Ngày 12/2, sau phiên khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội tiến hành phiên thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Cho ý kiến tại phiên họp về nội dung này, đa số đại biểu tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật; góp phần đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện thể chế đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Dự thảo Luật đã cơ bản bám sát, thể chế hóa đầy đủ định hướng đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật theo Kết luận số 119-KL/TW ngày 20/01/2025 của Bộ Chính trị và yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng pháp luật. Bên cạnh đó, các ý kiến cũng đề nghị tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, nhất là với các dự án luật khác được Quốc hội xem xét, thông qua tại cùng Kỳ họp.
Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, cho rằng việc góp ý hoàn thiện dự thảo luật phải đảm bảo mục tiêu để luật khi ban hành phải rõ, dễ hiểu, dễ làm, dễ tổ chức, dễ triển khai, dễ thực hiện. Đại biểu đề nghị đối với quy định về việc tham vấn trong dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) phải quy định khung cụ thể, nên lấy ý kiến của ai để làm cho luật đi vào cuộc sống, khả thi. Đại biểu cũng đồng tình việc xây dựng luật theo hướng rút gọn thời gian ban hành được các văn bản quy phạm pháp luật khi có đề xuất của Chính phủ.
Đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, đại biểu cho rằng cần đổi mới cơ bản chức năng của Quốc hội trong việc ban hành luật. Bên cạnh đó, trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy cần có sự tham chiếu tính phù hợp qua các thời kỳ. Cần phải có sự xem xét kỹ lưỡng về vai trò, vị trí công việc và có sự đánh giá, tổng kết từ thực tiễn để thấy được sự cần thiết đối với mỗi vị trí. Đại biểu cũng đề nghị luật cần quy định rõ hơn vai trò của các đại biểu Quốc hội, nhất là Đại biểu Quốc hội chuyên trách.
Đại biểu Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh, cho rằng đối với nội dung các dự án luật cần đáp ứng yêu cầu cụ thể, chính xác khi sử dụng các thuật ngữ để đảm bảo tính bền vững, chi tiết của luật. Đối với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), đại biểu đồng tình theo hướng rút gọn thời gian để ban hành được các văn bản quy phạm pháp luật khi có đề xuất của Chính phủ. Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, đại biểu đồng tình với nội dung đưa ra trong dự thảo luật; đặc biệt trong bối cảnh thực hiện tinh gọn bộ máy như hiện nay.
Cho ý kiến đối với dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), đại biểu Phạm Đức Ấn, Chủ tịch UBND tỉnh, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh, đề nghị tại Điều 53, Khoản 3 quy định văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND, chính quyền địa phương, hành chính kinh tế đặc biệt không được quy định có hiệu lực trở về trước, không nên quy định cứng để đảm bảo yêu cầu triển khai các văn bản quy phạm pháp luật tại địa phương. Đại biểu cũng đề nghị xem xét tính liên kết, hệ thống của các văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo tính thực thi cũng như triển khai thực tế.
Cũng tại buổi thảo luận các đại biểu Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh và đại biểu Trần Thị Kim Nhung, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, đã tập trung cho ý kiến về một số nội dung trọng tâm như: Phản biện xã hội và tham vấn chính sách; quy trình xây dựng chính sách; việc xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền đối với các vấn đề lớn của dự thảo văn bản quy phạm pháp luật…