Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy có ý kiến nhất trí chuyển phân bón từ diện không chịu thuế sang áp dụng thuế suất 5% trong khi có ý kiến đề nghị giữ như quy định hiện hành.
Sáng 29/10, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại khi đánh thuế 5% đối với mặt hàng phân bón sẽ làm tăng mặt bằng giá phân bón trên thị trường và người nông dân sẽ phải chịu tác động trực tiếp, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm nông nghiệp.
Lo ngại tăng giá thành sản xuất nông nghiệp
Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy có ý kiến nhất trí với dự thảo Luật của Chính phủ, chuyển phân bón từ diện không chịu thuế sang áp dụng thuế suất 5%. Có ý kiến khác đề nghị giữ như quy định hiện hành.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng thuế giá trị gia tăng đối với phân bón được sửa đổi từ năm 2014 tại Luật Thuế giá trị gia tăng số 71/2014/QH13, chuyển từ diện đang chịu thuế suất 5% sang diện không chịu thuế.
Chính sách này đã gây ảnh hưởng bất lợi rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước suốt thời gian vừa qua, vì thuế giá trị gia tăng đầu vào của các doanh nghiệp này không được khấu trừ, phải hạch toán vào chi phí, bao gồm cả thuế đầu vào rất lớn đối với đầu tư, mua sắm tài sản cố định, làm giá thành sản xuất trong nước tăng cao, không thể cạnh tranh với nhập khẩu.
Ngược lại, phân bón nhập khẩu được hưởng lợi do đang chịu thuế 5% được chuyển sang không chịu thuế và vẫn được hoàn toàn bộ thuế giá trị gia tăng đầu vào.
Cũng có ý kiến lo ngại khi chuyển phân bón sang chịu thuế 5% thì người nông dân sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp, nếu các doanh nghiệp trong nước cấu kết với tư thương bán hàng nhập khẩu, nâng giá bán gồm cả phần thuế giá trị gia tăng phải nộp làm tăng mặt bằng giá phân bón, dẫn đến tăng giá thành sản xuất nông nghiệp.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh, phân bón hiện là mặt hàng được nhà nước bình ổn giá, vì vậy các cơ quan quản lý chức năng có thể sử dụng các biện pháp quản lý thị trường, xử lý nghiêm các trường hợp doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước lợi dụng chính sách mới ban hành, cấu kết với tư thương để có các hành vi trục lợi, gây biến động lớn về giá trên thị trường, làm ảnh hưởng đến khu vực nông nghiệp.
Do đó, để xử lý những bất cập trong chính sách đối với ngành sản xuất phân bón thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được giữ như dự thảo Luật đã được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.
Nhận định không áp dụng thuế giá trị gia tăng 5% đối với phân bón có thể mang lại nhiều lợi ích cho nông dân, đặc biệt là những người sản xuất quy mô nhỏ lẻ, thường phải đối với mặt với những khó khăn từ biến động giá cả thị trường, thời tiết khắc nghiệt, chi phí đầu vào ngày càng tăng, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) phân tích phân bón chiếm một phần lớn trong chi phí sản xuất của nông dân. Việc không áp dụng thuế VAT 5% sẽ giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho họ. Điều này không chỉ giúp tăng thu nhập cho nông dân mà còn giúp họ có điều kiện tái đầu tư sản xuất, cải thiện năng suất và chất lượng nông sản.
Ông cũng cho rằng trong bối cảnh nông nghiệp vẫn là ngành xương sống của nền kinh tế Việt Nam, việc đưa ra các chính sách hỗ trợ ngành này là cần thiết. Nếu áp dụng thuế VAT 5% đối với phân bón, chi phí sản xuất sẽ tăng, dẫn đến giá thành nông sản tăng, có thể giảm khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam, không chỉ ảnh hưởng đến nông dân mà còn tác động tiêu cực đến người tiêu dùng.
Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc và chuyển mặt hàng phân bón sang đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, đại biểu Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) lý giải việc áp dụng thuế 5% đối với phân bón chắc chắn sẽ làm tăng giá phân bón trên thị trường và điều này sẽ tác động không nhỏ đến ngành nông nghiệp và người nông dân.
Trong khi đó, ngành nông nghiệp của nước ta hiện vẫn còn bấp bênh, thiếu bền vững, đầu ra sản phẩm nông nghiệp vẫn còn cạnh tranh khó khăn với các sản phẩm nước ngoài.
Chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp nhập khẩu
Ở chiều ngược lại, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) tranh luận áp mức thuế suất 5%, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước sẽ được khấu trừ giá đầu vào, quy định này chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp nhập khẩu.
Còn theo phân tích của đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh), áp mức thuế giá trị gia tăng 5% “không chỉ có lợi cho doanh nghiệp mà cả nông dân.”
Ông đề nghị “phân tích vấn đề rộng ra,” quan tâm đến nông dân nhưng cũng “đừng quên doanh nghiệp là nơi hàng triệu công nhân đang làm việc nếu họ không sống được, họ phá sản thì các công nhân sẽ như thế nào?”.
“Khi chúng ta tự lực, tự chủ, tự cường được nhiều lĩnh vực thì Chính phủ sẽ chi phối được và sẽ áp dụng các biện pháp để giảm gánh nặng cho người tiêu dùng,” đại biểu nói.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng trước mắt, người nông dân có thể chịu thiệt nhưng sản xuất trong nước sẽ được đảm bảo tốt hơn, nguồn cung trong nước được đẩy mạnh, không bị phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu, không lo đứt gãy chuỗi cung ứng.
Tham gia tranh luận và làm rõ thêm, đại biểu Nguyễn Vân Chi (Nghệ An) cho hay sản phẩm này không chịu thuế nên doanh nghiệp trong nước không được khấu trừ thuế đầu vào, cộng tất cả các chi phí nên giá thành rất cao. Tuy nhiên, với phân bón nhập khẩu, doanh nghiệp khi xuất khẩu sang Việt Nam vẫn được khấu trừ thuế đầu vào nên được lợi hơn.
“Chúng ta đã phân biệt đối xử giữa phân bón sản xuất trong nước và phân bón nhập khẩu bằng cơ chế không chịu thuế… Với việc chuyển sang áp dụng thuế 5% không có nghĩa là mặt bằng giá sẽ tăng 5% vì các doanh nghiệp phân bón trong nước có dư địa để giảm giá khi họ được khấu trừ thuế đầu vào, hoặc nhiều trường hợp sẽ được hoàn thuế. Cho nên mặt bằng sẽ giảm giá. Vì vậy không thể nói người nông dân hay khu vực nông nghiệp bị ảnh hưởng,” Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Vân Chi nói.
Bà đặt câu hỏi “Việt Nam là một nước nông nghiệp, chúng ta cần phải có sự ổn định dựa vào sản xuất phân bón trong nước, hay chúng ta muốn nền nông nghiệp của chúng ta dựa chủ yếu vào phân bón nhập khẩu?.”
Cuối buổi, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã có giải trình thêm về nội dung này. Theo Phó Thủ tướng, giá phân bón không chỉ phụ thuộc vào thuế tăng hay giảm mà còn phụ thuộc vào giá thành sản xuất, cung cầu thị trường. Khi đưa thuế vào, sẽ chủ yếu tăng giá phân bón nhập khẩu, doanh nghiệp trong nước có lợi rất lớn, có điều kiện để áp dụng công nghệ hiện đại, giảm giá thành sản phẩm, giảm được giá bán cho nông dân./.