Sáng 30/11, tại Quần thể di tích Am – Chùa Ngọa Vân (phường Bình Khê, thành phố Đông Triều), Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh và UBND TP Đông Triều đã phối hợp tổ chức “Đại lễ tưởng niệm 716 năm ngày Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn”.
Tại buổi lễ tưởng niệm, sau nghi thức dâng hương, các đại biểu, tăng ni, phật tử, cùng người dân, du khách, đã được nghe tiểu sử cuộc đời Phật Hoàng Trần Nhân Tông và văn tưởng niệm 716 năm ngày Phật Hoàng nhập niết bàn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, vua Trần Nhân Tông là một trong những lãnh tụ thiên tài, vị anh hùng của dân tộc. Đối với đạo pháp, Ngài là một vị vua duy nhất trên thế giới từ bỏ ngôi vua để đi tu và đắc đạo, thống nhất được Phật giáo Việt Nam bấy giờ, hình thành tổ chức Giáo hội Trúc Lâm mang đậm nét Phật giáo Việt Nam. Ngày mùng 1 tháng 11 năm Mậu Thân (1308), Sơ Tổ Điều Ngự Trần Nhân Tông nhập diệt tại đỉnh Ngọa Vân, am Tử Tiêu, núi Yên Tử, thọ thế 51 năm.
Trải qua bao biến thiên của lịch sử, Phật giáo Trúc Lâm đã để lại một kho tàng di sản vật thể và phi vật thể đồ sộ với hệ thống di tích, di chỉ khảo cổ và các tác phẩm văn học nghệ thuật. Đây chính là tài sản văn hoá tinh thần vô cùng quý báu, đồng hành với lịch sử văn hóa dân tộc cho hôm nay và cả mai sau.
Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Phó trưởng Ban kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, chia sẻ: Lễ tưởng niệm năm nay được tổ chức trong bối cảnh Đông Triều vừa được công nhận là thành phố nên người dân, tăng ni, phật tử càng vui mừng, phấn khởi. Đây như một lời báo công dâng lên Phật Hoàng, Đông Triều – quê hương nhà Trần đã và đang có những bước phát triển vượt bậc. Thế hệ hôm nay đang nỗ lực xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp, dựa trên chính những di sản vật chất và tinh thần mà các thế hệ đi trước để lại.
Đại lễ tưởng niệm không chỉ nhằm tưởng nhớ công lao và sự nghiệp vĩ đại của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, mà còn là dịp tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân về vai trò, ý nghĩa và những giá trị cần được bảo tồn và phát huy của Khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần ở Đông Triều. Bà Hoa Minh Anh (TP Hà Nội), chia sẻ: Hôm nay đoàn chúng tôi gồm 600 người từ Hà Nội, đi một chặng đường dài về miền đất Phật, đường xa nhưng dường như không ai biết mệt. Lần đầu được đến đây, cảm nhận không khí trong lành, cảnh quan cổ kính, thiêng liêng nơi Phật Hoàng nhập niết bàn, tôi rất xúc động.
Dịp này, tại Khu di tích Am – Chùa Ngọa Vân còn trưng bày 150 ảnh nghệ thuật từ cuộc thi “Phật giáo trong đời sống”. Công ty CP Du lịch Văn hóa Ngọa Vân Yên Tử cho biết sẽ miễn phí toàn bộ giá vé cáp treo cho người dân, du khách trong 2 ngày 30/11 và 1/12, tiếp tục tặng ưu đãi giảm 50% vé cáp treo hai chiều trong thời gian từ 2/12/2024 đến 28/1/2025. Đồng thời, đơn vị cũng sẵn sàng cung ứng các dịch vụ như lưu trú, ẩm thực, trải nghiệm, để du khách có một hành trình về miền đất Phật đáng nhớ.