Đại hội MTTQ các cấp nhiệm kỳ 2024-2029 là đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa quan trọng để phát huy dân chủ, đoàn kết, trách nhiệm. Nhân dịp này, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã phỏng vấn ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, về công tác triển khai đại hội trên địa bàn tỉnh.
– Ông cho biết, công tác tổ chức đại hội MTTQ các cấp tỉnh đến thời điểm này?
+ Ngay sau khi có Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về lãnh đạo đại hội MTTQ các cấp, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã tham mưu cho BTV Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 36-CT/TU ngày 18/7/2023 về việc lãnh đạo đại hội MTTQ các cấp và Đại hội đại biểu MTTQ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2024-2029.
Trên cơ sở đó, MTTQ tỉnh ban hành các kế hoạch, hướng dẫn, quyết định thành lập ban chỉ đạo, các tiểu ban phục vụ đại hội, như: Công tác tuyên truyền, xây dựng đề án nhân sự, văn kiện; tổ chức hội nghị ban công tác mặt trận khu dân cư; chỉ đạo đại hội điểm cấp xã, cấp huyện; phát động thi đua đặc biệt chào mừng đại hội và nhiều nội dung khác theo quy định của Điều lệ MTTQ Việt Nam.
Tháng 8/2023, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức hội nghị quán triệt các nội dung về đại hội cho đội ngũ cán bộ chuyên trách MTTQ của 13 huyện, thị xã, thành phố và 177 xã, phường, thị trấn. Cùng dự có đại diện thường trực cấp ủy, lãnh đạo các tổ chức chính trị – xã hội của các địa phương, bí thư – trưởng thôn (bản, khu phố), ban công tác mặt trận và trưởng các chi hội đoàn thể của 1.452 khu dân cư trong toàn tỉnh.
Ủy ban MTTQ tỉnh đã thành lập Đoàn công tác, làm việc trực tiếp với cấp ủy các địa phương về công tác tổ chức đại hội. Đoàn đã thảo luận, góp ý kiến về vấn đề nhân sự, tiêu chuẩn, chức danh, số lượng, cơ cấu, thành phần theo đúng quy định của Điều lệ MTTQ Việt Nam; báo cáo chính trị, chương trình đại hội, phương án tuyên truyền; triển khai các công trình, phần việc chào mừng… Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh thường xuyên hướng dẫn và trả lời các nội dung vướng mắc cụ thể liên quan đến công tác triển khai và tổ chức đại hội MTTQ ở cơ sở.
Để rút kinh nghiệm cho các địa phương trong tổ chức đại hội, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh chỉ đạo lựa chọn 2 đơn vị tổ chức đại hội điểm là TP Hạ Long đại diện cho khu vực miền Tây của tỉnh, huyện Đầm Hà đại diện cho khu vực miền Đông của tỉnh. Dự kiến 2 đơn vị tổ chức đại hội điểm cuối tháng 4/2024.
Tỉnh dành nguồn lực lớn cho việc tổ chức đại hội MTTQ các cấp trong tỉnh. Cùng với nguồn ngân sách địa phương còn có nguồn lực xã hội hóa hỗ trợ kinh phí tổ chức đại hội MTTQ các cấp. Qua đó thể hiện sự quan tâm, chú trọng của các đơn vị, doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh dành cho sự kiện chính trị – xã hội quan trọng này.
Đến hết tháng 3/2024 có 140/177 xã, phường, thị trấn tổ chức thành công đại hội MTTQ, đúng tiến độ, quy định. Qua đại hội cho thấy, công tác tuyên truyền, trang trí khánh tiết phục vụ đại hội được chuẩn bị chu đáo, trang trọng, tạo không khí phấn khởi, đoàn kết; đánh giá kết quả nhiệm kỳ 2019-2024 sát thực, đúng với kết quả xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đặt ra nhiệm vụ, chỉ tiêu, nội dung cụ thể để triển khai trong nhiệm kỳ 2024-2029; nhân sự được tiến hành bài bản, đúng quy trình, quy định; đội ngũ cán bộ của MTTQ cấp xã đảm bảo tiêu chuẩn, nhất là về uy tín, năng lực và trình độ chuyên môn.
Có 6 địa phương hoàn thành đại hội cấp xã là: Hạ Long, Đầm Hà, Đông Triều, Quảng Yên, Hải Hà, Cô Tô. Các địa phương còn lại đang tập trung chỉ đạo khẩn trương chuẩn bị nội dung, chương trình theo kế hoạch đề ra, phấn đấu hoàn thành đại hội cấp xã trong tháng 4/2024.
– Được biết các cấp MTTQ tỉnh đang triển khai nhiều công trình, phần việc thi đua chào mừng Đại hội, thưa ông?
+ Chào mừng đại hội MTTQ các cấp, từ tháng 10/2023 Ủy ban MTTQ tỉnh phát động phong trào thi đua với chủ đề “Đồng thuận cao, thi đua giỏi, về đích sớm”. Yêu cầu của cuộc thi đua phải được thể hiện bằng các công trình, phần việc cụ thể, rõ tên, rõ việc, rõ nội dung, có ý nghĩa thiết thực với từng cơ sở, địa bàn. Đồng thời kịp thời biểu dương các tập thể, cá nhân xuất sắc có sáng kiến, cách làm hay, mô hình mới, công trình tiêu biểu…
Theo đó, Ủy ban MTTQ tỉnh thực hiện 2 công trình, phần việc là: Hỗ trợ 200 nhà “Đại đoàn kết” cho hộ nghèo của tỉnh Điện Biên; đảm nhận giúp đỡ 246 hộ nghèo, giảm 1.532 hộ cận nghèo theo tiêu chí mới của tỉnh. Mỗi địa phương cấp huyện, cấp xã có ít nhất 1 công trình, phần việc thể hiện sự đổi mới, sáng tạo trong thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của MTTQ, đồng thời phù hợp với tình hình của mỗi địa phương, đáp ứng nhu cầu của người dân. Tiêu biểu như: Xây dựng nhà “Đại đoàn kết” cho hộ dân thuộc diện khó khăn; nâng cấp công trình điện, đường, trường, trạm; giúp đỡ các hộ khó khăn về vốn, giống sản xuất, tạo sinh kế…
Cách làm như vậy nhằm thiết thực tạo bầu không khí thi đua sôi nổi chào mừng đại hội MTTQ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu MTTQ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XII và Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029.
– Trân trọng cảm ơn ông!
Mô hình phó bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban MTTQ cấp xã ở những nơi nhất thể hóa chức danh bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã theo tinh thần Chỉ thị số 35-CT/TW (ngày 30/5/2019) của Bộ Chính trị, được triển khai mạnh mẽ từ khi BTV Tỉnh ủy ban hành Quy định số 2041-QĐ/TU (ngày 13/3/2020) về tổ chức và hoạt động của khối dân vận xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Đến nay mô hình được duy trì thực hiện tại 34/177 xã, phường, thị trấn, thể hiện nhiều ưu điểm, mang lại hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên qua hơn 3 năm thực hiện, mô hình được đánh giá có nhiều ưu điểm, mang lại hiệu quả, song vẫn còn những khó khăn.
Thường trực Tỉnh ủy vừa cho ý kiến về kết quả thực hiện một số mô hình thí điểm, trong đó có mô hình Phó Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ cấp xã. Thường trực Tỉnh ủy giao thường vụ cấp huyện căn cứ vào tình hình địa phương và thực trạng đội ngũ cán bộ để quyết định việc tiếp tục duy trì hay dừng mô hình này. Mục tiêu cao nhất là mang lại hiệu quả tốt nhất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
|