Theo phản ánh của cử tri huyện Vân Đồn, việc thực hiện Nghị quyết số 201/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở tiểu thủ công nghiệp (TTCN) gây ô nhiễm hoặc không phù hợp với quy hoạch đô thị, đang gặp những khó khăn, vướng mắc.
Sau khi Nghị quyết của HĐND tỉnh được ban hành, UBND huyện Vân Đồn đã xây dựng kế hoạch di dời các cơ sở TTCN gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch đô thị. Trong đó yêu cầu UBND các xã, thị trấn căn cứ tình hình thực tế tiếp tục rà soát để cập nhật lại danh sách bổ sung các cơ sở TTCN, không để xảy ra tình trạng bỏ sót và phát sinh mới sau thời điểm lập danh sách lần này.
Do đặc thù huyện đảo, nên công tác kiểm kê hiện trạng các cơ sở TTCN và tiến hành di dời vào CCN chỉ thực hiện tại 7 xã thuộc nội đảo Cái Bầu. Tính đến thời điểm rà soát, trên địa bàn huyện có 250 cơ sở TTCN, trong đó có 111 cơ sở thuộc diện di dời (các cơ sở khác chỉ là các hộ kinh doanh, dịch vụ nhỏ trong khu dân cư), 89/111 cơ sở có nhu cầu thuê 318.781m2 đất tại các CCN.
Nhằm thu hút các doanh nghiệp, đồng thời tiếp nhận các cơ sở TTCN gây ô nhiễm môi trường khu dân cư hoặc không phù hợp quy hoạch đô thị, CCN Vân Đồn được UBND huyện quy hoạch từ tháng 3/2022 do Công ty CP Phú Thịnh Vân Đồn làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Dự án có tổng diện tích gần 53ha, chia làm 4 khu. Sau hơn 2 năm triển khai, đến nay đã hoàn thành khu I bao gồm hạ tầng điện, đường giao thông, vỉa hè, cây xanh, thoát nước, hệ thống thu gom và trạm xử lý nước thải công suất 650m3/ngày đêm, sẵn sàng thu hút các nhà đầu tư thứ cấp.
Tuy nhiên, đang gặp khó khăn về công tác đền bù GPMB của một số hộ dân, công tác hoán đổi đất quốc phòng và việc di dời của các cơ sở. Ông Bùi Xuân Tờ, Tổng Giám đốc Công ty CP Phú Thịnh Vân Đồn, cho biết: Chúng tôi mong muốn cơ quan, ban, ngành của tỉnh, huyện Vân Đồn đẩy nhanh tiến độ GPMB để sớm thu hút được các nhà đầu tư thứ cấp vào hoạt động trong CCN.
Chậm GPMB đã ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư xây dựng dự án CCN Vân Đồn, khiến cho nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở TTCN có nhu cầu trên địa bàn tỉnh nói chung, huyện Vân Đồn nói riêng, chưa thể có địa điểm đầu tư sản xuất, kinh doanh. Như Cơ sở sản xuất giống thủy sản của Công ty TNHH Toàn An Thịnh nằm trong diện phải di dời, hiện phải thuê đất sản xuất, nên thời gian qua không được đầu tư nâng cấp nhà xưởng. Vì vậy Công ty rất cần sớm có mặt bằng mới tại CCN Vân Đồn để đầu tư mở rộng phát triển sản xuất, kinh doanh.
Trên địa bàn huyện hiện có khoảng 30-40 cơ sở chế biến hàu tươi, hằng ngày thải ra môi trường hàng chục tấn vỏ hàu và nước thải, ảnh hưởng đến môi trường khu dân cư, đang rất cần mặt bằng tại CCN Vân Đồn để đầu tư quy mô, yên tâm phát triển sản xuất bền vững.
Để tháo gỡ vướng mắc về công tác GPMB của CCN Vân Đồn, theo lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Vân Đồn, thời gian tới huyện sẽ hoàn thiện phương án bồi thường GPMB cho 7 hộ dân sau khi có quyết định thanh tra về cấp giấy CNQSDĐ; ban hành quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án đền bù 2 hộ đã hoàn thiện GPMB. Đồng thời tiếp tục làm việc với Sở TN&MT hoàn thiện các thủ tục hoán đổi đất cho Lữ đoàn 242 (Quân khu 3).