Sáng nay, 14/10, trả lời kiến nghị của cử tri tại quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội cho biết, sau khi cải cách chính sách tiền lương, mỗi năm mức lương sẽ được tăng thêm để tiến tới trong thời gian ngắn lương khu vực công ngang bằng với mức lương ở khu vực sản xuất.
Tham dự tiếp xúc cử tri có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng cùng các vị đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng.
Một trong những vấn đề lớn được thảo luận, báo cáo Quốc hội liên quan chính sách cải cách tiền lương, được nhiều cử tri Thành phố quan tâm, Chủ tịch Quốc hội cho biết, do khó khăn bởi tình hình dịch Covid-19 nên phải tạm dừng việc thực hiện lộ trình cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018.
Trong khi chờ tiếp tục thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương, Quốc hội đã quyết định tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng từ ngày 1/7/2023 để góp phần giúp cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định vấn đề tiếp tục thực hiện lộ trình cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27. Đến nay, nước ta đã chuẩn bị được khoảng 500.000 tỷ đồng cho công tác cải cách chính sách tiền lương theo nguyên tắc mức lương mới không thấp hơn mức lương hiện hưởng.
Dự kiến, sau năm 2024, mỗi năm, mức lương sẽ tăng 5-7% để tiến tới trong thời gian ngắn lương khu vực công ngang bằng với mức lương ở khu vực sản xuất.
Từ nay đến thời điểm dự kiến thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương vào ngày 1/7/2024, các cơ quan hữu quan đang tập trung để hoàn thiện dự thảo chính sách, hệ thống thang bảng lương…
Đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, cử tri Phạm Văn Tuyền, tổ dân phố Trung Dũng, phường Ngọc Xuyên, bày tỏ phấn khởi trước những kết quả vừa qua Đảng và Quốc hội đã quyết liệt thực hiện đặc biệt có hiệu quả to lớn.
Ông Phạm Văn Tuyền và nhiều cử tri đề nghị Quốc hội tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát tối cao các lĩnh vực nhạy cảm dễ dẫn đến tiêu cực, nhất là lĩnh vực đầu tư công, đất đai, công tác cán bộ. Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và cho biết Quốc hội sẽ có các chương trình giám sát về lĩnh vực này.
Ghi nhận các ý kiến kiến nghị của cử tri về công tác lấy phiếu tín nhiệm, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp và chuẩn bị chu đáo cho hoạt động lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội sắp tới.
Theo đó, một số người giữ chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn nhưng chưa đủ thời gian 1 năm thì sẽ không thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm lần này.
Công tác phòng cháy, chữa cháy nói chung, cụ thể về vấn đề xử lý cá nhân, tập thể liên quan tới vụ cháy nhà chung cư mini tại Thanh Xuân (Hà Nội) được nhiều cử tri phản ánh, qua lắng nghe, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các cơ quan hữu quan đang xem xét để xử lý nghiêm trách nhiệm của những tập thể, cá nhân liên quan đến vụ cháy.
“Theo đó, những cá nhân có liên quan sẽ không được quy hoạch, bổ nhiệm trong thời gian các cơ quan chức năng đang xem xét xử lý trách nhiệm”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Đối với nội dung kỳ họp Quốc hội lần này, một số cử tri phát biểu mong muốn trong công tác xây dựng pháp luật, đặc biệt là Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội xem xét thông qua, nhất là những vấn đề giá đất được xác định theo nguyên tắc thị trường sẽ gỡ được nút thắt tiêu cực, phức tạp mà nhiều năm qua chưa tháo gỡ.
Bên cạnh đó, vấn đề thu hồi đất cũng được cử tri hết sức quan tâm, đề nghị Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu và ban hành Luật đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.
Chung quanh những nội dung này, Chủ tịch Quốc hội cho biết sẽ tiếp thu, trên tinh thần kỹ lưỡng nhất, không chạy theo tiến độ; đây là dự án Luật đặc biệt quan trọng, trình Quốc hội xem xét lần này,
Các cử tri địa phương đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn thi hành, đảm bảo ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện.
Về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tinh thần chuẩn bị dự án luật với chất lượng tốt nhất để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6 theo đúng quy trình 3 kỳ họp.
Tuy nhiên cũng có thể xảy ra trường hợp giống như Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), nếu chất lượng dự án luật chưa bảo đảm thì vẫn có thể Quốc hội sẽ chưa thể thông qua tại kỳ họp này; vấn đề này thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.
Từ thực tiễn địa phương, ông Lê Đức Hợp, cử tri phường Hợp Đức và một số cử tri bày tỏ quan tâm kiến nghị cần có các cơ chế, chính sách đồng bộ, thống nhất nhằm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển ngành du lịch.
Theo đó, hiện nay, Quy định các tiêu chí cụ thể để nghị công nhận tài nguyên khu du lịch quốc tế, khu du lịch cấp quốc gia và cấp tỉnh chưa được quy định cụ thể.
Ông Lê Đức Hợp nói, việc này gây khó khăn trong định hướng phát triển du lịch Đồ Sơn trở thành trung tâm du lịch quốc tế; đồng thời gây vướng mắc công tác quản lý tài nguyên du lịch trên địa bàn thành phố và thực hiện thủ tục hồ sơ công nhận khu du lịch cấp quốc gia và khu du lịch cấp tỉnh.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ đồng tình ghi nhận ý kiến cử tri và sẽ đề nghị Chính phủ xem xét, sớm ban hành quy định về tiêu chí cụ thể để đề nghị công nhận tài nguyên du lịch quốc tế; tài nguyên du lịch cấp quốc gia và tài nguyên du lịch cấp tỉnh.
Ông Nguyễn Ngọc Hải, cử tri phường Hải Sơn cho biết, trên địa bàn thành phố Hải Phòng hiện đang triển khai các dự án đầu tư có lấn biển,các dự án này đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao khu vực biển để lấn biển, tạo mặt bằng.
Sau khi nhà đầu tư hoàn thành lấn biển thì công tác giao đất, cho thuê đất gặp khó khăn, vướng mắc do chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2030 thành phố Hải Phòng được phân bổ tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 19/3/2022 không có chỉ tiêu cho diện tích các dự án lấn biển nên phần diện tích các dự án này không có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thành phố và các quận, huyện.
Cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung thống nhất các quy định về biển đảo và ban hành quy định cho phép chỉ thực hiện giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai đối với các dự án đầu tư lấn biển để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án…
Được biết, để hoàn thiện các quy định liên quan hoạt động lấn biển, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang trình Quốc hội xem xét có quy định riêng về chế độ sử dụng đất cho hoạt động lấn biển.
Dự thảo luật sẽ tiếp tục được lấy ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương và bộ, ngành có liên quan, trong đó sẽ lưu ý nghiên cứu xử lý đối với những vướng mắc nói trên.
Dịp này, Chủ tịch Quốc hội trân trọng cảm ơn những đánh giá của cử tri và nhân dân về những kết quả hoạt động của Quốc hội. Quốc hội khóa này tiếp tục kế thừa các khóa trước, tiếp tục tìm tòi đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động.