Là huyện đảo phên giậu vùng Đông Bắc của Tổ quốc, huyện Cô Tô sở hữu cảnh sắc thiên nhiên huyền ảo, hình thế địa linh, biển bạc non ngàn. Phát huy lợi thế sẵn có, địa phương này đang tập trung thu hút, phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ mới đảm bảo tính chuyên nghiệp, bền vững; phấn đấu trở thành huyện đảo du lịch sinh thái, chất lượng cao, trung tâm du lịch quốc gia.
Để đáp ứng nhu cầu của du khách, năm nay huyện Cô Tô tiếp tục vận động doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh chú trọng đầu tư nâng cấp, sửa chữa và xây mới các khách sạn, nhà nghỉ, homestay. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện có 9 cơ sở lưu trú xây mới, 50 cơ sở được nâng cấp. Trên địa bàn huyện hiện có 290 cơ sở lưu trú với 3.000 buồng, phòng đáp ứng nhu cầu của du khách. Ông Nguyễn Đăng Lương (khu 1, thị trấn Cô Tô), cho biết: Ngoài hệ thống dãy nhà sàn đã được đi vào hoạt động nhiều năm nay, gia đình tôi vừa hoàn thành xây dựng nhà theo dạng villa với 8 phòng, vệ sinh khép kín, không gian sinh hoạt chung rộng rãi… nhằm phục vụ khách lưu trú. Thêm nữa, gia đình cũng đã cải tạo lại toàn bộ sân, vườn và ao để đáp ứng nhu cầu du khách ăn uống, vui chơi, giải trí.
Hiện huyện Cô Tô đang hoàn thành nâng cấp, mở rộng cảng Thanh Lân, cảng Bắc Vàn; phấn đấu sớm triển khai đầu tư dự án nâng cấp cảng Cô Tô; đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn huyện. Cô Tô cũng đã đề nghị đầu tư, nâng cấp hạ tầng, chất lượng dịch vụ viễn thông, ngầm hóa cáp viễn thông; sớm triển khai phủ sóng di động trên toàn huyện phục vụ phát triển du lịch; nghiên cứu quy hoạch bãi biển Tình Yêu là bãi biển công cộng. Đồng thời kêu gọi đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, điện, nước đáp ứng nhu cầu của du khách, nhất là vào thời gian cao điểm du lịch.
Khác với mọi năm, chuẩn bị cho cao điểm du lịch, huyện đã khởi động với nhiều hoạt động sôi động ngay từ đầu năm 2024, như: Giải đua thuyền kayak trên biển, lễ hội mở cửa biển xã Thanh Lân, giải đua thuyền kết nối các huyện đảo và nhiều hoạt động văn hoá, thể thao dịp kỷ niệm 30 năm thành lập huyện đảo Cô Tô như giải bơi xác lập kỷ lục 30km trên biển Cô Tô, triển lãm ảnh đẹp về Cô Tô…
Cùng với đó, huyện đang phát triển sản phẩm du lịch sinh thái độc đáo, đa dạng và hấp dẫn, như: Du lịch thể thao với đi bộ trong rừng, leo núi, bóng chuyền bãi biển, chạy marathon, yoga, thiền; du lịch biển gồm chèo thuyền, tắm biển, bơi có ống thở, lặn có bình dưỡng khí xem san hô và sinh vật biển, tour ngắm cá voi, ngắm rùa biển, trải nghiệm câu cá; liên kết tổ chức các giải thể thao quốc gia. Ngoài ra, địa phương đang phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch đáp ứng tiêu chí xanh như cơ sở lưu trú, dịch vụ dán nhãn không rác thải nhựa, du lịch không rác nhựa, các chương trình du lịch kết hợp nhặt rác; ứng dụng công nghệ thực tế ảo 360 độ tại Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; du lịch đạp xe trải nghiệm một vòng Cô Tô về đêm; khu tổ hợp vui chơi thể thao giải trí trên biển kết hợp ngắm hoàng hôn tại bãi biển Tình Yêu; cắm trại đêm tại Thanh Lân… Đặc biệt, huyện đang đề xuất thí điểm đưa khách tham quan đảo 7 sao.
Năm nay, huyện dự kiến sẽ tổ chức 44 sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch. Điều đáng nói là những hoạt động này được tổ chức trải đều trong tất cả các tháng trong năm trên cơ sở khai thác tối đa lợi thế, phát huy tiềm năng, xây dựng điểm đến 4 mùa. Có thể kể đến như: Lễ thượng cờ Tổ quốc khẳng định chủ quyền biển đảo; chương trình âm nhạc đường phố; tuần lễ làm sạch môi trường biển, nói không với túi nilon và rác thải nhựa; công bố bộ tiêu chí du lịch xanh, gắn logo du lịch xanh và công bố danh sách các cơ sở lưu trú du lịch đạt tiêu chuẩn; tổ chức giải bơi vượt biển…
Kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, Cô Tô đã đón 19.400 khách, tăng 132% so với cùng kỳ 2023. Với cảnh quan hấp dẫn, hạ tầng đồng bộ, sản phẩm đa dạng, Cô Tô tiếp tục khẳng định là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước, góp phần hiện thực mục tiêu đạt trên 300.000 lượt khách với doanh thu 900 tỷ đồng trong năm nay.