Tháng 2.2024 là tháng có Tết Nguyên đán Giáp Thìn nên nhu cầu mua sắm hàng hóa và dịch vụ của người dân cao hơn, kéo theo chỉ số CPI tăng theo.
Theo Tổng cục Thống kê, tháng 2.2024, giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu; giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2.2024 tăng 1,04% so với tháng trước; tăng 1,35% so với tháng 12.2023 và tăng 3,98% so với cùng kỳ năm 2023.
Lạm phát cơ bản tháng 2.2024 tăng 0,49% so với tháng trước và tăng 2,96% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 2 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 3,67% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản tăng 2,84%.
Trong mức tăng 1,04% của CPI tháng 2.2024 so với tháng trước có 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm. Đáng chú ý, nhóm giao thông tăng cao nhất với 3,09% (làm CPI chung tăng 0,3 điểm phần trăm). Trong đó chỉ số giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 15,48% do nhu cầu đi lại tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán; chỉ số giá xăng tăng 5,82%, chỉ số giá dầu diesel tăng 5,51% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước; dịch vụ rửa xe, bơm xe, trông giữ xe cũng tăng…
Ngược lại nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,17% do các doanh nghiệp thực hiện chương trình khuyến mại giảm giá đối với một số loại điện thoại di động mẫu mã cũ. Nhóm giáo dục giảm 0,42% so với tháng trước, chủ yếu do ổn định mức thu học phí từ năm học 2023 – 2024 bằng mức thu học phí của năm học 2021 – 2022 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập.