Vietnam Report vừa công bố FAST500 với những doanh nghiệp đứng đầu danh sách như Tập đoàn Nhựa Bình Thuận, Chứng khoán Tiên Phong, Liên doanh Stellapharm, Bee Logistics…
Theo tin từ Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), cơ quan này vừa công bố Bảng Xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp Tăng trưởng Nhanh nhất Việt Nam năm 2024 (FAST500).
Sự kiện đánh dấu hành trình 14 năm tìm kiếm, ghi nhận và tôn vinh những thành tích xứng đáng của các doanh nghiệp đạt hiệu quả tốt trong kinh doanh, dựa trên các tiêu chí chính như tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) về doanh thu, tổng tài sản, vốn chủ sở hữu, lợi nhuận trước thuế và uy tín doanh nghiệp trên truyền thông…
Năm nay, đứng đầu danh sách là 10 doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Tập đoàn Nhựa Bình Thuận, Công ty Cổ phần Chứng khoán HD, Công ty Cổ phần Chứng khoán Tiên Phong, Công ty Cổ phần Công nghệ và Dịch vụ Imedia, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng SOL E&C, Công ty Cổ phần Sữa Vitadairy Việt Nam, Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Taseco, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Liên doanh Stellapharm, Công ty Cổ phần Giải pháp Công nghệ CNC và Công ty Cổ phần Giao nhận Vận tải Con Ong (Bee Logistics).
Cũng trong khuôn khổ công bố Bảng Xếp hạng FAST500 năm 2024, Vietnam Report tiến hành khảo sát các doanh nghiệp nhằm phác họa bức tranh tăng trưởng toàn cảnh của doanh nghiệp Việt Nam, những yếu tố quan trọng nhất đóng góp cho sự tăng trưởng của doanh nghiệp trong năm qua và những định hướng hoạt động của doanh nghiệp trong thời gian tới. Theo đó, ghi nhận thành tích năm 2023 có tới hơn một nửa, tương ứng 51,7% số doanh nghiệp cho biết không hoàn thành kế hoạch doanh thu năm; 46,7% doanh nghiệp không đạt mức lợi nhuận đề ra trong năm 2023.
Ở chiều ngược lại, tỷ lệ doanh nghiệp hoàn thành và vượt kế hoạch ở hai chỉ tiêu đều thấp hơn giai đoạn 2021-2022. Đáng chú ý, tỷ lệ doanh nghiệp có doanh thu và lợi nhuận giảm sút tăng gần gấp đôi và gấp rưỡi so với cùng kỳ.
Theo nhận định của ông Vũ Đăng Vinh, Tổng Giám đốc Vietnam Report, sau giai đoạn đầy khó khăn, việc vực dậy niềm tin thị trường và trước hết là niềm tin của chính các doanh nghiệp không phải là điều dễ dàng; đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn vẫn đeo bám, việc bám trụ lại thị trường của các doanh nghiệp cũng trở thành một thách thức không nhỏ.
Trong hai tháng của năm 2024, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đã vượt số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường; trong đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là hơn 49.000 doanh nghiệp, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2023. Điều này chứng tỏ nhiều thách thức còn dai dẳng khiến không ít doanh nghiệp phải ngừng sản xuất, kinh doanh để chờ đợi cơ hội mới.
Mặc dù trong bức tranh tổng thể, sắc xám vẫn đang bao phủ và chưa thể loại bỏ một sớm một chiều, tuy nhiên, điểm tích cực là mức độ lạc quan của các doanh nghiệp đã phần nào cải thiện.
Theo kết quả khảo sát được Vietnam Report thực hiện trong hai tháng đầu năm 2024, triển vọng nền kinh tế được các doanh nghiệp đánh giá ở mức 3,5/5 – mức khả quan so với năm 2023.
