Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) kiến nghị việc giảm thuế VAT nên áp dụng cho tất cả các mặt hàng, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, không nên hạ chuẩn điều kiện cho vay.
Phát biểu thảo luận tại phiên họp của Quốc hội sáng 2/11, đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ đồng tình với những đánh giá của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch tài chính 2021-2025, cũng như kế hoạch đầu tư công trung hạn và những thẩm định khách quan, khoa học của Ủy ban Tài chính, Ngân sách.
Đại biểu đánh giá, theo Nghị quyết 43 của Quốc hội, đã miễn giảm thuế, phí trong 3 năm qua là hơn 60 nghìn tỷ đồng và gia hạn các loại thuế, tiền thuê đất là trên 110 nghìn tỷ đồng. Nhờ những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của Chính phủ, ngành tài chính để chống thất thu thuế ở một số lĩnh vực, cũng như thu thuế thêm một số lĩnh vực như thương mại điện tử… cho nên thu ngân sách trong 3 năm qua mặc dù bối cảnh khó khăn nhưng lúc nào cũng vượt dự toán.
Với nỗ lực của ngành tài chính, nợ công của Việt Nam giảm thấp so với trần quy định 60% GDP, với mức hiện nay chỉ 38% GDP. Theo đại biểu, điều này giúp có dư địa để nới lỏng chính sách tài khóa tiền tệ trong thời gian tới.
Đại biểu cũng nêu rõ, kế hoạch kinh tế-xã hội đã thông qua tăng trưởng năm 2021-2025 là 6,5% đến 7% và hướng đến vượt qua mức thu nhập trung bình thấp là 5.000 USD bình quân đầu người. Nỗ lực đó nếu không có những chính sách mới quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn thì khó đạt được.
Do vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục miễn giảm thuế, phí trong thời gian tới với liều lượng cao hơn, đối tượng mở rộng hơn. Cụ thể, việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) nên áp dụng cho tất cả các mặt hàng.
Bên cạnh đó, cần rà soát các khoản chi trong Nghị quyết 43 để chuyển nguồn, chuyển đối tượng, như kế hoạch chi 14 nghìn tỷ đồng cho ngành y tế hiện nay chưa chi, đại biểu đề nghị tiếp tục triển khai cho lĩnh vực y tế.
Số tiền 40 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp thông qua ngân hàng thương mại hiện nay chỉ mới giải ngân được khoảng 1.000 tỷ, còn 39.000 tỷ đại biểu kiến nghị nên bổ sung vào Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa để các doanh nghiệp này có thể tiếp cận nguồn vốn của của ngân hàng, không nên hạ chuẩn điều kiện cho vay.
Cùng với đó, đại biểu cho rằng, số tiền còn lại trong khoản hỗ trợ tiền thuê nhà chưa giải ngân hết là 2.920 tỷ đồng, cần tiếp tục chi theo danh mục mà Chính phủ đã đề nghị cho các bệnh viện theo Tờ trình của Chính phủ.
Đại biểu kiến nghị nên kéo dài thời gian thực hiện các dự án đầu tư phát triển theo Nghị quyết 43, dự kiến đầu tư 113.550 tỷ đồng, đồng thời, cần chuyển nguồn khoảng 13.796 tỷ đồng của 3 dự án cao tốc quan trọng quốc gia mà Quốc hội đã cho ý kiến chủ trương đầu tư, như cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng, cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, Khánh Hòa-Buôn Mê Thuột.
Ngoài ra, đại biểu cho rằng cần tái cấp vốn, bảo lãnh trái phiếu trong nước để giúp ngân hàng chính sách xã hội có điều kiện mở rộng tín dụng cho các đối tượng yếu thế, người nghèo, người mất việc làm có thêm việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.
Khơi thông những ách tắc, tồn đọng trong hoàn thuế giá trị gia tăng
Bày tỏ đồng tình với các ý kiến về vấn đề hoàn thuế VAT, từ kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Ninh, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh cho biết, thời gian qua, nổi lên vấn đề về ách tắc, tồn đọng hoàn thuế VAT, khiến các doanh nghiệp và một số hiệp hội ngành hàng gửi đơn kiến nghị, kêu cứu. Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã được giao thực hiện giám sát chuyên đề về vấn đề này.
Đồng tình cao với đánh giá và kiến nghị trong báo cáo của giám sát chuyên đề trên, đại biểu cho biết, báo cáo giám sát đã nêu rõ, những ách tắc mang tính hệ thống trong khâu hoàn thuế đối với một số ngành hàng xuất khẩu xuất phát từ những văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của Tổng cục Thuế có những điểm chưa phù hợp, thiếu cơ sở pháp lý vững chắc, thiếu tính khả thi, thiếu sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan.
