Vào ngày 12 và 13/12 tới đây, các nghi lễ tưởng niệm 715 năm Ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn (1/11 âm lịch) sẽ lần lượt được tổ chức tại chùa Ngoạ Vân (TX Đông Triều) và Cung Trúc Lâm Yên Tử (TP Uông Bí). Mỗi năm đến dịp này, các tăng, ni, phật tử, du khách lại hành hương về miền đất Phật, cùng nhau tưởng niệm công đức của Phật hoàng, vị vua đã rời bỏ ngai vàng theo đuổi con đường tu hành và sáng lập ra dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử trường tồn mãi với thời gian.
Quần thể khu di sản nhà Trần tại Đông Triều bao gồm một hệ thống lăng mộ các vua Trần, đền, chùa, miếu, am tháp với nhiều giá trị đặc sắc. Đặc biệt, quần thể này có am – chùa Ngọa Vân là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông lựa chọn về đây tu hành những năm cuối đời và hoá Phật tại đây. Đông Triều còn là nơi hoạt động chính của Pháp Loa, vị tổ thứ 2 của Thiền phái Trúc Lâm, nơi có Thái Miếu của nhà Trần và toàn bộ hệ thống lăng mộ vua Trần thế kỷ XIV…
Các nhà nghiên cứu nhận định rằng, các di sản nhà Trần ở Đông Triều đều được đặt trên các bậc thềm cao của hệ thống sông Kinh Thầy – Bạch Đằng, tựa lưng vào dãy núi Yên Tử, cũng chứng minh sự am hiểu điều kiện sông nước của người Việt thời bấy giờ để lựa chọn được những khu đất, thế đất ổn định, an toàn mà đặt lăng mộ, đền, chùa, miếu mạo, hướng đến một sự trường tồn cho những công trình này.
Câu chuyện về Phật giáo Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông sáng lập, theo các nhà nghiên cứu, có sự kế thừa, tiếp nối và giao thoa từ các giá trị của Phật giáo Ấn Độ, Trung Quốc vào thời Trần. Còn cuộc đời tu hành của vị sơ tổ Trúc Lâm lại có sự mô phỏng gần như nguyên vẹn câu chuyện hình thành Phật giáo nguyên thuỷ ở Ấn Độ gắn với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Tương tự như Đức Phật, Phật hoàng Trần Nhân Tông có 3 đệ tử. Việc Ngài nhập niết bàn, các đệ tử xây tháp Thích Ca, các hoàng đế đến thăm Đức Phật nơi núi Linh Sơn đều được thấy lại gần tương tự như ở Yên Tử trong quá trình Phật hoàng Trần Nhân Tông tu tập và truyền đạo trong khu di sản cũng như toàn cõi Đại Việt và lân bang.
Tại khu di tích – danh thắng Yên Tử (TP Uông Bí), 16 chùa tháp ở đây lần lượt kể lại hành trình của giáo chủ Trần Nhân Tông kể từ lúc khởi hành vượt kinh đô đến Yên Tử tu tập, thành đạo. Đó là chùa Suối Tắm, nơi Ngài dừng lại tắm giặt, rũ sạch bụi trần. Đó là chùa Cầm Thực, nơi Ngài uống nước suối thay cơm, thể hiện tinh thần quyết tâm tu tập. Đó là chùa Giải Oan, nơi các cung nữ gieo mình khi không thuyết phục được Ngài về kinh, thể hiện quyết tâm không lùi bước.
Đó là chùa Vân Tiêu, nơi Ngài ở và trước tác. Thác Ngự Dội và am Thiền Định là nơi Ngài ngồi hoà vào thiên nhiên tham thiền nhập định. Đó là chùa Một Mái, nơi Ngài tập trung đọc sách, thiền định; là Am Dược, Am Thung là nơi Ngài và các ngự y chế thuốc luyện đan vào mùa xuân. Đó là chùa Lân, chùa Hoa Yên là nơi Ngài thuyết pháp. Tháp Tổ là nơi đặt xá lị của Ngài sau khi viên tịch. Chùa Vân Tiêu là nơi Ngài ở và truyền tâm ấn cho Pháp Loa, Bảo Sái. Đó là chùa Đồng và hình tượng Phật hoàng nhập niết bàn bằng đá gốc tự nhiên trên đỉnh núi Yên Tử, tượng trưng cho quá trình tu đạo viên mãn của Ngài.
Nói về giá trị của 2 khu di sản này, PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, khẳng định: Khu di sản Yên Tử có 2 giá trị, là về nơi hình thành, khởi phát và phát triển của Phật giáo Trúc Lâm – tông phái dân tộc thành công, đặc sắc nhất của Việt Nam và cũng là khác biệt trên thế giới. Còn khu di sản nhà Trần tại Đông Triều chứa đựng minh chứng gần như duy nhất về những đền, miếu của nhà Trần, quê hương của nhà Trần và để nói với thế giới về truyền thống đoàn kết, về tư tưởng thương dân, vì dân. Nơi đây cũng nói lên câu chuyện Phật giáo Trúc Lâm khởi phát từ Yên Tử nhưng được minh chứng là viên mãn, phát triển cao ở khu vực Đông Triều, ghi dấu nơi Phật hoàng hoá và nhập niết bàn, hình thành một hệ thống di tích thể hiện cho sự thành công đó của Phật giáo Trúc Lâm.
Quần thể di sản nhà Trần tại Đông Triều và khu di tích – danh thắng Yên Tử tại Uông Bí với các giá trị lịch sử, văn hoá vô cùng to lớn, là những bộ phận quan trọng nằm trong Quần thể di sản Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc, đã được 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang phối hợp lập hồ sơ đề cử UNESCO công nhận là di sản thế giới.