Dưới thời ông Donald Trump sẽ có nhiều thay đổi trong chính sách của Mỹ, qua đó tác động mạnh tới thế giới. Các chuyên gia đưa dự báo bất ngờ ngay sau những tín hiệu “đại bàng” lớn đổ về Việt Nam.
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) vừa đưa ra dự báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức 6,6% trong năm 2025, cao hơn khá nhiều so với dự báo 6,2% trước đó. Với năm 2024, ADB ước tính Việt Nam tăng 6,4% thay vì 6%.
Ngân hàng UOB dự báo, tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 6,6% năm 2025 và duy trì dự báo năm 2024 là 6,4%. Còn HSBC vẫn giữ dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 và 2025 ở mức 6,5%. Ngân hàng Thế giới (WB) nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 từ mức 5,5% lên 6,1%. Việt Nam đặt mục tiêu là 6,5-7% năm 2024 và nỗ lực đạt 7-7,5% năm 2025.
Sở dĩ có sự điều chỉnh tăng như vậy là do ADB đánh giá, hoạt động thương mại của Việt Nam sẽ mạnh hơn dự kiến, sản xuất chế biến chế tạo hàng xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ và Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ tài khóa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
ADB cũng tin rằng, trong bối cảnh các khó khăn bên ngoài gia tăng, thế giới đầy bất định, Việt Nam đẩy mạnh đầu tư công và chính sách hỗ trợ tài khóa và tiền tệ là các biện pháp cần thiết để kích thích hơn nữa cầu nội địa.
Dự báo của ADB được đưa ra trong bối cảnh gần đây các tập đoàn hàng đầu thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, đổ về Việt Nam. Tập đoàn chip lớn nhất thế giới Nvidia của tỷ phú Jensen Huang vừa sang Việt Nam với kế hoạch xây dựng trung tâm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) thứ 3 trên thế giới, sau Mỹ và Đài Loan (Trung Quốc).
Tỷ phú Jensen Huang đã có những chia sẻ về “ngôi nhà thứ 2 của Nvidia” và tin Việt Nam sở hữu siêu năng lực đặc biệt, có nhiều lợi thế. Trong đó, “siêu năng lực” lớn nhất chính là giá trị gia đình và sự coi trọng giáo dục.
Theo ông Huang, người Việt Nam có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực STEM, đặc biệt là toán học và khoa học. Qua đó, giúp Việt Nam trở thành nhà cung cấp kỹ sư phần mềm lớn thứ hai thế giới.
Google cũng chọn Việt Nam là nơi mở rộng chiến lược. Đây là cơ hội giúp Việt Nam có thể định hình lại nền kinh tế và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Tuần trước, Google xác nhận thành lập Google Việt Nam và sẽ đi vào hoạt động từ năm 2025, trực tiếp quản lý hoạt động liên quan đến quảng cáo Google Ads và các sản phẩm khác của Google tại Việt Nam. Công ty đang tuyển dụng nhiều vị trí công việc liên quan đến Google Cloud, ứng dụng và game.
Trước đó, vào tháng 11, Foxconn, một nhà cung ứng của Apple, công bố khoản đầu tư 80 triệu USD vào hoạt động sản xuất chip tại tỉnh Bắc Giang, còn Meta của tỷ phú Mark Zuckerberg có kế hoạch mở rộng sản xuất thiết bị thực tế ảo.
SpaceX của tỷ phú Elon Musk cũng lộ ý định đầu tư 1,5 tỷ USD vào Việt Nam. Trong khi Tập đoàn Trump Organization sẽ đầu tư khoản tiền tương tự vào Hưng Yên.
Như vậy, thay vì chỉ hút tiền vào hoạt động sản xuất lắp ráp như nhiều năm trước, gần đây, Việt Nam có tín hiệu hút được dòng vốn quan trọng từ các ông lớn công nghệ. Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang nhanh chóng trở thành một phần quan trọng của thế giới công nghệ toàn cầu.
Xu hướng này càng rõ rệt hơn trong bối cảnh nước Mỹ sắp có tổng thống mới. Ông Donald Trump có khả năng thay đổi nhiều về chính sách, tác động ảnh hưởng mạnh các quan hệ kinh tế trên thế giới.
Gần đây, rất nhiều tập đoàn lo lắng về việc dịch chuyển hoạt động trước khả năng ông Trump sẽ tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ, tương tự và thậm chí có thể mạnh hơn so với cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung năm 2018.
Song song với cuộc chiến thương mại, một cuộc chiến về công nghệ cũng có thể bùng nổ như trong nhiệm kỳ 1 của ông Trump.
Trung Quốc cũng có những động thái chuẩn bị cho cuộc chiến này. Hôm 10/12, Trung Quốc cho biết đã mở cuộc điều tra đối với Nvidia về nghi ngờ vi phạm luật chống độc quyền của nước này. Đây được xem là đòn trả đũa đối với các biện pháp hạn chế mới nhất của Mỹ đối với ngành chip của Trung Quốc.
Nvidia từng thống trị thị trường chip AI của Trung Quốc với hơn 90% thị phần. Gần đây, doanh thu từ thị trường tỷ dân này có xu hướng giảm nhanh, chỉ còn khoảng 17% vào cuối quý I, thay vì mức 26% trước đó 2 năm.
Việt Nam được đánh giá có lợi thế dân số đông, trẻ và am hiểu công nghệ. Bên cạnh đó là nhiều chính sách hỗ trợ của Chính phủ và Việt Nam có vị trí địa lý chiến lược.
Ông Lưu Chí Kháng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Công ty Chứng khoán Kiến Thiết CSI, đây là tín hiệu tốt cho nền kinh tế khi các tập đoàn lớn quốc tế quan tâm và có tín hiệu đầu tư vào Việt Nam. Xu hướng này có thể sẽ kéo dài cho đến hết nhiệm kỳ thứ 2 của Tổng thống Trump. Làn sóng rời bỏ Trung Quốc theo sau cuộc chiến thương mại hồi năm 2018 đã giúp Việt Nam hưởng lợi từ dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam. Lần này cũng có thể như vậy.
Còn với châu Á và Thái Bình Dương, ADB dự báo những thay đổi trong chính sách thương mại, tài khóa và nhập cư của Mỹ có thể làm giảm tăng trưởng và gia tăng lạm phát ở khu vực này. ADB dự kiến tăng trưởng khu vực trong năm 2025 là 4,9%, so với 4,8% trong dự báo trước đó.
Theo chuyên gia kinh tế trưởng của ADB, ông Albert Park, tăng trưởng kinh tế của châu Á và Thái Bình Dương sẽ vẫn ổn định trong năm nay và năm sau, nhưng dự kiến những thay đổi chính sách của Mỹ trong chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Donald Trump có khả năng tác động tới triển vọng dài hạn của khu vực.
Ông Albert Park cho rằng, những chính sách dự kiến của Mỹ sẽ làm chậm đà tăng trưởng và thúc đẩy lạm phát ở mức độ nhất định tại Trung Quốc, qua đó tác động lên cả khu vực..
Trước đó, ông Sebastian Eckardt, Trưởng Ban Kinh tế vĩ mô, Thương mại và Đầu tư khu vực Đông Á – Thái Bình Dương của WB cho rằng, chính sách tiền tệ nới lỏng hơn tại các nền kinh tế phát triển lớn đã được bắt đầu tại nhiều nước. Điều này có thể thúc đẩy tổng cầu ở các nền kinh tế phát triển và tích cực đối với Việt Nam.