Ngày 17/10, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy để sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 16/11/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nhanh, bền vững công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 cùng nhiều nội dung quan trọng khác.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo đối với sự phát triển của tỉnh, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh luôn chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo đề ra các chương trình, kế hoạch để triển khai thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh. Tiếp nối chiến lược phát triển ngay sau Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU – Nghị quyết đầu tiên về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030.
Tại hội nghị, các đại biểu đều thống nhất đánh giá: Nghị quyết số 01-NQ/TU ra đời phù hợp với thực tiễn đòi hỏi khách quan của tỉnh trong quá trình phát triển, nhất là trong bối cảnh có nhiều khó khăn thách thức do đại dịch Covid-19 tác động nặng nề tới ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh là du lịch dịch vụ. Nghị quyết ra đời cũng phù hợp với xu thế, thể hiện tầm nhìn mới, tư duy mới của tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025. Các quyết sách nêu trong Nghị quyết thể hiện tính khoa học, là bộ công cụ có thể đưa ngay vào tổ chức triển khai thực hiện.
Sau 3 năm triển khai Nghị quyết, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã đạt được nhiều kết quả tích cực, ngày càng khẳng định là một ngành quan trọng trong nền kinh tế; là trụ cột, động lực chính tăng trưởng bền vững của tỉnh. Các mục tiêu như tốc độ tăng trưởng, thu hút vốn đầu tư, số lao động… vượt mục tiêu đề ra.
Toàn tỉnh hiện có 1.098 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, với tổng vốn đăng ký đạt trên 175.000 tỷ đồng. Trong đó, khu vực ngoài các KKT, KCN có 980 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký đạt trên 15.000 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho trên 75.800 người. Tại các KKT, KCN có 118 dự án công nghiệp chế biến, chế tạo, với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt trên 160.000 tỷ đồng (trong đó có 82 dự án có vốn FDI với tổng vốn đăng ký đạt 4,213 tỷ USD, 36 dự án có vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư là 60.293 tỷ đồng). Các doanh nghiệp hoạt động tại các KKT, KCN tuy có số lượng không nhiều nhưng hầu hết đều là các doanh nghiệp đầu tư các dự án trung bình và lớn, đóng góp trên 2.892 tỷ đồng vào ngân sách, kim ngạch xuất – nhập khẩu đạt xấp xỉ 13,79 tỷ USD.
Sau 3 năm, tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu GRDP tăng dần theo từng năm. Năm 2021 đạt 11,3%, tăng 1,5% so với năm 2020; năm 2022 đạt 11,5%, tăng 0,2% so với năm 2021; 9 tháng năm 2023 đạt 11,6%, tăng 0,1% so với thời điểm hết năm 2022. Như vậy ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang dần tiến tới mục tiêu đã đề ra đến năm 2025 chiếm 15% trong GRDP. Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân 3 năm tốc độ đạt 19,68%/năm, cao hơn so với mức bình quân đã đề ra trong Nghị quyết là 17%/năm. Tổng vốn đầu tư đã thu hút trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt xấp xỉ 105.000 tỷ đồng, đạt 210% mục tiêu đã đề ra là 50.000 tỷ đồng đến năm 2025, trong đó nguồn vốn FDI đạt trên 2,345 tỷ USD. Tổng số lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh tăng trên 23.886 người, đạt xấp xỉ 80% với mục tiêu Nghị quyết đề ra là tạo ra thêm 30.000 việc làm mới đến năm 2025.
Phân bố không gian, quy hoạch các KKT, KCN, CCN để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo được định hướng cụ thể theo các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hạ tầng giao thông kết nối đã và đang được triển khai đồng bộ tạo hành lang kết nối thuận lợi hai phía Đông – Tây tỉnh, kết nối thuận tiện đến các KKT, KCN tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế – xã hội nói chung và công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng. Ngành nghề thu hút đầu tư trong một số KCN theo đúng quy hoạch, định hướng phát triển và bước đầu đã hình thành chuỗi công nghiệp dệt công nghệ cao, cơ khí chế tạo, lắp ráp linh kiện, thiết bị điện, điện tử, ô tô, sản phẩm quang năng.
Kết luận nội dung này, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Sau 3 năm, Nghị quyết 01-NQ/TU đã đi vào cuộc sống, được các cấp, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc. Những giải pháp trong Nghị quyết được hiện thực hóa rất cụ thể và đạt mục tiêu đề ra, nhất là hạ tầng chiến lược, nguồn nhân lực, liên kết vùng và đặc biệt là quy hoạch tỉnh, quy hoạch các địa phương, quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất… Những chỉ tiêu Nghị quyết đặt ra đều đã đạt và vượt. Đến nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã tạo ra bước phát triển mới cả về quy mô, tỷ trọng đóng góp vào GRDP, giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội; thực sự trở thành trụ cột quan trọng, động lực chính cho tăng trưởng bền vững của tỉnh, nhất là trong giai đoạn khó khăn, thách thức do dịch Covid-19 gây ra đối với ngành du lịch, dịch vụ. Góp phần để Quảng Ninh giữ được tăng trưởng GRDP 7 năm liên tiếp (2016-2022) 2 con số.
