Chuyển đổi số đang mở ra nhiều cơ hội cho người nông dân trong đổi mới tư duy từ lao động truyền thống thuần túy sang hiện đại, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Đón bắt cơ hội này, ngày càng có nhiều hội viên, nông dân Quảng Ninh nhanh chóng thích ứng, đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh.
Những nông dân thời đại mới
Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, ông Đồng Quang Cường (xã Cẩm La, TX Quảng Yên) không cần thiết phải có mặt tại trang trại của mình mà vẫn có thể nắm rõ tình hình chăn nuôi. Việc vận hành trang trại 3,5ha với trên 15.000 con gia cầm đã thuận lợi hơn rất nhiều nhờ áp dụng chuyển đổi số. Thời gian còn lại ông Cường dành cho việc nghiên cứu thị trường, kết nối bạn hàng và hoạch định chiến lược phát triển trong tương lai.
Ông Cường chia sẻ: Trang trại được lắp đặt hệ thống điều khiển, tự động hóa như máy cho ăn tự động, nước uống tự động, hệ thống làm mát, khử mùi… Các thông số về độ ẩm, môi trường, ánh sáng, nhiệt độ sẽ được giám sát và kiểm soát ngay trên điện thoại thông minh. Dù ở không gian, thời gian nào, tôi cũng nắm rõ tình hình sản xuất thực tế, có thể trực tiếp điều chỉnh thông qua các mã lệnh được cài đặt trên ứng dụng, qua đó xử lý những tình huống phát sinh. Làm nông nghiệp bây giờ đỡ vất vả hơn trước rất nhiều.
Còn anh Lê Đức Hòa, một nông dân trồng cây ăn quả tại xã Bình Khê (TX Đông Triều) vẫn không thể tưởng tượng mình có thể trở thành một nhà nông thành công điển hình như hôm nay. Không chỉ tham gia sàn thương mại điện tử riêng của địa phương là Đông Triều Mart (http://dongtrieumart.vn), anh Hòa cũng tự kết nối với nhiều sàn tiêu thụ nông sản thương mại điện tử (Sendo, Lazada, Cuccu…), sử dụng các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo để tiếp cận, bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng.
Nhờ ứng dụng công nghệ số trong quảng bá hình ảnh nông sản, đặc biệt là đặc sản na Đông Triều, lại chăm chỉ tham gia tập huấn về công nghệ thông tin, cách thức bán hàng online, cách chụp ảnh, quảng bá sản phẩm, nông sản của gia đình anh Hòa đã được nhiều khách hàng biết đến, việc tiêu thụ thuận lợi hơn rất nhiều.
Chuyển đổi số cũng đã mang lại cho anh Trần Sĩ Dũng, chủ Cơ sở chế biến chè Dũng Hoa (xã Quảng Long, huyện Hải Hà) ngày càng có thêm nhiều bạn hàng. Anh Dũng cho biết: Khách hàng thường quan tâm đến những thông tin về quá trình chăm sóc, thu hoạch, chế biến sản phẩm chè. Nhờ có công nghệ số, mọi quy trình này đều được thực hiện dễ dàng chỉ với những thao tác đơn giản, tạo dựng được lòng tin của khách hàng nên sản phẩm chè của chúng tôi cũng được thị trường đón nhận tích cực, bạn hàng ngày càng được mở rộng.
Cầu nối hỗ trợ nông dân chuyển đổi số
Những thuật ngữ như “chuyển đổi số”, “sàn thương mại điện tử” hay ứng dụng “công nghệ 4.0” trong sản xuất nông nghiệp đã không còn xa lạ đối với người nông dân. HND các cấp đã là cầu nối, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân, các chi, tổ hội nghề nghiệp bắt đầu ngay từ việc nhỏ nhất; cung cấp những kiến thức cần thiết về chuyển đổi số, nâng cao năng lực sử dụng máy tính, điện thoại thông minh, Internet và thương mại điện tử… Từ đó, từng bước tạo sự chuyển biến về nhận thức, tư duy trong từng hội viên, các chi, tổ hội nghề nghiệp, để tham gia chủ động, hiệu quả vào tiến trình chuyển đổi số một cách phù hợp nhất.
Ông Nguyễn Văn Đường, Phó Chủ tịch HND tỉnh, cho biết: Các cấp hội đã tổ chức nhiều hội nghị tập huấn, hướng dẫn chuyển đổi số cho hội viên, nông dân. Nội dung hướng tới những kỹ năng cơ bản để truy cập, khai thác các ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử; giới thiệu phương thức, cách làm, kết nối đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử; tạo lập, hỗ trợ kỹ thuật trong các trang web giới thiệu sản phẩm nông nghiệp. Từ đó giúp nông dân chủ động, tích cực tiếp thu, ứng dụng KHCN vào sản xuất, thích ứng với yêu cầu phát triển của xã hội. Từ năm 2021 đến nay, HND toàn tỉnh đã hỗ trợ gần 3.500 hội viên, nông dân tham gia các hội nghị, chương trình tập huấn về chuyển đổi số, tiếp cận khoa học kỹ thuật. Toàn tỉnh cũng thành lập được 5 mô hình CLB HND với chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông dân.
