Một số anh em trong làng văn nghệ Cẩm Phả, gọi căn nhà số 9, ngõ 231, đường Trần Phú, thành phố Cẩm Phả là “Nơi hội tụ tâm hồn”. Sự lạ lùng ấy đã kích thích tính tò mò của tôi. Phần thì bận công việc phần thì ngại, không biết chủ nhân trong căn nhà có địa chỉ kia, là người thế nào. Tính cách dữ hay lành, tự nhiên vác xác đến, cũng thấy ngài ngại. Sự khao khát như đống rấm âm ỉ.
Ngày đầu tiên đến địa chỉ ấy vào cuối năm 2016, chả là cuộc thi viết về ngành than. Từ Công ty Than Hòn Gai, nhờ xe của đoàn Cẩm Phả, cùng đi nhận giải về. Mải nói chuyện, tôi quên béng tấm giấy khen trên xe đi thẳng về Vân Đồn. Hôm sau có người cho địa chỉ Trần Tâm, chủ của… “Nơi hội tụ tâm hồn” là người cầm hộ tôi. Cuộc đời thật lạ, mỗi sự việc diễn ra hàng ngày là một mắt xích, xấu có tốt có. Đến bằng một sự ngẫu nhiên, vì thế nó đã tạo điều kiện cho tôi đến, lấy lại thứ bỏ quên.
Bước vào trong nhà, thoáng nhìn có đến gần chục người tầm trên bảy mươi, có người hơn. Tôi chào mọi người và giới thiệu tên mình. Thấy phụ nữ đến có vẻ hiếm hoi, sẵn tính hài hước, hoạ sĩ Bùi Quang Minh giới thiệu hộ chủ nhà với tôi từng thành viên. Đây là nhà văn Trọng Khang, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, người được ví “đẻ như máy”, mấy năm liền, năm nào cũng ra tập sách. Bên phải là nhà văn Trần Đình Nhân, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, em cọc chèo của nhà văn Trần Tâm. Nghe đâu ông bố vợ mừng lắm, vì có những hai anh con rể, chữ nghĩa đầy mình, thở ra thơ, ho ra văn. Kế bên, anh Nghiêm Hải Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật thành phố Cẩm Phả. Tay này có biệt tài săn tin, viết kí nhanh như chớp, thoắt cái Vân Đồn, Móng Cái, Bình Liêu, Ba Chẽ… Cái anh trắng như bột kia là Đỗ Hậu, trưởng ban sân khấu của Hội Văn học nghệ thuật thành phố Cẩm Phả, chuyên trị “xào nấu” kịch bản cho các em U60 diễn. Ông kia là Lê Điệp, chuyên thơ, rất hay tủm tỉm cười. Ông Phạm Ngọc Minh, “hai tay hai súng”, vừa nhiếp ảnh vừa sáng tác thơ. Bác cả Đặng Mạnh Đàm, Chi hội trưởng Ban Văn học nghệ thuật thành phố Cẩm Phả, toàn là dân văn nghệ thành phố.
Bác Minh hài hước giới thiệu xong từng thành viên, bàn tay hướng về phía trước. Giọng bác chuyển tốc độ. Đây là gương mặt tiêu biểu, chủ đại diện “Nơi hội tụ tâm hồn”- nhà văn Trần Tâm, cày chữ khỏe gấp mấy cày than. Đặc biệt, ngủ ít viết nhiều, cái gì lão cũng làm tí. Thấy đàn bà đẹp không dám nhìn trộm. Mọi người được bữa cười như pháo. Hỏi ra, được biết, hằng ngày họ đến đây bàn về công tác hội, có khi chỉ đến uống rượu và tán gẫu. Tôi liếc dưới gầm bàn mấy chiếc vỏ chai, cái đứng cái nằm, cái đầy cái vơi, các loại rượu. Góc nhà mấy chiếc can to màu trắng đục, tôi đoán đó là “hàng dự phòng”. Thế đấy, bước đầu biết sơ sơ phần nào về địa chỉ trên.
Thế rồi qua nhà thơ Hoàng Hòa, tôi quen Phạm Thị Thắm, hội viên Hội Văn học nghệ thuật Cẩm Phả. Tôi và Thắm một phần hợp gu, vì tính cách ăn mặc còn giữ chất quê. Nhà Thắm cách nhà con gái tôi một con đường ngắn. Ngoài làm thơ viết tiểu phẩm, diễn ở khu phố, Thắm còn làm từ thiện, làm công tác ở khu, bận rộn suốt ngày. Thế rồi, Thắm và tôi cũng được “biên chế chính thức” vào “Nơi hội tự tâm hồn” lúc nào không hay.
