Trấn Thành bám sát hiện thực, kể những câu chuyện đậm tính đời sống, đặt nhân vật chính trong bối cảnh đầy va đập, xung đột điển hình.
Tính đến sáng 14.2, sau hơn 3 ngày ra rạp, “Mai” đã đoạt doanh thu gần 150 tỉ đồng, bỏ xa mọi đối thủ, áp đảo hoàn toàn các suất chiếu.
Trấn Thành chỉ cần 3 ngày để đạt mức doanh thu mơ ước của mọi đạo diễn, mọi tác phẩm phim Việt khi ra rạp.
Tất nhiên, Trấn Thành có công thức riêng để liên tục có những tác phẩm doanh thu “khủng”, trong đó trước tiên phải kể đến thương hiệu cá nhân.
Thương hiệu ngôi sao
Trong cuộc trao đổi với phóng viên Lao Động, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng cho rằng, Trấn Thành khác biệt với tất cả các đạo diễn khác, bởi bản thân Trấn Thành đã là một ngôi sao.
“Trấn Thành bán vé bằng thương hiệu ngôi sao” – đạo diễn Bùi Tuấn Dũng nói. Với tư cách diễn viên, Trấn Thành từng giúp tác phẩm “Cua lại vợ bầu” đoạt kỷ lục doanh thu năm 2019 với 191,8 tỉ đồng. Kỷ lục này sau đó bị “Hai Phượng” của Ngô Thanh Vân phá vỡ.
Hiện, “Hai Phượng” đã bị “Bố già”, “Nhà bà Nữ” của Trấn Thành bỏ xa, sắp tới đây, có thể sẽ thêm “Mai” – khi phim được dự đoán sẽ vượt mốc 200 tỉ đồng vài ngày tới.
Với sức hút có được từ nhiều lĩnh vực, chỉ cần Trấn Thành xuất hiện, bộ phim đã đủ sức đạt doanh thu trăm tỉ.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng khi mời Trấn Thành đóng vai bác Ba Phi trong phim “Đất rừng phương Nam” từng khẳng định điều này. “Cả thế giới đều có xu hướng mời ngôi sao đóng phim để thu hút khán giả, tại sao tôi lại không?” – Nguyễn Quang Dũng trả lời – khi nhiều ý kiến đặt ra cho rằng, anh mượn sức hút của Trấn Thành để nhằm mục đích bán vé cho “Đất rừng phương Nam”.
Cuối cùng, dù vướng phải vô số tranh cãi liên quan đến yếu tố lịch sử, “Đất rừng phương Nam” vẫn đoạt doanh thu hơn 140 tỉ đồng. Trong năm 2023, khi số phim có doanh thu trăm tỉ chỉ đếm trên đầu ngón tay, Trấn Thành đã có đến 2 tác phẩm vào danh sách này là “Nhà bà Nữ” đạt 475 tỉ đồng và “Đất rừng phương Nam”.
Câu chuyện đậm tính đời sống, dễ xem
Phim của Trấn Thành không đao to búa lớn, không ẩn chứa những đề tài cần đến sự tưởng tượng, hay hack não khán giả. Cũng giống như “Bố già”, “Nhà bà Nữ”, bộ phim đang ra rạp – “Mai” giàu tính hiện thực, mang đậm hơi thở đời sống, dễ xem, dễ cảm nhận.
Hầu như tất cả tác phẩm của Trấn Thành (kể cả webdrama đến điện ảnh) đều lấy bối cảnh trong khu trọ, khu chung cư, tập trung đông đúc lao động nghèo, ở đó, những con người với số phận, cuộc đời, tính cách khác nhau cùng va đập, xung đột để tạo nên xã hội thu nhỏ, ồn ào, náo nhiệt.
“Mai” cũng được xây dựng theo công thức như thế, khi Trấn Thành đặt 2 nhân vật chính là Mai (Phương Anh Đào), Dương (Tuấn Trần) giữa bối cảnh một chung cư cũ, xoay xung quanh là những hàng xóm nhiều chuyện, với đủ sắc màu cá tính.
Chuỗi bậc cầu thang, khu ban công, phía ngoài những khung cửa màu xanh vừa là bối cảnh, vừa là vật chứng – chứng kiến những va đập cuộc sống giữa Mai và hàng xóm, giữa Mai và Dương, và cuối cùng là bi kịch giữa Mai và bố (Trấn Thành).
Cách kể chuyện của “Mai” đôi chỗ còn dài dòng, lê thê, cảm xúc ở nhiều phân đoạn mang đậm dấu ấn cá nhân của đạo diễn, nhưng phim cho thấy sự “lên tay” của Trấn Thành ở việc chọn góc máy, bối cảnh, và tiết chế lời thoại.
Tính điển hình
“Mai” đánh lạc hướng khán giả bằng một câu chuyện tình yêu nam – nữ, nhưng thực chất sâu bên trong, vẫn là chủ đề gia đình – mà Trấn Thành từng kể ở “Bố già” và “Nhà bà Nữ”. Những câu chuyện gia đình mang tính điển hình, ai xem cũng bắt gặp một phần của mình trong đó.
Đó là xung đột thế hệ, là những mâu thuẫn giữa các thành viên trong một gia đình, là những hệ lụy, tổn thương đau đớn nhất – khi các thành viên có cùng huyết thống gây ra cho nhau.
Bước ra xã hội, chịu va đập giữa đủ thể loại nhân sinh, xung đột với đủ mọi mối quan hệ, mỗi chúng ta đều chịu biết bao đau khổ, áp lực, nhưng đau đớn kinh khủng nhất, tính sát thương ghê gớm nhất, lại thường là do những người thân trong cùng gia đình gây ra.
Chủ đề gia đình có lẽ đang là một thế mạnh của Trấn Thành. Hơn ai hết, Trấn Thành biết khai thác, đào sâu, và kể ra trên màn ảnh những màn hội thoại, cãi vã, những kháng cự, hàn gắn giữa mẹ và con, giữa bố và con – mà bất cứ ai xem, cũng thấy được mình.