Nhà ga quốc tế Đà Nẵng vừa trở thành nhà ga sân bay đầu tiên tại Đông Nam Á đạt chứng nhận Welcome Chinese (đủ tiêu chuẩn đón khách Trung Quốc). Nhưng điều này chưa đảm bảo cho thành phố biển miền Trung đón khách từ thị trường đông dân nhất thế giới trong ngắn hạn.
Cụ thể, Công ty Cổ phần Đầu tư Khai thác Nhà ga quốc tế Đà Nẵng (AHT) – đơn vị đang khai thác Nhà ga quốc tế Đà Nẵng (Nhà ga T2) – vừa thông tin nhà ga được xếp hạng Gold – cao nhất trong 3 hạng Silk, Jade, Gold của chứng nhận Welcome Chinese được cấp bởi China Tourism Academy (Học viện Du lịch Trung Quốc). Đây là tổ chức nghiên cứu có trụ ở tại Bắc Kinh, được thành lập năm 2008, trực thuộc Tổng cục Du lịch quốc gia Trung Quốc.
Nhà ga quốc tế Đà Nẵng trở thành nhà ga sân bay đầu tiên tại Đông Nam Á đạt được chứng nhận này.
Theo ông Đỗ Trọng Hậu, Phó Tổng giám đốc AHT, chứng nhận này sẽ giúp tăng cường hình ảnh của nhà ga nói riêng và Đà Nẵng nói chung như một điểm đến thuận tiện và hiếu khách với cộng đồng du khách Trung Quốc, góp phần quảng bá rộng rãi, đưa các dịch vụ du lịch địa phương tiếp cận gần hơn tới thị trường quan trọng này.
Tuy nhiên, chia sẻ với KTSG Online về việc liệu đây có phải là tín hiệu để Đà Nẵng bắt đầu đón khách trực tiếp từ Trung Quốc quay trở lại sau gần 4 năm hay không, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng, cho rằng chứng nhận này là điều đáng mừng, tuy nhiên chí ít cho đến hè năm sau (2024), Đà Nẵng mới có thể khôi phục thị trường này. Theo ông Dũng, hiện là chủ tịch công ty du lịch Vietnam TravelMart, có nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan.
Trước tiên là nhu cầu du lịch và di chuyển của khách Trung Quốc. Ngoài việc ưu tiên đi du lịch trong nước, khách Trung Quốc đã có sự chọn lọc hơn khi đi du lịch nước ngoài. Cụ thể, tại Việt Nam, Nha Trang, Phú Quốc, hay Thừa Thiên Huế đang là điểm đến du lịch được lựa chọn qua những chuyến bay thuê chuyến (charter flight) bên cạnh hai thành phố lớn Hà Nội và TPHCM. Chỉ một ít đoàn khách đến Đà Nẵng theo con đường gián tiếp (sau khi đã đến điểm đến đầu tiên khác).
Ông Dũng cho biết thêm các hãng lữ hành, hàng không trong nước và đối tác của Trung Quốc cũng chưa thể có tiếng nói chung trong việc đưa khách từ thị trường này trực tiếp đến thành phố biển. “Theo thông thường như trước đây, khi có đủ khách, các công ty, hãng hàng không ở Đà Nẵng cùng đối tác Trung Quốc sẽ tổ chức các chuyến bay thuê chuyến thường xuyên đến đây”, ông Dũng phân tích.
Theo ghi nhận từ các doanh nghiệp lữ hành khai thác thị trường khách Trung Quốc đến Đà Nẵng, trước mắt họ hợp tác với các đối tác phục vụ khách Trung Quốc tại các điểm đến khác ngoài Đà Nẵng như trước đây. Bên cạnh đó, họ khai thác các thị trường mới, chủ yếu là Ấn Độ và các thị trường tại Đông Nam Á trong khi chờ động thái mới.
Ông Nguyễn Minh Xoang, Giám đốc Công ty Dịch vụ lữ hành quốc tế Hải Vân Cát, cho hay điều cần thiết lúc này là ngành du lịch Đà Nẵng cần có chủ trương đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá điểm đến với sản phẩm và dịch vụ mới lạ dành cho thị trường này để năm sau có thể đón khách.
Theo thông tin từ Sở Du lịch Đà Nẵng, năm 2019, Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai lưu trú tại Đà Nẵng với khoảng 650.000 lượt khách với tỉ trọng khoảng 20% (Hàn Quốc là thị trường lớn nhất với khoảng 1,8 triệu khách với tỉ trọng hơn 50%).
Tính đến cuối năm 2019, có khoảng 24 đường bay từ Trung Quốc đến Đà Nẵng với tần suất 137 chuyến/tuần, đa phần là các chuyến bay thuê chuyến.