Nhà Trần Tâm cách nhà Thắm một con dốc thoai thoải. Lúc đến hai đứa đạp xe trẹo cả xương sườn. Có lần hai đứa cố đạp xe “tét” thử đôi chân, vượt dốc, đến nơi vừa dựng xe, vừa thở, chào mọi người. Bên trong mấy ghế đã kín chỗ. Thắm, tự nhiên như nhà mình, đi thẳng vào bên trong phòng sách, lôi ra hai chiếc ghế. Hai đứa ngồi ngay phía ngoài. Căn nhà ba gian lợp ngói, gian giữa làm trụ sở “Nơi hội tụ tâm hồn”. Bên phải đã xây ngăn. Bên trái là chiếc giường cạnh giá kẽm, cõng ba bốn tầng sách. Sách nhiều vô kể. Toàn sách bạn bè tặng và tài liệu tham khảo. Nhiều lần Trần Tâm đưa tôi thơ văn mang về đọc. Đối với tôi đó là quà quý nhất không gì bằng.
Một hôm chúng tôi đến có các anh: Bùi Điền, Trần Khiên, Trung Năm, Trần Ngọc Dương, Bùi Văn Phúc, Tùng Lâm… Trong đó, nhà văn thương binh nặng Tùng Lâm và tôi còn là đồng hương Vĩnh Bảo (Hải Phòng). Tất cả họ là những cây bút làm rạng danh cho vùng than Đông Bắc. Cả anh Duy Liễm, vừa mới kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Hỏi ra thì là mấy anh đến lấy tiêu chuẩn báo Hạ Long của hội viên. Cả bác Phương “Lòng phèo” em rể của cố nhà thơ Ngô Tiến Cảnh và mấy ông hàng xóm, không văn nghệ gì nhưng thích đến đây. Nghe nói, chẳng ngày nào nhà Trần Tâm không có khách, người này ra người kia vào. Khoảng 11 giờ trưa là giải tán. Chiều lại tiếp tục từ hai giờ đến bốn rưỡi. Xuân hạ thu đông.
Tôi hỏi Trần Tâm: Tiếp khách thế thì anh viết vào lúc nào?. À, tôi viết từ một giờ đêm đến tang tảng thì đi bộ. Tôi tự nhủ, hình như bà mụ nặn ra Trần Tâm để tươi cười. Kể cả chiếc ảnh đại diện, đến ảnh chụp tập thể, vẫn thế. Đôi khi nhìn nụ cười biết tính cách con người. Lão cũng chẳng tức giận, nói xấu và thù ghét, mất lòng ai. Chả thế mà bạn bè thơ văn, gần xa đều quý mến.
Hội Văn học nghệ thuật Cẩm Phả có một phòng có đầy đủ tiện nghi như quạt trần, tủ, bàn ghế, cốc chén… tại Trung tâm Văn hóa- Thể thao thành phố Cẩm Phả. Căn nhà Trần Tâm – tiền thân có tên “Văn phòng hai” của Hội, tranh luận, cuối cùng duyệt thành “Nơi hội tụ tâm hồn“, nghe có vẻ thật hơn. “Nơi hội tụ tâm hồn” lúc đầu có 3 người, sau 4-5 người, dần dần tăng lên con số gần 30.
Tuy căn nhà chật chội nhưng tấm lòng của chị Mão – vợ Trần Tâm thì chọn nghìn người phụ nữ, may được một. Có lần tôi và Thắm đến tầm 7h30 sáng có chút việc, thấy chị Mão đang hai tay hai phích nước sôi để góc nhà, cho khách đến chơi pha trà. Thấy chúng tôi chị đon đả mời, rồi thu dọn cốc chén, lau bàn. Tôi và Thắm hay đến đây chả bao giờ thấy chị than phiền. Có lần tôi nửa đùa nửa thật. Ông Tâm suốt ngày khách khứa, không giúp vợ lúc bận, chị không tức sao? Làm sao lại phải tức, việc ông ấy làm, việc tôi, tôi làm, miễn là ông ấy vui.
Cái giận của chị Mão cũng lạ lắm. Ngày ba bữa nấu còn bưng lên nhà cho chồng, kèm theo câu: Ông ăn cơm đi kẻo nguội! Hôm nào giận, chị không mang lên nhà, mà đậy lồng bàn ở dưới bếp. Chị chọn chiếc ghế cao và chắc chắn cho chồng ngồi, nhận về mình chiếc ghế cũ vừa yếu và thấp. Hôm nào giận lên đỉnh điểm là trả sổ lương cho chồng, đâu được vài hôm lại xuê xoa, hết giận.
Có những chuyện người kể lại, vì Trần Tâm rất kín kẽ không khoe. Ngày con nhỏ nheo nhóc, vợ chồng con cái sống chung một căn nhà cấp bốn hai gian. Trời rét không có chăn đắp. Đang đêm có tiếng gọi, Trần Tâm ra mở cửa, thấy ba người lạ, vừa đói vừa rét run cầm cập. Chúng tôi đi công tác, được bạn của anh giới thiệu địa chỉ. Mong sự giúp đỡ của anh chị!