Trong khi đó, triển vọng của chính bản thân doanh nghiệp được đánh giá khởi sắc hơn ở mức 3,8/5. Sự lạc quan của doanh nghiệp có thể tạo ra một chu trình tích cực, đi kèm với một tinh thần sẵn lòng đối mặt với thách thức và tìm kiếm cơ hội trong mọi tình huống, thể hiện sự tự tin và khả năng thích ứng của doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh khó khăn.
Hơn nữa, dấu hiệu phục hồi dù chậm và không đồng đều song cơ bản đã và đang dần xuất hiện ở một số lĩnh vực và ngành nghề.
Tốc độ tăng trưởng GDP có xu hướng tăng dần qua các quý trong khi xuất khẩu dù giảm 4,6% trong năm qua nhưng xét riêng quý cuối cùng của năm 2023, lĩnh vực này đã hồi phục gần 8,8% so với cùng kỳ.
Cũng theo kết quả khảo sát, kịch bản tăng trưởng từ 5-5,5% là kịch bản có số doanh nghiệp lựa chọn nhiều nhất với tỷ lệ bình chọn là 31,6%.
Kịch bản này thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn trước COVID-19, song cao hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng toàn cầu năm 2024 theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế được công bố hồi tháng 1/2024 là 3,1% và dự báo của Ngân hàng Thế giới 2,4% cùng ở thời điểm này.
Đánh giá về những tác động tiêu cực đến sức tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2024, ông Vinh phân tích kinh tế thế giới không suy thoái nhưng tăng trưởng sẽ chậm lại. Các tổ chức quốc tế cũng đều có chung quan điểm này khi dự báo tăng trưởng kinh tế quốc tế năm 2024 sẽ chậm hơn năm 2023.
Ước tính có thể là 2,4%, chậm hơn so với mức 2,7% trong năm 2023 và thấp hơn mức trung bình 3% trong giai đoạn 10 năm trước đại dịch COVID-19 từ năm 2011 đến năm 2019. Điều này tạo ra những rủi ro đáng kể đến thị trường xuất khẩu, đầu tư và du lịch quốc tế.
Ngoài ra, thương mại quốc tế có thể sẽ bị giảm động lực tăng trưởng. Ông Vinh cho rằng bước sang 2024, hoạt động xuất, nhập khẩu vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định.
Xu hướng bảo hộ thương mại xuất hiện nhiều hơn, nhiều nước có các biện pháp đưa đầu tư về trong nước với các rào cản thương mại để bảo vệ, thúc đẩy sản xuất trong nước.
Tăng trưởng thương mại toàn cầu dự kiến sẽ phục hồi lên 2,4% vào năm 2024 nhưng có thể sẽ vẫn thấp hơn nhiều so với xu hướng trước đại dịch là 3,2%. Trong khi đó, sự phân mảnh của thế giới và căng thẳng địa chính trị vẫn đang tiếp diễn, tạo ra nguy cơ gián đoạn nguồn cung và hàng hóa mới.
Thêm vào đó, áp lực về đáo hạn các khoản trái phiếu trong năm 2024. Nhờ những nỗ lực của cơ quan quản lý, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã và đang dần khởi sắc hơn từ nửa cuối năm 2023.
Tuy nhiên, áp lực với thị trường trong năm 2024 vẫn còn rất lớn khi khối lượng trái phiếu doanh nghiệp cần đáo hạn trong năm nay đã đạt đỉnh điểm với tổng giá trị đáo hạn lên tới gần 279,219 tỷ đồng; trong đó phần lớn là trái phiếu bất động sản với con số là 115,663 tỷ đồng, tương đương 41,4%.
Điều này có thể làm tăng áp lực thanh khoản cho các doanh nghiệp, tạo sức ép tài chính và ảnh hưởng đến việc tái cơ cấu cũng như các kế hoạch của doanh nghiệp.
Vì lẽ đó, trong năm 2024, doanh nghiệp sẽ thực sự cần tập trung mọi nguồn lực, mục tiêu kinh doanh và những biện pháp tiết giảm chi phí để thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất, thương mại nhằm bù đắp những khó khăn của thị trường, ông Vinh khuyến nghị./.