Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU của Tỉnh ủy, ngày 26/9/2022 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030, thời gian qua, huyện Cô Tô đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn.
Ban Thường vụ Huyện ủy Cô Tô đã chỉ đạo các đơn vị, phòng ban, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc tuyên truyền, quán triệt nghị quyết, đồng thời, lồng ghép các nội dung chỉ đạo về lĩnh vực bảo vệ tài nguyên môi trường, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo đảm an ninh nguồn nước trong nghị quyết hàng năm về phương hướng, nhiệm vụ công tác của địa phương.
Trên cơ sở này, công tác tuyên truyền phổ biến trong nhân dân được các cấp chính quyền, Uỷ ban MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội từ huyện đến xã tiến hành sâu rộng với các hình thức phù hợp với từng đối tượng như: Loa truyền thanh, tờ rơi, họp tổ dân, hội nghị, phát động phong trào vệ sinh môi trường… Thông qua việc tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tạo hiệu ứng tích cực trong việc tổ chức, triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu nghị quyết đề ra.
Ban Thường vụ Huyện ủy Cô Tô cũng ban hành nhiều quyết định, đề án liên quan đến công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn, đặc biệt là đề án “Huyện Cô Tô không rác thải nhựa”. Trong đó, huyện tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về không đổ thải, chất thải nhựa nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung gắn với thực hiện các chế tài đã được quy định. Tập trung thực hiện việc phân loại rác tại nguồn, thu gom và xử lý rác thải; ngăn chặn việc xả thải rác từ các phương tiện tàu, thuyền xuống biển; không sử dụng túi nilon khó phân hủy, các sản phẩm từ chất liệu nhựa dùng 1 lần.
Qua đó, ngăn chặn những tác động tiêu cực của rác thải nhựa đến môi trường biển, đảo để bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên biển, bảo đảm sinh kế người dân, đồng thời giữ được cảnh quan, môi trường tự nhiên, gắn với phát triển du lịch bền vững… Từ ngày 15/9/2023, huyện Cô Tô đề nghị tất cả các du khách không được mang túi nilon và đồ nhựa dùng một lần ra đảo. UBND huyện cũng yêu cầu 100% cơ quan, đơn vị, trường học, chợ, cơ sở kinh doanh dịch vụ, phương tiện tàu vận chuyển khách, vận chuyển hàng hóa, đánh bắt hải sản… trên địa bàn huyện Cô Tô không sử dụng túi nilon, đồ nhựa dùng một lần (hộp nhựa, cốc nhựa, ống hút nhựa dùng một lần,…) và các vật liệu có nguy cơ ô nhiễm môi trường biển.
Bên cạnh đó, nhiều hoạt động, phong trào ý nghĩa về bảo vệ môi trường đã được huyện Cô Tô duy trì thực hiện, như: Chiến dịch “Hãy làm sạch biển”; phong trào tổng vệ sinh thứ 5, thứ 7; triển khai các đề án “Phân loại rác thải tại nguồn”; phong trào tuyến đường hoa… Từ các phong trào này, người dân, du khách đã nâng cao trách nhiệm trong việc tham gia vệ sinh môi trường, nâng cao ý thức để rác đúng nơi quy định, bảo vệ cảnh quan sinh thái… Qua đó, đã góp phần rất lớn tạo môi trường xanh – sạch – đẹp tại các bãi biển, khu dân cư, xây dựng nếp sống văn hóa bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện. Theo đánh giá của huyện Cô Tô, hiện, huyện đã hoàn thành 6/8 chỉ tiêu Nghị quyết số 10-NQ/TU. Trong đó, tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt tại các đô thị đạt 98%, tại các xã đảo có hoạt động du lịch đạt 99%; tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 58%; 98% hộ gia đình ở đô thị và 80% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn…
Đặc biệt, hoạt động bảo vệ môi trường có chuyển biến tích cực trong nhân dân. Môi trường tự nhiên trên địa bàn huyện ngày càng được bảo vệ hiệu quả. Nhiều loài sinh vật biển quý hiếm đã quay trở lại trên vùng biển Cô Tô: Cá voi, cá heo, rùa… Theo các nhà khoa học, chuyên gia môi trường biển, việc các sinh vật biển xuất hiện thường xuyên là minh chứng cho thấy môi trường biển ở Cô Tô ngày càng tốt lên, công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, chống đánh bắt tận diệt được thực hiện tốt, nhiều loài thuỷ hải sản phục hồi. Có thể thấy, từ việc quyết liệt trong bảo vệ môi trường, chống ô nhiễm rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa, quyết tâm xây dựng đảo Cô Tô xanh, sạch, đẹp, đã đem đến thành quả tích cực đưa huyện Cô Tô ngày càng phát triển bền vững, môi trường tự nhiên được đảm bảo.