Năm 2019, Lễ hội đình Trà Cổ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ngày 24/10/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1225/QĐ-TTg về việc xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt đối với Di tích kiến trúc – nghệ thuật đình Trà Cổ. Những sự kiện này là mốc son to lớn trong hành trình bảo tồn, phát huy giá trị của di sản đình Trà Cổ – Cột mốc văn hóa nơi địa đầu Tổ quốc.
Trên địa bàn TP Móng Cái – vùng đất biên cương nơi địa đầu Tổ quốc, hệ thống các di tích lịch sử văn hóa và danh thắng nói chung, di tích đình Trà Cổ nói riêng được coi là cột mốc văn hóa trường tồn khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Đây không chỉ là nơi lưu giữ những giá trị đặc trưng của nền văn hóa Việt qua hàng ngàn năm lịch sử, mà còn là nơi ghi dấu những cống hiến lớn lao của các thế hệ cha ông trong suốt quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước.
Xác định rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của di tích đình Trà Cổ, thời gian qua công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di tích gắn với việc phát triển điểm đến, sản phẩm du lịch văn hóa đã được TP Móng Cái tập trung thực hiện.
Đình Trà Cổ đã trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa, xong vị trí và kiến trúc vẫn được giữ nguyên. Số lần trùng tu được ghi nhận: Năm 1921, thay ván xung quanh bằng tường gạch, thay ngói mũi vẩy bằng ngói mũi bằng, thay một số hoành, cột; năm 1964, tu sửa một số hoành, cột, cánh cửa… Lần trùng tu, tôn tạo gần nhất là năm 2012 theo Quyết định số 2786/QĐ-UBND ngày 31/8/2011 của UBND tỉnh về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình tu bổ, tôn tạo di tích đình Trà Cổ (TP Móng Cái).
Theo đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (nay là Sở Văn hóa và Thể thao) được giao làm chủ đầu tư dự án, với tổng kinh phí phê duyệt 22,343 tỷ đồng, gồm các hạng mục: Tu bổ, tôn tạo Đại đình (nâng cốt nền, gia công phục chế, thay thế các cấu kiện gỗ bị hư hỏng, phục chế hình tượng rồng, hoa văn trên mái, ngâm tẩm hóa chất chống mối mọt tất cả các cấu kiện gỗ…); tu bổ, tôn tạo nhà thủ từ; xây mới nhà vệ sinh; xây một số công trình phụ trợ ngoài nhà…
Ngôi đình hiện nay có diện tích khuôn viên rộng khoảng 1.200m, thuộc phường Trà Cổ, gồm các hạng mục: Cổng, đình, sân vườn, nhà thủ từ, am hóa sớ, nhà vệ sinh, tường bao. Đình quay hướng Nam ghé Đông tầm nhìn hướng ra biển.
Đình Trà Cổ là một trong những di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích cấp Quốc gia từ năm 1974. Từ năm 2014 đình Trà Cổ được UBND tỉnh công nhận là một trong 15 điểm du lịch của TP Móng Cái. Lễ hội đình Trà Cổ là hoạt động văn hóa truyền thống được phục dựng và duy trì tổ chức thường niên từ năm 1993. Năm 2015 Lễ hội đình Trà Cổ đã được nâng cấp tổ chức với quy mô cấp thành phố. Cùng với đó, Ban Quản lý Di tích đình Trà Cổ được thành lập và thường xuyên được kiện toàn đã góp phần đưa các hoạt động tại đình Trà Cổ đi vào nền nếp; công tác chỉnh trang khuôn viên, bảo vệ cảnh quan, môi trường, việc thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh được Ban Quản lý di tích chú trọng thực hiện, cụ thể bằng các nội quy, hướng dẫn nhân dân và du khách.
Lễ hội đình Trà Cổ hằng năm diễn ra từ ngày 30/5 đến 3/6 âm lịch. Ngoài các nghi lễ tế thần, rước bài vị thần tới nghè rồi về đình, xuyên suốt và độc đáo của lễ hội là hội thi “Ông Voi” (thi lợn). Ngày 24/10/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1225/QĐ-TTg về việc xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt đối với Di tích kiến trúc – nghệ thuật đình Trà Cổ.
Việc bảo tồn, phát huy giá trị Di tích đình Trà Cổ gắn với phát triển điểm đến du lịch đã được định hình, khẳng định thương hiệu, điểm đến đình Trà Cổ trên bản đồ du lịch TP Móng Cái. Trung bình hằng năm, đình Trà Cổ đón trên 20.000 lượt khách đến tham quan, chiêm bái.
Đình Trà Cổ thuộc địa phận khu Nam Thọ, phường Trà Cổ (TP Móng Cái), là một trong những ngôi đình có nguồn gốc và đặc điểm của nền văn hóa Đồng bằng Bắc Bộ, tập trung nét đặc trưng riêng của nền văn hóa Việt, góp phần hình thành nên cộng đồng làng xã.
Theo truyền thuyết và theo các sắc phong hiện đang lưu giữ tại đình, đình Trà Cổ thờ các vị Thần Thành hoàng làng là: Ngọc Sơn Trấn Hải Đại Vương Tôn Thần, Huyền Quốc Lã Thái Úy Tôn Thần (Thái úy Lý Thường Kiệt), Không Lộ Giác Hải Đại Vương Tôn Thần (Thiền sư Không Lộ và Thiền sư Giác Hải), Bạch Điểm Tước Đại Vương Tôn Thần, Quảng Trạch Đại Vương Tôn Thần, Nhân Minh Đại Vương Tôn Thần. Bên cạnh việc thờ các vị Thành hoàng trong Hậu cung, ngoài Đại đình ở hai hồi còn phối thờ các vị Tiên công có công khai hoang lập làng.
Về niên đại của đình Trà Cổ, đến nay chưa tìm thấy các căn cứ lịch sử, khoa học khẳng định niên đại chính xác, có nhiều ý kiến được đưa ra, sớm nhất là vào khoảng thế kỷ thứ XV. Tuy nhiên, căn cứ vào đặc điểm kiến trúc còn lưu giữ được, có thể phỏng đoán đình Trà Cổ được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII.
Nguồn: Phòng Văn hóa và Thông tin TP Móng Cái
|