Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng nếu giải ngân tốt các nội dung của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sẽ có tác dụng rất lớn thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước.
Thực hiện đồng bộ chính sách tài khóa, tiền tệ; giảm lãi suất, kích cầu tiêu dùng; tăng cường các giải pháp bảo đảm và tháo gỡ vướng mắc về tín dụng tại các địa phương… là những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm trong phiên thảo luận sáng 1/11 diễn ra tại Hội trường Quốc hội.
Giảm lãi suất, kích cầu tiêu dùng
Đề cập về chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa-Vũng Tàu) cơ bản thống nhất việc đề nghị Quốc hội kéo dài thời gian giải ngân vốn đầu tư phát triển bố trí cho các dự án đầu tư của Chương trình đến hết năm 2024.
Đại biểu cho rằng nếu giải ngân tốt các nội dung của Chương trình sẽ có tác dụng rất lớn thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, việc giải ngân vốn của Chương trình còn khá chậm, đến ngày 30/9 mới đạt 28,9% kế hoạch vốn được giao.
Về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hỗ trợ kinh doanh lãi suất 2%/năm tối đa 40.000 tỉ thông qua hệ thống ngân hàng thương mại nhưng hiện đang bị tắc, bị chậm, gặp vướng mắc, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị Chính phủ hết sức quan tâm, tháo gỡ để thực hiện chính sách này; đồng thời cần làm rõ trách nhiệm trong việc triển khai kết quả thực hiện còn hạn chế.
Về tình hình hoạt động của doanh nghiệp và việc làm cho người lao động, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng cho biết, bình quân tháng có 15.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong khi số doanh nghiệp mới thành lập có số có xu hướng giảm về số vốn đăng ký và lao động.
Số lao động mất việc làm, giảm giờ làm, rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng cục bộ, lao động khu vực phi chính thức còn lớn, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên theo báo cáo của Chính phủ còn khá cao.
Do đó, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị Chính phủ đánh giá sát tình hình này kịp thời, quan tâm có giải pháp chấn chỉnh tình trạng doanh nghiệp giải thể, phá sản, rút lui khỏi thị trường và có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động hiệu quả hơn.
Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng mặc dù kinh tế Việt Nam đã có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn còn nhiều khó khăn để thúc đẩy hướng tới thực hiện tối đa mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 đã được Quốc hội thông qua.
Đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị Chính phủ thực hiện đồng bộ chính sách tài khóa và tiền tệ, trong đó hoàn thuế VAT để giải phóng và khơi thông nguồn vốn bị tồn đọng, tạo thanh khoản cho doanh nghiệp thực thi chính sách tín dụng phù hợp với đặc điểm sản xuất kinh doanh và nhu cầu của từng ngành, từng lĩnh vực.
Đồng thời, xác định các ngành, lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu chủ lực của nền kinh tế, các doanh nghiệp đã khẳng định được thương hiệu để được hưởng gói tín dụng ưu đãi; tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm chi phí, hạn chế kiểm tra, thanh tra gây khó, nhũng nhiễu doanh nghiệp không ban hành thêm văn bản gây nặng nề về thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp.
Đại biểu đề nghị khẩn trương thực hiện hiệu quả các giải pháp kích cầu bằng cách hỗ trợ trực tiếp cho người dân trong tiêu dùng để tăng sức mua, giảm giá hàng hóa tiêu dùng, giảm lãi suất, giảm thuế Thu nhập cá nhân và thuế Thu nhập doanh nghiệp; tăng cho vay tiêu dùng; đồng thời giãn khoanh nợ, tăng hỗ trợ sinh xã hội, đơn giản hóa các thủ tục trợ cấp cho người nghèo.
Trả lời các đại biểu Quốc hội về tổng quan điều hành công tác chính sách tiền tệ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, năm 2023 tiếp tục là một năm đầy khó khăn, thách thức về kinh tế. Thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường, thách thức nhiều hơn dự báo và hết khó khăn này thì lại đến khó khăn khác. Trong nước, những khó khăn nội tại của nền kinh tế cũng chưa thể xử lý trong một thời gian ngắn.
Bởi vậy, đây là những vấn đề tạo áp lực đối với điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đặc biệt, khi chính sách tiền tệ phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ như: kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, giảm mặt bằng lãi suất ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng trong mọi tình huống.
Trước bối cảnh khó khăn và nhiệm vụ nêu trên, Ngân hàng Nhà nước đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và bám sát diễn biến tình hình để chủ động tâm thế ứng phó, linh hoạt; thực hiện đồng bộ các giải pháp và công cụ chính sách tiền tệ với thời điểm, liều lượng hợp lý để mà đóng góp vào thành công chung của nền kinh tế, đó là kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.
Khi thiết kế các chính sách điều hành tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước đã luôn quán triệt chỉ đạo tại Nghị quyết của Chính phủ, đó là: các chính sách cần phải ứng phó với những diễn biến cấp bách trước mắt nhưng cũng phải thực hiện những nhiệm vụ, những giải pháp căn cơ về trung và dài hạn. Có như vậy, chúng ta mới hướng đến để đảm bảo cân đối vĩ mô một cách bền vững.
Tăng cường các giải pháp bảo đảm và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng
Về điều hành tín dụng, tiếp cận tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, đây không chỉ là vấn đề quan tâm ở kỳ họp này, vấn đề tiếp cận tín dụng là một vấn đề quan tâm ở nhiều kỳ họp Quốc hội.
Đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm là 14%, đến gần giữa năm đã phân bổ và thông báo cho tất cả các tổ chức tín dụng trong toàn hệ thống với chỉ tiêu khoảng 14%,; đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành linh hoạt để hỗ trợ thanh khoản của hệ thống, để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng thúc đẩy tăng nguồn cung tín dụng cho nền kinh tế.
Bà Nguyễn Thị Hồng cho biết mặc dù lãi suất thế giới tăng cao nhưng Ngân hàng Nhà nước đã rất mạnh dạn điều chỉnh 4 lần giảm lãi suất điều hành để định hướng, đưa mặt bằng lãi suất của các khoản cho vay mới giảm khoảng 2% so với cuối năm ngoái. Nếu tính cả những khoản dư nợ của các khoản cho vay cũ và vay mới thì giảm khoảng 1% so với cuối năm ngoái; so với trước đại dịch COVID-19 đã trở về bằng, thậm chí giảm hơn khoảng 0,3%.
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cũng như chủ động đề xuất các gói tín dụng, như gói 120.000 tỷ đồng tín dụng cho vay đối với nhà ở cho người có thu nhập thấp và công nhân, gói tín dụng cho thủy sản 15.000 tỷ đồng.
“Tất cả những giải pháp này đã góp phần thúc đẩy cầu tín dụng,” Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhấn mạnh.
Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều hội nghị kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp để có thể tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về tín dụng tại các địa phương. Tuy nhiên, tín dụng vẫn tăng chậm, cập nhật đến 27/10, tín dụng tăng 7,1% so với cuối năm ngoái. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức rất nhiều hội nghị chuyên đề để phân tích, mổ xẻ những nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng tín dụng thấp.
Hiện nay, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, các ngành cùng Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện đồng bộ các giải pháp song song với những giải pháp từ phía ngành Ngân hàng. Đó là xúc tiến thương mại để tăng đơn hàng xuất khẩu và tăng cường khai thác cầu nội địa để doanh nghiệp có đầu ra, có dự án khả thi sẽ tiếp cận được tín dụng.
Thủ tướng Chính phủ đã thành lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho bất động sản. Tổ công tác, Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh đã nhận diện được khoảng 70% nguyên nhân dẫn đến những khó khăn đó là về pháp lý.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết hiện nay, các bộ, các ngành và các địa phương đang quyết liệt để thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn này. Khi những yếu tố về pháp lý được tháo gỡ, chắc chắn tín dụng sẽ được tăng theo quá trình này. Đối với đặc thù là doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam chiếm đến 95% tổng số doanh nghiệp trong cả nước.
Những doanh nghiệp nhỏ và vừa này cũng khó khăn trong cạnh tranh cũng như tiềm lực tài chính, cho nên, Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần có kiến nghị là phải tăng cường các giải pháp như bảo lãnh, vay vốn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Có như vậy, mới có thể đồng hành và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng./.