Phim Việt “Fanti” ra rạp khi không có đối thủ trong nước, số lượng bom tấn Hollywood cũng không nhiều. Song dự án vẫn thất bại tại phòng vé với doanh thu chưa đến 2 tỷ đồng.
Là dự án nội địa duy nhất phát hành vào mùa hè, Fanti cũng đánh dấu sự trở lại của phim Việt sau hơn 2 tháng vắng bóng tại rạp. Do đó, tác phẩm được kỳ vọng tạo hiệu ứng tốt tại phòng vé, nối tiếp thành tích phim Việt nửa đầu năm 2023 với tổng doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng.
Đáng tiếc, dự án hoàn toàn bị khán giả phớt lờ khi ra rạp. Theo Box Office Vietnam (đơn vị quan sát phòng vé độc lập), doanh thu của Fanti chưa thể vượt qua con số 2 tỷ đồng sau hơn một tuần phát hành. Tính đến hiện tại, đây là phim Việt có doanh thu thấp nhất năm nay, nguy cơ lỗ nặng.
Thị trường phim Việt đã “nguội”
Trong 5 tháng đầu năm 2023, có tất cả 10 dự án nội địa được phát hành, gồm 8 phim điện ảnh và 2 phim tài liệu. Con số này không quá nhiều nhưng vẫn đảm bảo trung bình mỗi tháng có ít nhất một phim Việt ra rạp.
Suốt khoảng thời gian đó, số lượng bom tấn Hollywood cũng không nhiều nên tạo điều kiện để các tác phẩm nội địa đến gần với khán giả. Một số dự án được ưu ái với nhiều suất chiếu, nâng tổng doanh thu phim Việt lên đến hơn 1.000 tỷ đồng.
Thành tích này phần lớn nhờ vào sự đóng góp của 2 phim Nhà bà Nữ (hơn 450 tỷ đồng) và Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh (hơn 270 tỷ đồng).
Tuy nhiên, kể từ khi Lật mặt 6 của Lý Hải ngừng chiếu, phim Việt hoàn toàn mất tích tại phòng vé, tạo điều kiện cho phim ngoại “càn quét” thị trường nước ta.
Khán giả vẫn có nhiều sự lựa chọn khi ra rạp dù phim Việt vắng bóng tại sân nhà. Hàng loạt bom tấn Hollywood đổ dồn về Việt Nam như Fast & Furious 10, Transformers: Quái thú trỗi dậy, Vệ binh dải Ngân Hà 3, Flash, Nàng tiên cá… khiến thị trường sôi động hơn bao giờ hết.
Chưa kể số lượng phim các nước châu Á cũng đa dạng, từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan… Đến cả 2 phim hoạt hình Nhật Bản cũng thắng lớn tại nước ta là: Doraemon: Nobita và vùng đất lý tưởng trên bầu trời (hơn 83 tỷ đồng) và Thám tử lừng danh Conan: Tàu ngầm sắt màu đen (hơn 81 tỷ đồng).
Do đó, các dự án nội địa mất tích gần như cũng không ảnh hưởng nhiều đến trải nghiệm giải trí của khán giả. Thậm chí, nhiều người đã quên mất sự có mặt của phim Việt. Trên mạng xã hội, một số người bình luận rằng họ nhầm lẫn Fanti là phim Thái Lan khi ra rạp và cũng không định mua vé xem phim.
Các tác phẩm chốt lịch ra rạp nửa cuối năm nay cũng không còn tạo sức hút, ít được khán giả quan tâm. Trong tháng 8, có 2 phim ra mắt là Bên trong vỏ kén vàng và Kẻ ẩn danh. Nhưng hiện tại, hiệu ứng của cả 2 trên mạng xã hội đều chưa ấn tượng nên thành bại tại rạp vẫn là ẩn số.
Phim Việt đang mất giá?
Chưa bàn đến chất lượng, Fanti vẫn là dự án được đầu tư bài bản, do ê-kíp chuyên nghiệp phụ trách. Đứng sau sản xuất là đội ngũ từng làm nên thành công của Bố già và Tiệc trăng máu. Cả 2 đều nằm trong danh sách 10 phim Việt ăn khách nhất mọi thời với mức doanh thu đáng mơ ước.
Dàn diễn viên cũng là những gương mặt trẻ đẹp như Thảo Tâm, Hồ Thu Anh, Võ Điền Gia Huy, Công Dương. Chưa kể, sự xuất hiện của NSND Lê Khanh càng chứng tỏ đây là không phải là tác phẩm hời hợt, được làm qua loa.
Song, Fanti không phải là phim Việt đầu tiên thua lỗ dù được đầu tư mạnh. Trước đó, Khi ta hai lăm của đạo diễn Luk Vân cũng rơi vào trường hợp tương tự.
Dự án quy tụ dàn diễn viên hùng hậu gồm những tên tuổi như Midu, Lê Dương Bảo Lâm, Lãnh Thanh, Tiko Tiến Công… Đặc biệt, tác phẩm đánh dấu sự trở lại của Midu trên màn ảnh rộng, đồng thời cũng là lần đầu Lê Dương Bảo Lâm đóng chính. Nhưng khi ra rạp, phim vẫn chỉ đạt hơn 3 tỷ đồng và phải rút rạp sớm.
Thất bại của Fanti và Khi ta hai lăm gợi nhớ đến trường hợp của Võ sinh đại chiến năm 2020. Tác phẩm cũng được đầu tư, do ê-kíp chuyên nghiệp đảm nhận và quy tụ dàn diễn viên trẻ đẹp.
Song, các yếu tố đó vẫn không giúp phim thành công tại phòng vé. Theo Box Office Vietnam, Võ sinh đại chiến chỉ thu về 1,8 tỷ đồng và phải rút rạp sớm vì không có người mua vé.
Ê-kíp Fanti có quyết định táo bạo hơn khi phát hành phim vào mùa hè. Đây luôn là thời điểm hốt bạc với ngành điện ảnh nhưng chưa thực sự đúng với thị trường Việt Nam.
Năm 2019, Box Office Vietnam thống kê có đến 13 phim Việt ra rạp dịp hè nhưng tất cả đều đi từ lỗ đến hòa vốn vì phải cạnh tranh với nhiều bom tấn nước ngoài.
Trường hợp của Fanti thì ngược lại. Phim không có đối thủ trong nước, lại có thời điểm phát hành khá thuận lợi khi 2 bom tấn Hollywood được trông đợi là Barbie và Oppenheimer đều chưa có lịch phát hành tại thị trường nước ta. Đáng tiếc, phim vẫn thất bại, thậm chí thua lỗ nặng nề.
Thành tích của Fanti như cú sốc với thị trường nước nhà, cũng là tín hiệu dự báo bức tranh phim Việt nửa cuối năm vẫn khá mơ hồ với 2 mảng màu sáng – tối.