Tổng cục Thuế cho biết, tính lũy kế khi cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài vận hành từ tháng 3/2022 đến cuối tháng 7 năm nay, Google, Facebook, TikTok… đã nộp gần 9.300 tỷ đồng tiền thuế.
Đây là thông tin được đại diện Tổng cục Thuế chia sẻ tại hội thảo chuyên đề “Đổi mới quản lý thuế trong nền kinh tế số” tổ chức chiều 21/9.
Theo đó, đã có 62 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai và nộp thuế qua cổng thông tin điện tử. Nhà cung cấp đến từ nhiều quốc gia như: Hoa kỳ; Hà Lan; Hàn Quốc; Singapore; Hong Kong – Trung Quốc; Ireland; Lithuania; Thụy Sĩ, Úc; Anh… Trong đó, nhiều công ty công nghệ hàng đầu thế giới nộp thuế như Meta, Google, Apple, Tiktok, Samsung…
Tính lũy kế khi cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài vận hành từ tháng 3/2022 đến cuối tháng 7 năm nay, Google, Facebook, TikTok… đã nộp gần 9.300 tỷ đồng tiền thuế.
Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành ký kết các thỏa thuận, chương trình phối hợp. Trong đó, Tổng cục Thuế đề nghị ngân hàng cung cấp thông tin giao dịch thanh toán của nhà cung cấp nước ngoài; đề nghị Bộ Thông tin truyền thông chia sẻ dữ liệu nhà cung cấp nước ngoài phát sinh thu nhập tại Việt Nam, cá nhân có doanh thu phát sinh từ quảng cáo.
Tổng cục Thuế cũng làm việc với Cục An ninh mạng – Bộ Công an đề nghị chia sẻ dữ liệu cá nhân nhận thu nhập lớn từ quảng cáo, cá nhân có hoạt động kinh doanh mua, bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
“Thời gian tới, để tăng cường việc thu thuế thương mại điện tử, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục rà soát, phối hợp với bộ, ngành để quản lý đầy đủ nhà cung cấp nước ngoài, doanh nghiệp sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử. Ngành Thuế cũng xây dựng công cụ thu thập dữ liệu tự động đối tượng kinh doanh theo hình thức kinh doanh trực tuyến”, đại diện Tổng cục Thuế cho biết.
Cơ quan thuế tăng cường công tác quản lý thuế, chống thất thu thuế đối với hình thức kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số; đồng bộ dữ liệu dân cư với dữ liệu hộ tịch, thuế, ngân hàng, viễn thông, định danh và xác thực điện tử. Từ đó nghiên cứu phát triển hoặc tích hợp ứng dụng cổng thanh toán, ví điện tử, các tiện ích khác trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VnelD).