảng Ninh; triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp giảm lãi suất cho vay, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ phục hồi kinh tế; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với đẩy mạnh xử lý nợ xấu, kiểm soát và hạn chế nợ xấu mới phát sinh.
Đến hết năm 2023, vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt 200.000 tỷ đồng, tăng 12,6% so với năm 2022, tăng 21,3% so với năm 2021. Dư nợ tín dụng đến hết năm 2023 đạt 180.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2022, tăng 23,6% so với năm 2021. Nếu loại trừ biến động giảm dư nợ tín dụng của lĩnh vực kinh doanh bất động sản và ngành khai khoáng, thì dư nợ đối với các ngành kinh tế còn lại trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến hết năm 2023 đạt mức tăng trưởng trên 6,0% so với năm 2022.
Theo đánh giá của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh, vốn tín dụng ngân hàng đã cơ bản đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn hợp pháp, chính đáng của các thành phần kinh tế. Cơ cấu vốn cho vay đầu tư đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh có sự ưu tiên và các động lực tăng trưởng của tỉnh, với dư nợ cho vay đạt trên 130.000 tỷ đồng. Trong đó, tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực dịch vụ chiếm 60,2%, công nghiệp – xây dựng chiếm 26,6%, nông nghiệp – nông thôn chiếm 13,2%.
Bên cạnh tập trung huy động nguồn vốn vay, cho vay theo quy định, từ cuối năm 2022, trước áp lực của lạm phát và việc gia tăng lãi suất huy động và lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc đồng thuận áp dụng lãi suất huy động VNĐ không quá 9,5%/năm tại tất cả các kỳ hạn; tiếp tục giảm chi phí, giảm lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay với mức giảm từ 0,5-0,2%/năm tùy từng đối tượng, trong đó tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, qua đó chia sẻ một phần khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Đức Hiển, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh, cho biết: Việc giảm lãi suất là giải pháp kịp thời, phù hợp với xu hướng chung trên toàn thế giới để ưu tiên kiểm soát lạm phát, giữ ổn định thị trường tiền tệ, tạo dư địa thích ứng mới với các biến động trên thị trường. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động, các khoản chi không cần thiết, đơn giản hóa thủ tục nghiệp vụ để tạo điều kiện, nguồn lực phấn đấu duy trì mặt bằng lãi suất và từng bước giảm lãi suất cho vay cho phù hợp với yêu cầu kiểm soát lạm phát và đồng hành, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.
Trong năm 2023, với việc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, đến nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh mặt bằng lãi suất đều đã giảm, trong đó lãi suất cho vay giảm từ 2%-3,5% so với cuối năm 2022, cao hơn mục tiêu giảm lãi suất 0,5-1% đặt ra tại Nghị quyết số 43 của Quốc hội. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ đối với các lĩnh vực ưu tiên hiện nay là 4%/năm (giảm 1,5% so với cuối năm 2022; giảm 0,5% so với cuối năm 2021). Lãi suất cho vay phổ biến hiện nay ở mức 6,5%-8%/năm đối với ngắn hạn và từ 8,5%-10,5%/năm đối với trung và dài hạn.