Không chỉ là nơi giao thương, buôn bán, chợ phiên vùng cao còn gìn giữ nhiều “đặc sản” là những sinh hoạt văn hoá độc đáo và cả đặc trưng ẩm thực vùng miền của bà con đồng bào dân tộc. Vì thế, những phiên chợ vùng cao nhộn nhịp dịp cuối năm có một sức hút vô cùng lớn…
Chúng tôi đến Bình Liêu vào sáng chủ nhật. Chuyến viếng thăm không hẹn trước hóa ra lại rất thú vị vì được trải nghiệm không khí của chợ phiên, được rảo bước trong cảnh yên bình giữa rừng sắc màu trang phục bà con dân tộc cũng như sự chân chất của người dân bản địa.
Chợ phiên nằm ở trung tâm thị trấn Bình Liêu, nơi hội tụ những nét văn hóa đặc trưng nhất của nhiều dân tộc anh em. Đây cũng là điểm đến đầu tiên, đặc sắc nhất không thể bỏ qua khi khám phá các chợ phiên vùng cao. Chợ phiên tại Bình Liêu không chỉ là nơi trao đổi, mua bán của người dân bản địa và du khách gần xa mà còn mở ra không gian văn hóa đầy hấp dẫn dành cho du khách thập phương. Có lẽ, trong số các phiên chợ vùng cao thì chợ phiên Bình Liêu là phiên chợ giữ được nhiều bản sắc nhất.
Thay vì họp ngày lẻ như trước, nay phiên chợ diễn ra thường xuyên, nhộn nhịp nhất vào ngày chủ nhật hàng tuần. Bước vào cổng chợ là một không gian rộng, thoáng, chợ phiên họp ngay ngoài trời. Hàng hóa bày bán dưới nền sân, gồm nông, lâm thổ sản do bà con nuôi trồng, khai thác từ rừng, như: Mật ong rừng, mật ong hoa hồi tới các loại rau cải, khoai sọ tuyệt ngon…
Ở góc cuối chợ là khu bán nông cụ, đồ đựng thóc lúa. Đi chợ, bạn cũng có thể mua được những bó lá chuối, dong rừng thơm ngát… về gói bánh cho ngày Tết. Khung cảnh nhộn nhịp, sắc màu rực rỡ của trang phục bà con các dân tộc hòa vào với các loại ô che nhiều màu. Ở góc chợ, thoáng có bếp lửa nhỏ sưởi ấm ngày giá rét, bà con các dân tộc túm tụm đan len, tán chuyện, trên lưng những em bé theo mẹ đi chợ phiên sớm vẫn ngon giấc… Tất cả những hình ảnh đó tạo nên sức hấp dẫn riêng có, gợi nhớ lại ký ức xưa cũ của mỗi du khách.
Rời Bình Liêu, xuôi về Tiên Yên, chúng ta tới dự phiên chợ Hà Lâu, chợ phiên duy nhất trong 6 xã vùng cao của Tiên Yên. Dù đã có chừng 60 năm tuổi, chợ vẫn còn giữ được những nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc trong vùng.
Chợ phiên Hà Lâu họp vào chủ nhật tuần thứ tư hằng tháng, buôn bán những mặt hàng nông sản địa phương… Du khách đến với chợ phiên Hà Lâu không chỉ được mua sắm những sản phẩm do bà con dân tộc Dao Thanh Y sản xuất và giới thiệu, mà còn được đắm mình trong không gian văn hóa truyền thống với sắc màu tươi tắn của trang phục thổ cẩm, ngắm các cô gái Dao, Sán Chỉ duyên dáng, xúng xính trong trang phục rực rỡ…
Là sinh hoạt cộng đồng của đồng bào các dân tộc thiểu số, chợ phiên Hà Lâu không chỉ tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp mà còn là nơi để mọi người gặp gỡ, giao lưu. Đến với chợ phiên Hà Lâu, du khách không chỉ được mua sắm những đặc sản đặc trưng, như: Rau má Hà Lâu, thịt trâu, quần áo, khăn áo thổ cẩm, các loại dao rèn thủ công trứ danh… mà còn được xem những trận giao lưu bóng đá nữ của dân tộc Dao và Sán Chỉ xã Hà Lâu.
Theo hành trình ra các huyện miền Đông của tỉnh, bạn có thể ghé thăm chợ phiên vùng cao ở Ba Chẽ, Móng Cái. Tại chợ phiên Lương Mông (xã Lương Mông, Ba Chẽ), du khách được ngắm nhìn các sắc màu thổ cẩm, thưởng thức văn hoá ẩm thực đặc sắc của đồng bào Dao.
Còn ở vùng cao Móng Cái, có chợ phiên Pò Hèn (xã Hải Sơn, TP Móng Cái) họp cách nhật từ 3-4 ngày/phiên, vào các ngày Âm lịch như: 2, 5, 8, 12, 15…; là nơi trao đổi hàng hóa của nhân dân trong vùng, giao thương với thôn, xóm nước bạn Trung Quốc. Chợ còn là nơi tái hiện, giữ gìn bản sắc văn hóa, giao lưu văn hóa, văn nghệ của các dân tộc Dao, Sán Chỉ, Kinh.
Ngoài ra, còn nhiều chợ phiên gắn với các lễ hội độc đáo như chợ phiên Đồng Văn (xã Đồng Văn, Bình Liêu) họp vào thứ bảy hàng tuần. Đây cũng là một địa chỉ rất thú vị, khi tới đây du khách có cơ hội lắng nghe làn điệu hát pả dung, tấu kèn “tiêng gẹt” của người Dao, tham gia ngày hội Kiêng gió và đặc biệt là thưởng thức đặc sản phở xào rất ngon của đồng bào…