Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam vừa ký quyết định công nhận 16 cây trên địa bàn TP Cẩm Phả là Cây di sản Việt Nam, bao gồm: 2 cây đa, 9 cây nhãn và 1 cây long não nằm trong khuôn viên Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt đền Cửa Ông – Cặp Tiên thuộc phường Cửa Ông và 3 cây thông, 1 cây trám trắng tại khuôn viên miếu Ba Cây Thông thuộc xã Dương Huy.
Trước đó Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã nhận hồ sơ và đơn đăng ký của TP Cẩm Phả về việc đề nghị công nhận cây di sản. Hội đồng thẩm định cây di sản Việt Nam cũng đã xét duyệt hồ sơ và thẩm định thực tế, kết quả 16 cây trên đều đạt tiêu chí cây di sản đề ra.
Được biết ngày mai, 12/3, tại lễ khai hội Đền Cửa Ông, TP Cẩm Phả sẽ đón nhận quyết định và bằng công nhận Cây di sản Việt Nam đối với 2 cây đa, 9 cây nhãn và 1 cây long não trong khuôn viên Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt đền Cửa Ông – Cặp Tiên.
Công nhận Cây di sản Việt Nam là hoạt động nổi bật của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam. Nguyên tắc đề ra là công nhận cho 3 nhóm cây, bao gồm cây tự nhiên, cây trồng và cây khác, trong đó mỗi loại cây có tiêu chí cụ thể. Tuy nhiên các tiêu chí chủ đạo là: Cây to, hùng vĩ; có hình dáng đặc sắc; đang trong tình trạng khoẻ mạnh; có tuổi đời lớn; ưu tiên các loại cây đặc hữu, nguy cấp, quý hiếm. Riêng đối với nhóm cây khác, tiêu chí ưu tiên là cây có giá trị đặc biệt về thẩm mỹ hoặc văn hoá hoặc lịch sử hoặc giá trị đặc biệt về khoa học; cây tổ hoặc cây mẹ có thể thể cung cấp vật liệu để nhân giống hoặc lai tạo…
Trước đó Quảng Ninh đã có 1 cây si và 1 cây đa tại huyện Tiên Yên và một số cây xích tùng, mai vàng tại Uông Bí đã được công nhận Cây di sản Việt Nam. Hiện nay, cùng với TP Cẩm Phả, nhiều địa phương, đơn vị trên toàn tỉnh tiếp tục chủ động rà soát và đề nghị công nhận Cây di sản Việt Nam. Trong đó các địa phương Uông Bí, Quảng Yên, Tiên Yên, Vườn Quốc gia Bái Tử Long đã rà soát và lựa chọn các loại cây mai vàng, hồng tùng, đại, thông nhựa, đa tía, thị, gạo, si, trai lý, trâm mốc, trâm đỏ… Riêng 3 loại cây trai lý, trâm đỏ và trâm mốc của Vườn Quốc gia Bái Tử Long đang được đó Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam thẩm định để công nhận Cây di sản Việt Nam trong dịp này, trong đó rừng trâm mốc trên xã đảo Minh Châu, huyện Vân Đồn được đề nghị công nhận Cây di sản Việt Nam theo dạng quần thể.
Việc lựa chọn và công nhận Cây di sản Việt Nam là một trong những nội dung nhằm hiện thực hoá Nghị quyết số 17 – NQ/TU ngày 30/10/2023 của BCH Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Quảng Ninh, trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững, đồng thời cũng là thực hiện công văn chỉ đạo số 20 của UBND tỉnh về việc rà soát, đăng ký lập hồ sơ công nhận Cây di sản Việt Nam. Các cây di sản sau khi được công nhận sẽ góp phần bảo vệ nguồn gen tiêu biểu, nâng cao ý thức tôn trọng tự nhiên, nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường của cộng đồng, quảng bá sự phong phú, đa dạng với giá trị khoa học cao của hệ thực vật tỉnh Quảng Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung. Các cây di sản trên địa bàn cũng gắn kết chặt chẽ các giá trị văn hoá và góp phần phát triển du lịch tỉnh nhà.