Sáng nay (ngày 21/5), 23 Đại biểu Quốc hội đã tham gia thảo luận, góp ý ở hội trường về một số vấn đề “nóng,” còn gây nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đường bộ.
Sáng nay (21/5), buổi làm việc thứ hai của kỳ họp 7, Quốc hội khóa XV đã ghi nhận 23 ý kiến thảo luận, góp ý ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đường bộ…
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết dự án Luật Đường bộ là dự án luật được Quốc hội, Chính phủ tích cực chuẩn bị công phu trong thời gian dài. Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã tổ chức nghiên cứu kỹ lưỡng để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, báo cáo làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, tiếp thu ý kiến của các Đoàn Đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, các cơ quan hữu quan theo quy định.
“Mở lối” dịch vụ chia sẻ chuyến xe, hạn chế “xe dù, bến cóc”
Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên) cơ bản đồng tình với dự thảo Luật Đường bộ trình ra Quốc hội lần này. Quan tâm đến khoản 10 Điều 56, dự thảo Luật quy định đối với loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký hợp đồng vận tải hành khách với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe, nghĩa là mỗi chuyến xe hợp đồng chỉ được chở một hành khách hoặc một nhóm khách duy nhất, đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng việc Ban soạn thảo đưa ra quy định này nhằm ngăn chặn tình trạng núp dưới bóng xe hợp đồng để kinh doanh vận tải hành khách liên tỉnh theo tuyến cố định. Tuy nhiên, điều này lại đang vô tình hạn chế một loại hình vận tải hành khách phổ biến ở nhiều quốc gia khác, đó là mô hình chia sẻ chuyến xe hợp đồng dưới 10 chỗ thông qua các nền tảng gọi xe trực tuyến.
Đại biểu Tạ Thị Yên nhận thấy: “Mô hình này mang lại nhiều lợi ích cho xã hội, vì có thể tối đa hóa số lượng người di chuyển trong một chuyến đi, do đó, sẽ giúp giảm đáng kể lưu lượng xe lưu thông trên đường và giải quyết phần nào tình trạng tắc nghẽn giao thông.”
Đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo và Cơ quan chủ trì thẩm tra rà soát và điều chỉnh khoản 10 Điều 56 theo hướng vừa kiểm soát tình trạng “xe dù, bến cóc,” nhưng vẫn tạo điều kiện cho dịch vụ chia sẻ chuyến xe dưới 10 chỗ được hoạt động.
Bà Yên cho rằng đây cũng là cách thiết thực để thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc dần tiến tới hạn chế phương tiện cá nhân, phát triển vận tải hành khách công cộng, giảm thiểu khí thải nhà kính, sử dụng hợp lý, có hiệu quả các nguồn lực của xã hội để phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Ý kiến về các vấn đề quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch về kết cấu hạ tầng đường bộ và hệ thống đường địa phương, đường đô thị, đại biểu Lã Thanh Tân (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng) cho rằng hiện nay vấn đề giao thông đô thị ở các địa phương đang phát sinh nhiều bất cập.
Do đó, “cần bổ sung quy định về tỷ lệ đất tối thiểu dành cho giao thông đường bộ tại các đô thị, bao gồm đất dành cho xây dựng đường, vỉa hè, bến xe khách, điểm đỗ dừng đón, trạm trả khách cho xe bus…,” đại biểu đề xuất.
Về hoạt động vận tải đường bộ, quy định tại khoản 5 Điều 56 về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của dự thảo, theo ông Tân là chưa đầy đủ. Đại biểu đề nghị xem xét, chỉnh lý quy định hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là hoạt động do tổ chức, cá nhân sử dụng ô tô để vận chuyển hàng hóa, hành khách cho người có nhu cầu vận chuyển hàng hóa hoặc có nhu cầu đi lại có thu tiền cước vận tải, kinh doanh vận tải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, giao Chính phủ quy định cụ thể điều này.
Đề nghị bổ sung thêm “đường tốc độ cao”
Góp ý vào dự án Luật này, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định) quan tâm đến Điều 10 quy định cấp kỹ thuật của đường bộ. Theo đó, tại khoản 2 Điều 10, đại biểu cho rằng, đường tốc độ cao khác với đường cao tốc vì có thể không có dải phân cách, không có đường lánh nạn, tổ chức giao thông giống như đường quốc lộ. Đường tốc độ cao cũng khác với đường quốc lộ là không có dân cư hai bên.
Ông Cảnh đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung thêm “đường tốc độ cao” để bao quát hết các loại đường và tổ chức giao thông cho phù hợp đối với đường cao tốc, đường tốc độ cao và đường quốc lộ.
Về Điều 11, đại biểu bày tỏ thống nhất với việc đặt tên, đổi tên và số hiệu đường bộ với các quy định trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, đối với đường cao tốc sử dụng nhiều, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị cần quy định cách đặt tên đường cao tốc sao cho khoa học để người tham gia giao thông thuận tiện cho việc đi lại. Bên cạnh đó, đường cao tốc ở địa phương nối vào đường cao tốc chính thì cần thêm các kí tự “a, b, c, d…,” và biển chỉ dẫn trên các tuyến đường cao tốc cũng cần được quy định rõ ràng.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Huế (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn) ghi nhận dự thảo Luật trình lần này có nhiều tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung phù hợp. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu đề nghị một số nội dung.
Về các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu đề nghị bổ sung hành vi lập chốt thu phí sử dụng đường bộ trái pháp luật. Đại biểu lý giải cho đề xuất này là trước thực tiễn đã xảy ra nhiều trường hợp người dân tự ý lập chốt thu phí. Mặt khác, theo Nghị định 100/2029/NĐ-CP có quy định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xây dựng hoặc thành lập trạm thu phí đường bộ khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước đồng ý. Do đó, việc bổ sung hành vi này vào điều cấm là phù hợp.
Về việc sử dụng đất hành lang an toàn đường bộ (Điều 16), đại biểu Nguyễn Thị Huế cho biết, thực tiễn quản lý đất hành lang an toàn đường bộ đối với đất chưa thu hồi gặp rất nhiều khó khăn. Để thuận lợi, rõ ràng và minh bạch trong quá trình áp dụng, đại biểu đề nghị nghiên cứu, bổ sung cụ thể trong dự thảo Luật phạm vi người sử dụng được thực hiện hay không được thực hiện liên quan đến hành lang an toàn đường bộ chưa được Nhà nước thu hồi đất.
Quy định trách nhiệm giải phóng mặt bằng
Đánh giá các nội dung của dự thảo Luật cơ bản có tính chất tĩnh, không trùng lặp với dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tuy nhiên để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật và tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc do chưa có quy định xử lý liên quan đến thực trạng tại các trạm thu phí đã ngừng hoạt động mà không chịu tháo dỡ, đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết thực tế ở khu vực có trạm thu phí đã dừng hoạt động gây bất tiện trong lưu thông, làm cản trở giao thông cho người qua lại.
Đại biểu Phúc cho biết mặc dù cử tri đã kiến nghị, phản ánh rất nhiều lần nhưng thực trạng vẫn vậy. Đáng chú ý, đã có những vụ tai nạn giao thông xảy ra ở những khu vực này do chưa có quy định chế tài về trách nhiệm. Mọi thiệt hại nếu xảy ra đều thuộc về người dân và người tham gia giao thông.
Vì vậy, đại biểu Phúc đề nghị trong dự thảo Luật Đường bộ lần này, cần bổ sung quy định về trách nhiệm tháo dỡ, trả lại mặt bằng đối với các trạm thu phí đã dừng hoạt động, góp phần đảm bảo an toàn giao thông trong thời gian tới.
Trong khi đó, đại biểu Lê Xuân Thân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa) cũng đề nghị ưu tiên mọi nguồn lực nhằm thi công nhanh nhất để trả lại mặt bằng cho giao thông công cộng tại Điều 32 của dự thảo luật. Bởi thực tế cho thấy, bụi, ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông công cộng gây ra nhiều hệ lụy khi triển khai thi công các công trình đường bộ./.
Dự thảo Luật Đường bộ trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 7 có 86 điều, giảm 06 điều so với dự thảo Luật Chính phủ trình; đã chỉnh sửa nội dung 82 Điều, bỏ 07 Điều, đồng thời gom nội dung một số điều để xây dựng thành điều mới, sắp xếp lại vị trí 03 Điều.