Để vừa phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, vừa bảo vệ bền vững di sản, trong nhiều năm qua, Quảng Ninh luôn chú trọng công tác đảm bảo ANTT, an toàn trong hoạt động du lịch trên vịnh.
Tỉnh, các sở, ngành tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật hiện hành về di sản văn hóa, đảm bảo ANTT, ATGT, phòng chống thiên tai, cháy nổ, tìm kiếm cứu nạn, bảo vệ môi trường, đảm bảo môi trường kinh doanh du lịch cho các tổ chức, cá nhân hoạt động KT-XH và cộng đồng sinh sống trong khu vực vịnh Hạ Long.
Lực lượng chức năng kiểm tra điều kiện đảm bảo an toàn của tàu du lịch hoạt động chở khách tham quan và lưu trú trên vịnh Hạ Long. Ảnh: Quốc Xã (Công an tỉnh)
Hoạt động của các tàu vận chuyển khách du lịch tham quan, lưu trú trên vịnh Hạ Long được quản lý, giám sát chặt chẽ; qua đó, các ngành, lực lượng chức năng tổ chức an toàn tham quan vịnh Hạ Long cho trên 2,6 triệu lượt khách trong năm 2024; trong đó hơn 1,1 triệu lượt khách Việt Nam, trên 1,5 triệu lượt khách quốc tế.
Các ngành, đơn vị liên quan thường xuyên phối hợp tổ chức kiểm tra cơ sở vật chất, hạ tầng, điều kiện hoạt động, thiết bị an toàn của các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ trên vịnh Hạ Long. Đặc biệt, việc đảm bảo ANTT, ATGT; kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về sử dụng phương tiện thủy đeo bám bán hàng rong và khai thác sử dụng ngư cụ cấm tại khu vực giáp ranh vịnh Hạ Long – Cát Bà, các phương tiện thủy hoạt động không có đăng ký, đăng kiểm; người điều khiển phương tiện thủy không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn theo quy định… tiếp tục được tăng cường.
Năm 2024, các đơn vị đã phối hợp tổ chức 184 lượt tuần tra, giám sát. Qua đó phát hiện, xử lý 45 trường hợp vi phạm. Đã đề nghị xử phạt hành chính, phạt tiền 323.750.000 đồng; tiếp nhận và giải đáp 59 cuộc gọi đến đường dây nóng du lịch Hạ Long; cưỡng chế 42 hộ dân và 1 HTX di dời hơn 13ha lồng bè nuôi trồng thủy sản trái phép trên vịnh Hạ Long.
Đội Cảnh sát đường thủy, Phòng CSGT Công an tỉnh, kiểm tra việc chấp hành quy định không sử dụng rượu bia trong ca trực đối với đội ngũ thuyền viên tàu nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long. Ảnh: Hồng Việt
Cùng với đó, các sở, ngành, lực lượng, địa phương còn phối hợp tổ chức tuần tra, giám sát, ngăn chặn đối với các phương tiện chở khách đi tham quan du lịch tại một số hang động, bãi đảo không nằm trong tuyến, điểm tham quan du lịch chưa được công bố đón khách du lịch theo quy định. Năm 2024 đã kiểm tra, xử lý vi phạm đối với 13 phương tiện chở khách đi câu mực giải trí trái phép; 6 xuồng cao tốc chở khách đi tham quan tour đảo hoang trên Vịnh…
Việc quản lý hoạt động vui chơi giải trí dưới nước trên vịnh Hạ Long cũng được tỉnh chú trọng. Quảng Ninh đã xây dựng hồ sơ đề nghị phê duyệt, công bố vùng hoạt động vui chơi giải trí dưới nước trên vịnh Hạ Long theo quy định; hiện trên vịnh Hạ Long có 8 vùng nước được công bố là: Hang Luồn, Cửa Vạn, Hồ Động Tiên – Hang Trinh Nữ, Cống Đỏ, Ba Hang, Tùng Sâu, Vông Viêng và Hang Cỏ.
Các lực lượng chức năng thường xuyên tổ chức, kiểm tra tình hình kinh doanh dịch vụ du lịch kayak, đò chèo tay, xuồng cao tốc trên vịnh Hạ Long; qua đó kịp thời hướng dẫn, chấn chỉnh các tổ chức, doanh nghiệp chuẩn bị các điều kiện phục vụ khách du lịch. Hiện có 427 tàu (317 tàu tham quan, 104 tàu lưu trú và 4 tàu nhà hàng, 2 du thuyền), 430 kayak, 102 đò chèo tay và 31 xuồng cao tốc được ký hợp đồng phục vụ hoạt động du lịch trên vịnh Hạ Long.
Mặt khác để chủ động bảo đảm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy; phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hầu quả thiên tai phục vụ hoạt động du lịch trên vịnh Hạ Long, các ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chỉ thị, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của tỉnh và tổ chức nhiều hoạt động phù hợp tình hình.
Lực lượng cảng vụ đường thủy nội địa kiểm tra phương tiện tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long. Ảnh: Đỗ Phương
Năm 2024, BQL vịnh Hạ Long và Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh đã phối hợp tổ chức tập huấn, đào tạo nghiệp vụ và cấp chứng nhận nghiệp vụ sơ cấp cứu y tế, vận chuyển nạn nhân trên biển cho trên 41 viên chức, người lao động của BQL vịnh Hạ Long, 56 nhân viên của các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động KT-XH trên vịnh Hạ Long. Hay BQL vịnh Hạ Long phối hợp với Sở Ngoại vụ đón tiếp và làm việc với Lãnh sứ quán các quốc gia: Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Canada tham quan, khảo sát cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, phương án ứng phó, tìm kiếm cứu nạn nhằm đảm bảo an toàn cho công dân của quốc gia khi đi du lịch vịnh Hạ Long…
Đội liên ngành thường trực cứu hộ, cứu nạn trên vịnh Hạ Long được trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị chủ động ứng phó có hiệu quả với các sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên biển, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, phương tiện tham gia hoạt động trên vịnh Hạ Long.
Năm 2024, các ban, ngành, lực lượng chức năng đã phối hợp xử lý khắc phục 13 trường hợp sự cố xảy ra trên vịnh, phối hợp tìm kiếm nạn nhân vụ đắm đò tại Bến đò Hà An (phường Hà An, TX Quảng Yên) và nạn nhân đuối nước tại bãi biển đối diện khu vực đảo Rều (phường Bãi Cháy, TP Hạ Long); khắc phục, xử lý sự cố xà lan số đăng ký HP4670 bị lật đắm tại khu vực Di sản thế giới vịnh Hạ Long…
Nhờ đa dạng các hoạt động trong công tác đảm bảo an toàn phục vụ du lịch trên vịnh Hạ Long đã góp phần nâng cao chất lượng du lịch trên địa bàn. Năm 2024, tổng khách du lịch đến Quảng Ninh khoảng 19 triệu lượt, tăng 20% so với năm 2023; tổng doanh thu du lịch đạt khoảng 46.460 tỷ đồng./.