Đại biểu lấy thí dụ, với nhóm mặt hàng ngành gỗ, Tổng cục Thuế hướng dẫn các cục thuế thực hiện rà soát, xác minh qua các khâu mua hàng đến khâu thu mua là quá mức cần thiết, bởi theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng, thuế VAT chỉ phát sinh và phải nộp từ khâu chế biến có hóa đơn VAT. Việc yêu cầu xác minh ở nhiều khâu là không cần thiết, không có cơ sở, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Những quy định bất cập của ngành thuế đã khiến các doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề do đứt gãy của dòng tiền hoàn thuế VAT. Theo báo cáo tổng hợp, từ năm 2021 đến tháng 9/2023 của Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, số tiền thuế giá trị gia tăng của doanh nghiệp chế biến xuất khẩu chưa được hoàn đến nay là 6.100 tỷ đồng. Qua chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ đến nay mới vào được gần 2.000 tỷ đồng.
Theo báo cáo của ngành thuế đối với lĩnh vực gỗ và các sản phẩm gỗ, hồ sơ tồn chưa giải quyết hoàn thuế của năm 2022 và nửa đầu năm 2023 là 149 hồ sơ, chỉ xấp xỉ 9% tổng số hồ sơ đề nghị.
Nhưng trên thực tế, con số này cao hơn rất nhiều vì các doanh nghiệp hiện nay vốn đọng vào tiền hoàn thuế VAT còn cao hơn, bởi nhiều doanh nghiệp vì nộp hồ sơ hoàn thuế lần đầu vướng mắc và chờ kết quả điều tra quá lâu nên chưa nộp hồ sơ tiếp theo.
Đại biểu nêu thực trạng, đã có những doanh nghiệp phải đóng cửa; máy móc, trang thiết bị đầu tư nhiều tỷ phải phủ bạt để không; đơn hàng bị hủy bỏ; nợ quá hạn tại ngân hàng phát sinh. Người lao động mất việc làm, giá nguyên liệu đầu vào thấp, người dân bị thiệt hại, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước.
Để giải quyết dứt điểm và hiệu quả tình trạng này, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo khẩn trương, rà soát, cải cách, tinh gọn các thủ tục hành chính.
Bộ Tài chính cần chỉ đạo, rà soát, tháo gỡ vướng mắc từ các văn bản chuyên ngành, khẩn trương giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, thực hiện hoàn trước, kiểm sau với các doanh nghiệp xuất khẩu có uy tín, có chất lượng, chấp nhận tính pháp lý của tờ khai hải quan.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp khẳng định có phải xác định nguồn gốc gỗ sản phẩm từ rừng trồng, hồ sơ, bảo đảm thủ tục hướng dẫn đồng bộ, thống nhất.
Cần các giải pháp phát triển khu vực kinh tế tư nhân
Nhất trí với các giải pháp mà Chính phủ đề ra, đại biểu Khương Thị Mai (Nam Định) nhấn mạnh việc cần thiết phải cơ cấu lại nền kinh tế, chính sách tài khóa kết hợp chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để phát triển kinh tế tư nhân, khu vực đóng vai trò then chốt của nền kinh tế.
Đại biểu cho biết, ước thực hiện năm 2023, hiện nay có 928 nghìn doanh nghiệp, trong đó 95% doanh nghiệp là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp nhỏ năng lực công nghệ hạn chế, dù tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu nhưng tạo ra giá trị thấp.
Doanh nghiệp hiện cũng gặp một số khó khăn như nhu cầu trong nước và quốc tế thấp; khả năng cạnh tranh của hàng hóa thấp; lãi suất tiền vay vẫn còn cao; mâu thuẫn chồng chéo giữa một số văn bản quy phạm pháp luật; việc thực thi quy định mới liên quan đến giảm phát thải trong nước và quốc tế…
Để đạt mục tiêu đến năm 2025 có 1,5 triệu doanh nghiệp, trong đó có 60-70% doanh nghiệp lớn và vừa, đại biểu Khương Thị Mai đề nghị cần cải cách thủ tục hành chính, ổn định môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền.
Ngoài ra, cần rà soát, thu gọn chính sách hỗ trợ dễ thực hiện, có tính khả thi, chính sách phải đủ lớn, đủ hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp vừa phát triển thành tập đoàn kinh tế tư nhân lớn mạnh, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, làm nòng cốt, dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước, làm đối tác ngang tầm với doanh nghiệp lớn nước ngoài, tạo nên thương hiệu Việt với tầm nhìn toàn cầu. Đại biểu cũng đề nghị có nghị quyết riêng để phát triển doanh nghiệp Việt.
Đại biểu Khương Thị Mai cũng đề nghị cần nghiên cứu ban hành chính sách thuế, thực hiện hiệu quả các giải pháp chống thất thu, gian lận thương mại, có chính sách thúc đẩy cơ sở sản xuất kinh doanh phát triển thành doanh nghiệp.
Đại biểu đề nghị Chính phủ có chính sách tổng thể nâng cao năng suất lao động quốc gia gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng các ngành có giá trị cao, sử dụng cộng nghệ cao; có chính sách để doanh nghiệp tham gia trong quá trình đào tạo.
Đối với những vấn đề mới như chuyển đổi xanh, giảm phát thải, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan thiết lập chuyên trang thông tin, giao ban định kỳ với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp trong nước sớm định hướng, tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức.