Trong những năm gần đây, nhằm tiến gần hơn đến mô hình doanh nghiệp xanh, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã chỉ đạo các đơn vị khối sản xuất, chế biến và sàng tuyển than ưu tiên nguồn lực, triển khai những giải pháp hiện đại hóa công nghệ khai thác, xử lý bụi, trồng cây để xanh hóa các công trường, phân xưởng. Sau nhiều năm nỗ lực, TKV và các đơn vị đang dần kiến tạo mô hình sản xuất xanh, hài hòa với môi trường sinh thái, ngày càng phù hợp với các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Quảng Ninh.
Công ty CP Than Cao Sơn – TKV là đơn vị khai thác than lộ thiên, có quy mô lớn nhất Tập đoàn hiện nay. Bình quân mỗi năm, đơn vị này sẽ bóc xúc từ 45-55 triệu m3 đất đá để khai thác trên 4 triệu tấn than nguyên khai. Khối lượng đất đá bóc xúc lớn đồng nghĩa với quy mô đổ thải ngày càng lớn.
Hiện nay, diện đổ thải chính của Than Cao Sơn tập trung ở bãi thải Bàng Nâu và một số bãi thải trong khai trường sản xuất. Để giải quyết vấn đề môi trường, Than Cao Sơn đã tích cực quy hoạch và trồng cây hoàn nguyên các khu vực đã kết thúc đổ thải, cải tạo và phục hồi môi trường sinh thái. Trong đó, trồng cây hoàn nguyên bãi thải lớn nhất là Bàng Nâu vẫn là hoạt động thường xuyên, hàng năm của công ty.
“Đầu xuân Giáp Thìn, hưởng ứng phong trào Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ, thực hiện chỉ đạo của TKV, Công ty CP Than Cao Sơn đã phát động trồng trên 8.000 cây xanh các loại tại tầng +110 khu vực bãi thải Bàng Nâu. Số lượng cây xanh được trồng năm nay nhiều hơn so với năm ngoái, sẽ góp phần củng cố thêm hệ sinh thái ở khu vực bãi thải này” – ông Nguyễn Văn Sinh, Phó Giám đốc Công ty CP Than Cao Sơn cho biết.
Không chỉ trồng cây để cải tạo, phục hồi môi trường khu vực bãi thải mỏ, Công ty còn tiếp tục xanh hóa không gian sản xuất tại các công trường, phân xưởng. Hàng năm, công ty đã lập phương án cải tạo cảnh quan mặt bằng các công trường, phân xưởng theo kế hoạch được TKV giao, đưa công viên cây xanh vào khai trường sản xuất.
Sau nhiều năm kiên trì, khai trường của mỏ giờ đây đã thật sự đổi thay. Những gam màu xám của đất đá đã nhường chỗ cho màu xanh tươi mát của cây cối. Bụi bặm, tiếng ồn cũng giảm dần, người lao động được làm việc trong điều kiện vi khí hậu cải thiện hơn rất nhiều so với trước.
Không chỉ xanh hóa không gian khai thác, các đơn vị còn đầu tư nhiều thiết bị, hạng mục công trình để cải thiện môi trường sản xuất, nhất là cải thiện điều kiện vi khí hậu.
Trên các khai trường lộ thiên, xe tưới đường dập bụi công suất từ 30-50m3 hoạt động liên tục, giải quyết đáng kể lượng bụi phát tán trong quá trình vận tải và đổ thải. Tính đến nay, các đơn vị vùng Quảng Ninh đang duy trì hoạt động của 136 xe tưới nước dập bụi. Tại các khu vực kho than, đầu đường, bãi thải, máy phun sương cao áp cũng được lắp đặt và hoạt động hết công suất, là thiết bị dập bụi rất hữu ích với các đơn vị. Theo thống kê, đến nay các đơn vị đã đầu tư 118 máy phun sương cao áp để tăng hiệu quả chống bụi.
Ngoài ra, nhiều đơn vị còn có sáng kiến trong công tác xử lý bụi đi đôi với tiết kiệm tài nguyên. Đơn cử như hệ thống thu hồi than và thu hồi bùn nước tại Công ty Tuyển than Cửa Ông, giúp đơn vị thu hồi triệt để than từ mặt bằng công nghiệp và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, cải thiện môi trường khu vực sản xuất. Hay như hệ thống máy hút bụi và bơm nước vệ sinh mặt sàn thao tác tại Phân xưởng Sàng tuyển Tiêu thụ, Công ty Tuyển than Hòn Gai, cũng giải quyết vấn đề bụi phát tán trong khu vực sản xuất, đồng thời thu hồi tài nguyên hiệu quả.
Với những doanh nghiệp đang tổ chức sản xuất ở vùng lõi của TP Hạ Long như Công ty Tuyển than Hòn Gai – Vinacomin, Công ty CP Than Hà Lầm, Công ty CP Than Núi Béo… vấn đề bảo vệ môi trường, đặc biệt là công tác xử lý bụi là trách nhiệm hàng đầu.
“Nhiều năm qua, Công ty Tuyển than Hòn Gai luôn quan tâm và dành nhiều nguồn lực nâng cấp dây chuyền công nghệ khai thác, giảm thiểu tối đa mức độ phát tán bụi từ hoạt động sản xuất. Trong danh mục các dự án công trình môi trường nhiều năm nay, công ty cũng ưu tiên nguồn lực để băng tải hóa tối đa công tác vận chuyển than. Cụ thể là đầu tư băng tải ống thay thế hoàn toàn phương pháp vận tải than bằng ô tô” – ông Đỗ Ngọc Tú, Phó Giám đốc Công ty Tuyển than Hòn Gai cho biết.
Năm 2024, TKV tiếp tục thể hiện sự quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, thông qua hàng loạt kế hoạch hành động, với nguồn lực chi phí trên 1.100 tỷ đồng. Không chỉ duy trì công tác bảo vệ môi trường thường xuyên, TKV sẽ chỉ đạo hoàn thiện hệ thống băng tải vận chuyển than thay thế cho ô tô vận chuyển tại vùng than Hạ Long nhằm kiểm soát triệt để sự phát tán của bụi, tiếng ồn từ công đoạn vận chuyển than và các dự án cải tạo, nâng cao năng lực dỡ tải và bốc rót tiêu thụ than. Ngoài ra, Tập đoàn cũng sẽ tiếp tục đầu tư nâng công suất mở rộng các trạm xử lý nước thải mỏ, tăng cường thu gom xử lý nước thải và các loại chất thải; tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ khai thác góp phần bảo vệ môi trường.