Sáng 1/12/2024 (tức mùng 1 tháng 11 năm Giáp Thìn), tại Cung Trúc Lâm, Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử, Khu di tích và danh thắng Yên Tử (TP Uông Bí), Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh long trọng tổ chức Đại Lễ tưởng niệm 716 năm Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn (1308 – 2024).
Trong không khí trang nghiêm và thành kính của buổi Đại lễ, các tăng, ni, phật tử và nhân dân cùng tưởng niệm, ôn lại sự nghiệp và tôn vinh công đức to lớn của Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông – vị vua anh hùng của một triều đại anh hùng, người đã lãnh đạo quân và dân nhà Trần 2 lần chiến thắng giặc Nguyên Mông xâm lược vào năm 1285 và năm 1288, bảo vệ non sông bờ cõi Đại Việt.
Ở trên đỉnh cao danh vọng, Ngài đã nhường ngôi cho con, chuyên tâm theo đuổi sự nghiệp tu hành và đã hợp nhất các dòng thiền, sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, dòng thiền thuần Việt, có tư tưởng nhập thế, gắn đạo với đời, xây dựng Yên Tử trở thành Kinh đô Phật giáo của Quốc gia Đại Việt.
Trong cuộc đời tu luyện và nhập diệt của Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông, Yên Tử là nơi Phật hoàng tu hành, giảng pháp, độ tăng và Ngọa Vân là nơi kết thúc trọn vẹn quá trình tu luyện và thành Phật của Ngài vào ngày 1/11 Âm lịch năm 1308. Xá lị của Ngài sau này được phát về nhiều nơi, trong đó có am Ngọa Vân, chùa Quỳnh Lâm (TX Đông Triều) và tại tháp Huệ Quang (Yên Tử, TP Uông Bí).
Lịch sử nước ta ghi nhận Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông là vị hoàng đế anh minh, lãnh tụ thiên tài, anh hùng dân tộc. Ngài là nhà văn hóa lớn, nhà tư tưởng lớn, đồng thời là nhà tu hành giác ngộ đã để lại hệ thống tư tưởng đặc sắc về Phật giáo. Người sáng lập nền Phật giáo Trúc Lâm và dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, được các thế hệ nhân dân ta tôn xưng là Vua Phật Việt Nam.
Cũng tại buổi Đại lễ, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, chư tôn đức giám phẩm Phật giáo và các tăng, ni, phật tử đã thành kính trước hương án, tưởng niệm, tri ân những công lao cao dày của Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông đối với Đạo pháp và Dân tộc.
Đồng kính nguyện quốc thái dân an, thực hành gìn giữ tinh thần đoàn kết dân tộc, độc lập Tổ quốc; nêu cao tinh thần phóng khoáng, bao dung, đoàn kết các tôn giáo để cùng tồn tại và phát triển; duy trì truyền thống dân tộc, tự lực, tự cường để phát huy lý tưởng “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội”, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, văn minh tiến bộ.
Trước đó, trong ngày 30/11, tại Quần thể di tích Am – Chùa Ngọa Vân (phường Bình Khê, TP Đông Triều), Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh và UBND TP Đông Triều cũng đã tổ chức Đại lễ tưởng niệm 716 năm Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn.
Nhân dịp tưởng niệm 716 năm Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn, Công ty CP Phát triển Tùng Lâm và Công ty CP Du lịch Văn hóa Ngọa Vân Yên Tử cũng dành nhiều ưu đãi cáp treo, các dịch vụ như lưu trú, ẩm thực và trải nghiệm thưởng lãm để người dân và du khách có một hành trình an lạc khi trở về miền đất Phật, non thiêng.