Thống nhất với những tồn tại, hạn chế đã được nêu ra tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng thẳng thắn chỉ rõ: Nhận thức, trách nhiệm của một số cấp ủy, tổ chức Đảng chưa quyết liệt, chưa sâu sát, chưa quán triệt cụ thể hóa triển khai Nghị quyết một cách thường xuyên, bài bản; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo nhanh nhưng chưa có đột phá, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế là hạ tầng giao thông chiến lược đồng bộ, hiện đại, lợi thế về môi trường đầu tư kinh doanh, lợi thế về đất trong KCN – KKT có diện tích rất lớn và lợi thế từ việc Trung ương đã xác định Quảng Ninh là trung tâm kinh tế biển, thủy sản, năng lượng quốc gia, logistics. Cùng với đó là tỷ lệ lấp đầy trong các KCN vừa thấp, vừa chậm; quản lý Nhà nước, xúc tiến đầu tư chưa có nhiều đổi mới, chưa theo kịp tình hình.
Về nhiệm vụ thời gian tới, BTV Tỉnh ủy thống nhất điều chỉnh một số chỉ tiêu trong Nghị quyết 01. Cụ thể, từ nay đến 2025, mỗi năm phấn đấu thu hút khoảng 2 tỷ USD trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và tạo việc làm mới cho trên 20.000 lao động trở lên. Giai đoạn 2026-2030, phấn đấu mỗi năm thu hút 3 tỷ USD, giải quyết việc làm cho từ 30.000 lao động trở lên. Tỷ trọng đóng góp cho GRDP hàng năm của công nghiệp chế biến, chế tạo đến năm 2025 khoảng 20%. Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hàng năm đạt 20% trở lên.
Nhấn mạnh các giải pháp trong Nghị quyết 01 còn nguyên giá trị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức triển khai cụ thể hóa các giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết. Đồng thời, yêu cầu tiếp tục củng cố công tác cán bộ trong thực hiện mục tiêu quản lý Nhà nước về công nghiệp chế biến, chế tạo và các KKT, KCN; tăng cường công tác kiểm tra đối với nhiệm vụ phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo; phát triển lành mạnh thị trường bất động sản công nghiệp ở thị trường Quảng Ninh để có sức cạnh tranh cao, phục vụ cho các mục tiêu phát triển bền vững của địa phương. Phải có cơ chế định kỳ hàng quý nghe báo cáo về việc phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn.
Cho ý kiến về kế hoạch thi tuyển công chức khối Đảng, đoàn thể, chính quyền năm 2023, BTV Tỉnh ủy yêu cầu phải rà soát kỹ lưỡng, nghiêm túc việc đăng ký nhu cầu tuyển dụng của các cơ quan, đơn vị, địa phương, phải xác định đúng, trúng nhu cầu. Tiếp tục đổi mới kỳ tuyển dụng để chọn được những cán bộ công chức thực sự chất lượng gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức theo vị trí việc làm, gắn với thực hiện lộ trình tinh giản biên chế; Mở rộng nguồn tuyển như sinh viên tốt nghiệp đại học, cao học ở các trường có thương hiệu và nguồn từ cán bộ công chức cấp xã, từ nguồn viên chức sự nghiệp, từ doanh nghiệp. Nguyên tắc là phải đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan chức năng, các đơn vị, địa phương có nhu cầu tuyển dụng trong khâu phát hiện, tuyển chọn, công khai, khách quan, minh bạch, cạnh tranh và chống tiêu cực trong thi tuyển.
Trong ngày, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghe và cho ý kiến về dự thảo Đề án nâng cao chất lượng đội ngũ công chức chuyên môn tham mưu trực tiếp tại các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030. Đề án nhằm cụ thể hóa một trong những đột phá, nhiệm vụ then chốt mà Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh đã đề ra là “Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”, nhất là đội ngũ tham mưu ở các cơ quan trọng yếu, tạo nguồn nội lực chiến lược, cơ bản, lâu dài, đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Đề án xây dựng các mục tiêu cụ thể đến năm 2030 và đưa ra 7 nhóm giải pháp cụ thể, chi tiết nhằm hình thành đội ngũ công chức, “chuyên gia” trong các cơ quan tham mưu trọng yếu của tỉnh.
Tiếp đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghe và cho ý kiến về xem xét ban hành chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc thường xuyên tại các địa bàn: xã, thị trấn đảo; xã biên giới; xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi thuộc giai đoạn 2016 – 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, cùng nhiều nội dung quan trọng khác.