Giữa đêm khuya, nhà không có thứ gì nấu ăn, ngoài ổ gà đang ấp được vài hôm, Trần Tâm rỉ tai vợ, chỉ còn cách ấy. Chị Mão địu con, dậy vét gạo trong thùng nấu cơm. Ăn xong, Trần Tâm gọi nhà nghỉ cho ba vị khách, sáng hôm sau gọi cả ba ra quán ăn sáng, chuyện trò vui vẻ. Được vài hôm, chủ nhà nghỉ gọi Trần Tâm đến thanh toán tiền.
Đâu phải một lần, nhiều lắm, người quen người lạ, khách gần khách xa. Lão hay nghĩ cho người hơn cho mình, chả thế khách khứa từ tứ xứ, một khi đã quen, kể cả chưa biết, lão chẳng nề hà. Người từ Kiên Giang ra, người từ Thanh Hóa về, người từ Huế đến, người từ Hải Phòng sang… Năm 2000, có một người quê miền Trung đến ở hàng tuần, đi hai ngày lại quay lại. Mấy hôm sau Trần Tâm đưa đến nhà nhiếp ảnh Quang Trong đang ở tập thể. Ở được vài hôm, Quang Trong dẫn ông ấy đi ăn sáng, mua vé xe cho ông ấy về miền Trung. Cũng một lần tám giờ tối, thấy tiếng người lố nhố ngoài cửa. Cơm cơm, Tâm ơi! Nhà không còn gạo, chị Mão đi vay về nấu cơm. Mấy người dải chiếu xuống đất nằm, chờ cơm. Cũng may ăn xong họ đi luôn, không ngủ lại.
Có chuyện chính Trần Tâm là nạn nhân của một cuộc từ chối khéo. Năm lão lĩnh giải thưởng, thấy lão chào rất niềm nở. Ơ, mới đến à. Bao giờ về? Vài câu xã giao rồi đi. Cũng không mời vào nhà hoặc cơm cháo gì chưa. Lão đang định mở hầu bao chiêu đãi thì người ấy đi. Lão đành điện gọi cho mấy người quen. Người thì bảo không có ở nhà, người bảo tớ có việc bận, người thì vợ nghe máy bảo anh ấy đi vắng. Nếu thời ấy có nhà nghỉ thì làm gì có chuyện để mà nói. Cuối cùng đến nhà Nguyễn Vĩnh Tuyền, bố nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến ngủ nhờ. Sau này về có người biết chuyện, chả biết thật, hay đãi bôi. Sao không gọi cho tôi?
Riêng lão dù chưa quen hay đã biết, chỉ cần a lô! Chấp tất. Có lần một người đến ở khá lâu, lão ngại chẳng dám giục, được thể còn nấn ná, mãi mấy chịu đi. Năm 2022, có chị từ Nghệ An, chỉ quen biết qua Facebook cũng tìm đến nhà. Lão gọi tôi và Thắm ra quán ăn cơm cùng, cho đỡ ngại. Tiện thể nhờ Thắm cho chị khách ngủ qua đêm.
Trong những chuyến du lịch hay trại sáng tác, Trần Tâm ngồi trên xe ô tô, lướt qua một vùng đất, ý tưởng đã hình thành trong đầu. Miệt mài chăm chỉ, viết từ truyện thiếu nhi cho tới tản văn, bút ký, truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết. Chả thế mà có năm Trần Tâm ra ba tập tiểu thuyết dày đến nửa gang tay. Thắm có lần nằm đọc sách lão tặng liền gọi điện trêu: Sách gì mà lắm chữ thế? Dở ra toàn chữ là chữ. Nằm dơ sách lên thì mỏi tay, đặt lên đùi thì đau cả đùi. Không biết phải đọc bằng cách nào? Trần Tâm cười khà khà: Gọi ông nào đến nằm mé, cầm cho mà đọc.
Thắm trêu cho vui chứ, bốn tập tiểu thuyết “Đất bỏng” và tập “Người từ vùng than” đã nói lên tất cả sự lầm lũi, vất vả, kiên trì vượt lên của của Trần Tâm với những người thợ mỏ. Cũng là niềm tự hào, một cây bút của Hội Văn học nghệ thuật thành phố Cẩm Phả. Tiểu thuyết “Đất bỏng”, đã đoạt giải nhất cuộc thi sáng tác do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức.