Ngoài ra, các cấp hội cũng tích cực hướng dẫn hội viên trong việc tạo tài khoản, viết bài, chụp hình, xây dựng các video quảng bá về sản phẩm, dịch vụ để đăng trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội; giới thiệu các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt… Trong năm 2024, HND tỉnh đặt mục tiêu có khoảng 5.000 hội viên, nông dân có tài khoản trên sàn thương mại điện tử, trong đó có 1.500 tài khoản có giao dịch.
Cũng trong năm 2024, HND tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn nông dân tham gia chuyển đổi số với khoảng 17 hội nghị cho hội viên, nông dân toàn tỉnh. Đồng thời tiếp tục chỉ đạo, thành lập nhóm chuyên tư vấn, hỗ trợ tổ chức cung ứng dịch vụ cho nông dân kỹ năng, nghiệp vụ trực tiếp livestream bán hàng trên mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử. Cùng với đó, xây dựng các mô hình CLB chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông dân; hỗ trợ kiến thức, kỹ năng cho các thành viên tham gia mô hình.
Chủ tịch HND huyện Hải Hà Phạm Thanh Hùng:
Tích cực hỗ trợ hội viên, nông dân đón bắt cơ hội chuyển đổi số
Chuyển đổi số đã và đang trở thành xu hướng tất yếu đối với mọi ngành nghề, lĩnh vực. Để hội viên, nông dân nhanh chóng bắt nhịp với xu hướng chung đó, HND huyện Hải Hà đã chú trọng phối hợp với Bưu điện tổ chức các hội nghị tập huấn chuyển đổi số theo hình thức cầm tay chỉ việc. Đó là cách thức sử dụng điện thoại thông minh để tạo lập các gian hàng trên sàn thương mại điện tử; thực hiện chụp ảnh, quay phim, đăng tải các nông sản của mình lên sàn để quảng bá, giới thiệu; cách thức tìm kiếm bạn hàng, chốt đơn hàng… Ngoài ra, chúng tôi cũng hỗ trợ hội viên, nông dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, kỹ thuật vào sản xuất như công nghệ trồng trọt trong nhà lưới, hệ thống tưới nhỏ giọt tự động, kiểm soát quy trình chăn nuôi, quản lý trồng trọt qua các ứng dụng trên điện thoại…
Anh La A Nồng (HTX Phát triển Đình Trung, xã Húc Động, huyện Bình Liêu):
Tổ chức nhiều hơn nữa các lớp tập huấn chuyển đổi số cho hội viên, nông dân người DTTS
Tôi đã được tham gia các lớp tập huấn chuyển đổi số do HND huyện tổ chức. Qua những lớp tập huấn đó, tôi biết thêm được nhiều kỹ năng chụp ảnh sản phẩm sao cho đẹp, viết bài về sản phẩm sao cho thu hút, tương tác và cách quảng bá sản phẩm miến dong Bình Liêu trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo. Ngoài cách thức bán hàng qua mạng xã hội, tôi cũng đang tìm hiểu về việc bán hàng trên các sàn thương mại điện tử và được HND huyện hỗ trợ, hướng dẫn tận tình.
Tôi cũng hy vọng HND các cấp tiếp tục quan tâm, tổ chức thêm nhiều hội nghị tập huấn, phổ biến kiến thức về chuyển đổi số cho hội viên, nông dân, nhất là những hội viên, nông dân là người DTTS như chúng tôi.
Chủ tịch HND phường Nam Hòa (TX Quảng Yên) Vũ Thị Linh:
Khích lệ, vận động hội viên, nông dân ứng dụng công nghệ vào sản xuất, chế biến
Ngoài việc hướng dẫn hội viên, nông dân tiếp cận với phương thức bán hàng qua mạng, HND phường Nam Hòa cũng thường xuyên vận động hội viên, nông dân chuyển dần các giao dịch thanh toán bằng tiền mặt sang giao dịch điện tử. Đồng thời khích lệ hội viên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất, nuôi trồng, chế biến, nhất là những công nghệ tự động hóa nhằm giảm thiểu nhân lực, nâng cao năng suất, chất lượng, cũng như đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho nông sản của mình.
Anh Nguyễn Chí Nhân (xã Hải Xuân, TP Móng Cái):
Cần cán bộ hội tận tình hướng dẫn, hỗ trợ nông dân trên hành trình chuyển đổi số
Chuyển đổi số giúp trang trại của chúng tôi kết nối được với nhiều du khách trong tỉnh đến tham quan, trải nghiệm. Đây mới chỉ là kết quả bước đầu mà công nghệ mang lại. Chúng tôi cũng kỳ vọng thông qua những tiến bộ từ công nghệ số với nhiều phương thức, nền tảng khác nhau, hình ảnh của trang trại ngày càng được quảng bá rộng rãi hơn. Bên cạnh đó, thông qua công nghệ, những giao dịch với khách hàng cũng nhanh chóng, thuận lợi hơn, đảm bảo an toàn hơn.
Cái khó là với những nông dân lớn tuổi như tôi, việc tiếp cận công nghệ sẽ ít nhiều có rào cản, do đó rất cần những cán bộ hội tận tình hướng dẫn để công cuộc chuyển đổi số thực sự trở thành đòn bẩy giúp người nông dân phát triển bền vững.