Chiếc máy vi tính với Trần Tâm như hai người bạn, một ngày ốm không mổ cò, khác nào cơ thể thiếu chất, lão bò dậy “bù nước bù khoáng”, viết ngay. Chăm chỉ như người nông dân thực thụ yêu ruộng đồng. “Không cho chữ nghỉ, không ngừng đôi tay”. Lão viết tất tần tật. Tuổi thơ nhớ từng con cá lành canh, bống mũn, ngao sò, lá dong, dọc mùng, bánh cuốn… Một kho tàng tản văn trình làng. Tập truyện “Khuyển đế” cũng vậy, dí dỏm vừa đủ để người đọc không chán. Có bạn đọc từ xa đạp xe đến nhà, hỏi lão có bán giống “Khuyển đế” không? Lão cười cười, mời họ vào nhà, uống nước, ăn cơm, tâm tư và biếu họ ít tiền để trên đường về uống nước. Tất cả kho tàng văn học được miệt mài “cuốc” từ trong tiềm thức có khi ngay hiện tại.
Trần Tâm làm thợ mỏ và làm thơ năm 17 tuổi, tính đến hết năm 2022, xuất bản 8 tập thơ, 1 tập tản văn, 4 tập truyện ngắn, 6 tiểu thuyết trong đó tiểu thuyết “Đất bỏng” 4 tập, “Người bên bóng núi” 2 tập, nhận 1 bằng khen, 4 huy chương, 1 giải A, 4 giải B, 3 giải C và nhiều giải thưởng khác.
Lại nói đến thơ, Trần Tâm lấy chị Mão đã ngót 50 năm, hằng ngày chẳng bao giờ nịnh vợ. Ấy thế mà bài thơ “Nói với em”, viết từ tận đáy lòng, ai đọc cũng thấy cảm động: “Công danh, sự nghiệp bao ngày/ Đừng như “rơm” bụi gió bay ngang trời/ Trở về thương vợ nhất đời/ Mà sao vẫn cứ như người “giở say”/ Thương em vất vả tối ngày/ Thổi cơm vét gạo… nuôi bầy con thơ/ Một mai… má hóp, mắt mờ…/Em đâu là chiếc võng tơ để mà…” Hoặc: “Khi em vắt máu trong người/ Nuôi bầy con dại, giữ lời trăm năm“. Tình thương yêu vợ, không nói ra bằng lời, thì thốt ra bằng thơ. Đã là thơ kể cả khi về trời, vẫn còn lan tỏa yêu thương.
Đến nhà Trần Tâm hơn chục năm, thấy có hai thứ mang ra đãi khách đó là “tình yêu con người”, trà rượu chỉ là thứ yếu. Nhiều khách đến đây không uống rượu, không trà… mà uống cái dễ dãi, không so đo, tính toán thiệt hơn… Uống cả cái không khí vui, thay cho nỗi buồn. Uống trà một mình không vào, uống nhiều mình, trà không ngon cũng thành hảo hạng.
Tiền nong không nhiều, nhưng hết lại có. Lúc thì món nhuận bút, lúc thì tiền giải thưởng của một cuộc thi, thấy những chiếc can nằm nghiêng, lão ới to một tiếng. Can to hay can bé, mua nhiều hay ít còn phụ thuộc vào tiền nhuận bút của từng báo. Bài hai trăm, năm trăm có khi một triệu… Phóng khoáng cả khi rót rượu mời khách. Lão chuyên trị rót vào cốc to để đỡ phải rót nhiều lần. Người thích rượu, rót “lượt đi” có khi “lượt về”, riêng lượt “luân lưu” hiếm gặp. Được cái những khách đến, thi thoảng có người cũng biết điều, cân chè vừa ở quê ra, có bác chai rượu con rể biếu, mang đến góp vui. Nhất là bác cả Đặng Mạnh Đàm, tuy không uống rượu bao giờ, nhưng là “chuyên gia” cung cấp những chai rượu ngon xoắn lưỡi. Chả biết lão nói đùa hay nói thật. Viết bài gửi các báo trong dịp tết, có năm tổng thu nhập lên tới vài chục triệu. Tôi bảo lão nổ. Lão bảo thật đấy. Có khi lão nói thật. Đây là “quỹ đen” để trang trải những lúc cần. Riêng tiền lương hưu đưa tất cho vợ. Thảo nào làm chủ đại diện “Nơi hội tự tâm hồn” uy tín gần bằng một phần vạn tổng thống của một nước. Lão vẫn bình yên cười cười, chả lo lắng gì. Gần hai chục năm, không thay người, không hề có ý định, chuyển đến địa chỉ nào khác, ngoài căn nhà mang tên số 9, ngõ 231, đường Trần Phú, TP Cẩm Phả. Vẫn đang hoạt động tốt, sẽ tồn tại đến khi nào, nhà văn Trần Tâm, chủ đại diện ” Nơi hội tụ tâm hồn” kiệt sức, tàn hơi.